Hành trình thủ tục khó khăn
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết: “Thủ tục đầu tư xây dựng là những lĩnh vực thủ tục hành chính có vai trò thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc gia nhập thị trường, đưa nguồn lực vào sản xuất và sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế”.
Chính vì tầm quan trọng đó, Chính phủ Việt Nam đã từng bước thực hiện những điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư xây dựng. Bên cạnh điều chỉnh khung khổ pháp lý, Chính phủ cùng chính quyền các địa phương cũng có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết: “Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 09 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 09 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định”.
Tuy vậy, Chủ tịch VCCI nói: “Thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và tới nhiều cấp chính quyền khác nhau”.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban pháp chế, VCCI cho biết thêm: “Để một dự án đầu tư từ khi ý tưởng cho đến khi xong các thủ tục, hoàn thành xây dựng nhà máy và đưa vào hoạt động là hành trình thủ tục rất khó khăn”.
Mặc dù, thời gian qua, sự bất cập, chồng chéo giữa các bộ luật đã có sự tháo gỡ nhưng các doanh nghiệp vẫn phản ánh còn nhiều vướng mắc khi triển khai, dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan. Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng, dư địa cải cách còn nhiều.
“Doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất ở thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng; tiếp đến gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, thẩm duyệt.
Tỉ lệ doanh nghiệp dân doanh gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cao hơn doanh nghiệp FDI, khác biệt đáng kể ở các thủ tục: quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục về quy hoạch xây dựng.
Để cấp giấy phép xây dựng, một doanh nghiệp cần khoảng 3 lần đến cơ quan nhà nước để hoàn tất xin cấp phép. Thời gian doanh nghiệp chờ được giải quyết trung bình mất khoảng 24 ngày”, ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ: “Giải pháp thủ tục hành chính như một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây là giải pháp không tốn kém mang lại hiệu quả bền vững và dài hạn”.
Bà Thảo chia sẻ: “Khi các nhà đầu tư vào Việt Nam, chỉ số cấp phép xây dựng là một trong các chỉ số được các nhà đầu tư quan tâm. Nhưng chúng ta vướng thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan rất dài.
Hiện nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới là 166 ngày cho thủ tục từ phòng cháy chữa cháy đến cấp phép, không bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch. Thời gian tương đối dài, có thể gấp 2, gấp 3 lần so với các nước trong khu vực”.
Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương cho rằng: Dư địa cải cách còn nhiều, bên cạnh cắt giảm thời gian trong mỗi thủ tục hành chính, cắt giảm những điều kiện thì cần khắc phục những mâu thuẫn bất cập và chồng chéo sẽ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Gỡ khó thủ tục hành chính cho doanh nghiệp
Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp ngành xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Bộ Xây dựng cho phép sửa đổi Nghị định về hợp đồng xây dựng, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các chủ đầu tư bằng những quy định cụ thể. Các chủ đầu tư đặc biệt là các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách phải có bảo lãnh thanh toán có 30% hợp đồng bảo lãnh vốn vay.
Ông Hiệp cho biết: Một hợp đồng thi công xây dựng nhà thầu phải có 4 hợp đồng bảo lãnh, còn các chủ đầu tư không có bảo lãnh gì về nguồn vốn gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp. Đề nghị công trình chưa ký được quyết toán giữa chủ đầu tư và nhà thầu thì dứt khoát chưa được phép đưa vào sử dụng.
Thứ hai, đề nghị thủ tục thanh quyết toán cho nhà thầu, đặc biệt đối với nguồn vốn ngân sách cần điều chỉnh đơn giản hóa các thủ tục và có quy định cụ thể về thời gian phải giải quyết cho từng bước.
Thứ ba, trong việc đối phó với bão tăng giá hiện tại cần phối hợp giữa các cơ quan. Hiện tốc độ cập nhật giá trên thị trường luôn bị chậm 1-2 tháng, vì vậy các giá cập nhật thanh toán vẫn không phải là thực tế.
Thứ tư, về đấu thầu cần xem xét điều chỉnh Luật đấu thầu, phân biệt, tách bạch quy trình đánh giá xét thầu của các gói thầu xây lắp với các gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị. Đặc biệt cần kết hợp việc đánh giá phải kết hợp giữa giá và các tiêu chuẩn kỹ thuật để thay thế cho phương pháp chỉ chọn giá thấp nhất nhằm tránh tình trạng phá giá gây bất ổn cho thị trường.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng đề nghị Bộ Xây dựng có đánh giá về đầu tư bất động sản, ngành kinh doanh chịu sự tác động của 12 Luật khác nhau nên gây chậm tiến độ cho các dự án, kéo theo chậm tiến độ xây dựng, gây ảnh hưởng số đầu việc cho các nhà thầu.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam đề xuất chính sách, bổ sung chi phí đầu tư xây dựng liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng; đề xuất chính sách nhằm giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng các tổ chức, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng và hành nghề kiến trúc cá nhân.
Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công đánh giá: "Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, giải pháp thủ tục hành chính như là một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn vì dịch Covid-19. Đây là "gói hỗ trợ" tốt nhất, khát khao nhất mà chi phí lại thấp nhất. Covid-19 vừa là động lực vừa là thời cơ để cải cách".