Doanh nghiệp xã hội và câu chuyện "Én nhỏ" thời đại dịch

Doanh nghiệp xã hội và câu chuyện "Én nhỏ" thời đại dịch

Nguyễn Hồng Nhung

Nguyễn Hồng Nhung

Thứ 7, 13/11/2021 19:46

Để cùng nhau vượt bão tố, tìm kiếm cơ hội phát triển từ những thách thức hiện nay thì sự gắn kết giữa các doanh nghiệp xã hội trong cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Nặng gánh “cánh én nhỏ”

Sáng ngày 13/11, trong khuôn khổ chương trình Én Xanh được tổ chức với chủ đề “Cánh Én kiên cường vượt bão giông”, các chuyên gia đã có những chia sẻ về sứ mệnh xã hội trong kinh doanh và chiến lược thích ứng trước khủng hoảng.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã đem đến cho các doanh nghiệp nhiều thách thức mới chưa từng có. Trước bối cảnh nền kinh tế vừa mở cửa, cuộc sống chỉ mới dần trở lại bình thường nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn do tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến rất nhanh, phức tạp và khó lường, đang làm cho các thách thức và cơ hội đan xen đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Tò He là một doanh nghiệp xã hội được thành lập với sứ mệnh đem đến cho trẻ em thiệt thòi sân chơi học tập, rèn luyện sáng tạo cùng với các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật nhưng do Covid-19 dẫn tới phải giãn cách xã hội, từ đó khiến các hoạt động của doanh nghiệp hoàn toàn “đóng băng”.

Xu hướng thị trường - Doanh nghiệp xã hội và câu chuyện 'Én nhỏ' thời đại dịch

Nguồn cung ứng hàng hóa không ổn định khiến doanh nghiệp xã hội gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó là khó khăn vì nguồn cung ứng hàng hóa không ổn định. Các dự án hỗ trợ cộng đồng đều phải hoãn, các kế hoạch phát triển, chỉ tiêu đề ra ở đầu năm đều phải ngưng lại. Việc lưu thông hàng hóa bị hạn chế, hao hụt hàng hóa tăng cao, chi phí vận chuyển tốn kém, chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến các doanh nghiệp điêu đứng.

Diễn giả Phan Thanh Vân, đại diện cho doanh nghiệp Tò He chia sẻ, trong 2 năm vừa qua doanh nghiệp rất chật vật để tồn tại. “Doanh thu lợi nhuận sụt giảm rất nghiêm trọng, giảm khoảng 60% so với trước dịch và có những giai đoạn cả tháng doanh thu bằng 0” – chị Vân cho biết.

Nhiều doanh nghiệp phục vụ cộng đồng được xây dựng trên nền tảng là sự kết nối tinh thần, tương tác trực tiếp giữa các thành viên đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng khiến doanh nghiệp phải sử dụng hình thức làm việc từ xa. Do đó khiến động lực và tinh thần làm việc của tập thể đều bị đi xuống.

“Chúng tôi bán trải nghiệm và tinh thần. Đó đều là những thứ mà chúng tôi không thể nào đóng gói và đem đi giao hàng được”, bà Nguyễn Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần sản xuất thương mại Abavina trăn trở.

Bên cạnh đó, bà Thoa cũng chia sẻ: “Vận chuyển hàng hóa chậm, chi phí vận chuyển tăng gấp 2-3 lần, rủi ro hao hụt tăng lên gấp 2-3 lần so với trước đây, cũng đang là mối lo ngại lớn. Những rủi ro về sức khỏe của doanh nghiệp luôn rình rập, không chừa một ai, bao gồm cả các bên tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm của chúng tôi”.

Nhiều doanh nghiệp mới chớm phát triển, chưa gây dựng được chỗ đứng vững chãi trên thị trường, đi kèm với đó là khó khăn do chưa có sự chuẩn bị cho tình huống Covid diễn ra. Từ đó dẫn tới mất phương hướng, bị động trong hoàn cảnh dịch bệnh và mất thời gian rất dài để nghiên cứu về vấn đề chuyển đổi phương thức kinh doanh.

“...chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng lại...”

Đối diện trước cơn khủng hoảng do đại dịch gây ra, các chuyên gia của Én Xanh đánh giá chuyển đổi phương thức kinh doanh cũng như cơ chế vận hành trong thời điểm này không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu để các doanh nghiệp có thể thực sự tồn tại.

Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đã chuyển hướng từ chủ trương "Zero Covid-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt để nỗ lực đạt được hai mục tiêu là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp cũng đang dần có những bước chuyển mình để phù hợp với hoàn cảnh xã hội.

Theo đó, một số doanh nghiệp đã chuyển hướng từ làm việc, kinh doanh offline sang online, sử dụng sự hỗ trợ của các phần mềm công nghệ số cho việc kinh doanh, áp dụng các hình thức quảng cáo mới, đổi mới cách thức kinh doanh trong thời buổi khó khăn.

Thay vì mở rộng cơ sở kinh doanh tại các địa phương, chúng tôi đã tăng cường mở rộng mạng lưới dạy và học online. Nhờ sự kết nối của Internet, chúng tôi đã có thể tiếp cận đến những vùng mà trước đây chưa từng nghĩ tới”, bà Lê Thanh Thủy, đại diện Tổ chức giáo dục Ô Xinh cho biết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang tiến tới thay đổi tư duy kinh doanh, tập trung vào nghiên cứu các dòng sản phẩm và dịch vụ mới phù hợp với thị hiếu thị trường hiện nay. Mở rộng thị trường kinh doanh, hợp tác làm ăn với các kênh thị trường nước ngoài, tìm kiếm cơ hội lan tỏa sản phẩm ra thế giới.

Nhìn nhận cơ hội ở trong thách thức, ông Bùi Thăng Long, Giám đốc công ty TNHH Đạt Butter chia sẻ tại tọa đàm: “Dù dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, nhưng đồng thời mở ra cơ hội cho chúng tôi đnhận được những đơn hàng xuất khẩu đầu tiên, từ đó chúng tôi quyết định đánh mạnh vào thị trường nước ngoài, đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới”.

Mặc dù phải kinh doanh trong hoàn cảnh dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhưng các doanh nghiệp vẫn rất tích cực, lạc quan và kiên cường tin vào tương lai.

Chị Mai Đào, Giám đốc phát triển kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng lại hay đóng cửa hàng. Có thể thu hẹp phạm vi kinh doanh, nhưng sẽ không đóng cửa hoàn toàn. Vì chúng tôi tin rằng mình vẫn đang tạo ra những giá trị tốt đẹp”.

Cánh én kiên cường vượt bão giông

“Mặc dù doanh số có giảm so với trước dịch nhưng không giảm đáng kể. Đây là sự nỗ lực của tất cả các thành viên Abavina trong việc thích ứng và cải tiến không ngừng. Chúng tôi luôn tâm niệm: Bình tâm, đón nhận thì khó khăn nào cũng vượt qua được”, bà Nguyễn Kim Thoa chia sẻ.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp xã hội cũng chia sẻ trong tọa đàm về tình hình kinh doanh có tín hiệu khởi sắc. Doanh số kinh doanh của các doanh nghiệp dần đi vào ổn định, thị trường được mở rộng ở cả trong và ngoài nước, sản phẩm từng bước tiếp cận được tới những vùng sâu vùng xa, đội ngũ nhân lực ngày càng nâng cao trình độ, tầm nhìn chiến lược và khả năng đối phó với những diễn biến khó lường của cuộc sống được nâng cao.

Xu hướng thị trường - Doanh nghiệp xã hội và câu chuyện 'Én nhỏ' thời đại dịch (Hình 2).

Bà Phan Thanh Vân, Giám đốc điều hành Tò He tâm niệm sẽ kiên trì theo đuổi mục tiêu và sứ mệnh ban đầu của doanh nghiệp là tạo ra giá trị cho xã hội.

Đánh giá về chiếc “chìa khóa” cốt lõi để giải bài toán khó trong giai đoạn khủng hoảng, tất cả các diễn giả tham gia tọa đàm đều đồng tình rằng cần phải bình tâm đón nhận, thay đổi để thích nghi, kiên trì theo đuổi mục tiêu và sứ mệnh ban đầu của doanh nghiệp là tạo ra giá trị cho xã hội.

Bên cạnh đó, rất cần sự quyết tâm đồng lòng, tin tưởng, đoàn kết của tập thể doanh nghiệp. Sự tiến bộ và đóng góp của mỗi bên liên quan sẽ thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển của cộng đồng.

Vì vậy, qua buổi tọa đàm các doanh nghiệp xã hội cũng chia sẻ rất mong muốn có được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, các chuyên gia, mạnh thường quân, tình nguyện viên… và quan trọng nhất là sự đồng hành của những khách hàng.

Theo đó, các tổ chức phát triển ngoài việc kết nối đầu tư, kinh doanh thì sẽ tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ cải thiện năng lực doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi mô hình kinh doanh mà còn phát huy mô hình đó một cách hiệu quả.

Én Xanh là chương trình đầu tiên của Việt Nam được tổ chức 2 năm 1 lần nhằm tìm kiếm và tôn vinh các Sáng Kiến Kinh Doanh Vì Cộng Đồng.

“Chương trình Én Xanh 2021 - Cánh Én kiên cường vượt bão giông” đã chính thức khởi động với một loạt các chương trình được thực hiện trực tuyến từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2021. Chương trình kết nối, lan toả và truyền cảm hứng cho các sáng kiến kinh doanh ứng phó đại dịch Covid-19 của các Doanh nghiệp Xã hội, Doanh nghiệp tạo tác động Xã hội và các Tổ chức Xã hội có sáng kiến kinh doanh trên khắp cả nước.

Chương trình Én Xanh 2021 do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (GAC), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển nguồn lực IBE,… và sự hỗ trợ kỹ thuật của Học viện Quản lý PACE, Công ty Cổ phần Hội tụ nhân tài Talentpool,...cùng sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.