Duyên kinh doanh của chàng trai kỹ sư vật lý
Ông Đỗ Quang Hiển sinh năm 1962, ông Đỗ Quang Hiển được biết đến đầu tiên trên thương trường và thành công với Công ty T&T. Tuy nhiên, ông từng chia sẻ về việc bản thân nói không với làm kinh tế, làm doanh nhân nhưng rồi cái duyên ấy nó vẫn vận vào người.
Hồi còn “chong đèn đọc sách”, Đỗ Quang Hiển rất giỏi các môn khoa học tự nhiên, đam mê những định luật, nguyên lý… đến mức có thể ngồi lì cả ngày trời trong phòng để đọc sách, mày mò tìm hiểu những khối kiến thức bất tận của nhân loại. Đó cũng là lý do vì sao ông trở thành sinh viên khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp.
Vì thần tượng các giảng viên đại học nên từ đầu, ông mơ mộng trở thành một giảng viên, giáo sư vật lý với nhiều bằng sáng chế khoa học chứ không phải làm doanh nhân.
Học giỏi các môn tự nhiên, ông thi vào Đại học Tổng hợp khoa vật lý nhưng chẳng hiểu sao, khi đỗ, lại thấy tên xếp ở khoa Kinh tế chính trị dù đủ điểm đỗ khoa Lý. Hỏi ra thì ông được biết, khoa này mới thành lập được một năm, chủ trương lựa chọn những sinh viên học giỏi, có lý lịch tốt. “Tuy nhiên, tôi nhất quyết sang khoa Lý vì chỉ ước mơ là nhà nghiên cứu vật lý nên nhà trường đồng ý”, ông chia sẻ.
Ra trường, ông về làm việc tại Viện nghiên cứu Công nghệ quốc gia. Lúc đó Viện định hướng có tính nghiên cứu ứng dụng nên ông có cơ hội tiếp xúc với các đơn vị sản xuất kinh doanh.
Từ đó ông đã chuyển sang kinh doanh một cách rất tình cờ, trở thành đối tác phân phối độc quyền các mặt hàng gia dụng như tủ lạnh, máy giặt, điều hoà, tivi cho các hãng của Nhật như Panasonic, Mitsubishi, National... toàn miền Bắc. Năm 1993 Công ty T&T ra đời trong bối cảnh như vậy.
Năm 1998, trong lúc hoạt động kinh doanh liên tục phát triển, ông Hiển cũng như nhiều doanh nhân kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh… chịu cú sốc lớn khi Công ty Tân Trường Sanh nhờ sự giúp sức của một số cán bộ hải quan đã “tuồn” vào trong nước lượng hàng điện tử, điện lạnh… với khối lượng rất lớn, khiến Nhà nước thất thu tới gần 1.000 tỷ đồng. Thời điểm đó, các công ty phân phối trong nước thì điêu đứng vì không bán được hàng.
3 năm khủng hoảng qua đi. Ông Hiển gặp một cơ duyên khác và vực dậy uy tín của T&T với ngành sản xuất xe máy. Khi thị trường mà T&T tiên phong tìm ra trở thành “miếng bánh” ngon của gần 60 doanh nghiệp khác thì khó khăn, thất bại lại đến.
“Tiền bạc mất sẽ kiếm lại được, nhưng uy tín của T&T trên thị trường thì không thể bị lu mờ” - với quyết tâm đó đã giúp ông Hiển gây dựng lại T&T một lần nữa.
Quyết tâm đó của ông Hiển điển hình cho tính cách nổi bật của người tuổi Dần - tức là khi phải đối mặt với khó khăn trở ngại, tuổi Dần tự tin, mãnh liệt chắc chắn sẽ đón nhận thách thức và chiến đấu đến cùng.
Trở thành ông chủ Ngân hàng SHB
Qua giai đoạn khó khăn, T&T của ông Hiển ngày càng làm ăn khấm khá. Năm 2006, ông bắt tay vào kinh doanh một lĩnh vực hoàn toàn mới, đó là tài chính ngân hàng. Ông đầu tư vào SHB (khi đó là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái) và trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Thời điểm được bổ nhiệm lên vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng, ông Hiển đã lập tức chuyển trụ sở chính từ Cần Thơ ra Hà Nội, niêm yết cổ phiếu SHB trên thị trường chứng khoán để khẳng định tính minh bạch và tạo niềm tin cho cổ đông, nhà đầu tư.
Cũng trong giai đoạn này, nguồn vốn của ngân hàng được đẩy mạnh, SHB là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc mở rộng quy mô hoạt động sang nước ngoài, cụ thể là Lào và Campuchia.
Còn nhớ trong giai đoạn 2010 - 2012, hoạt động ngân hàng tại Việt Nam ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà băng mất thanh khoản, bộc lộ yếu kém. “Tôi thích làm những gì mà người khác cho là không thể” - là lời mà ông Hiển chia sẻ với báo giới cách đây cả thập kỷ và quả thật sau đó, năm 2012, ông đã một lần nữa minh chứng phương châm sống đó khi quyết định sáp nhập ngân hàng yếu kém Habubank vào SHB.
Nhìn lại, thời kỳ đầu là rất khó khăn. Sau khi sáp nhập Habubank hồi tháng 8/2012, ngay lập tức SHB của ông Đỗ Quang Hiển đã ghi nhận mức lỗ lên tới 1.700 tỷ đồng trong quý III/2012. Tỉ lệ nợ xấu tăng vọt từ 2,2% lên 13,2%. Đó là chưa kể đến các khoản nợ xấu tiềm ẩn và áp lực thoái lãi dự thu.
Chỉ một vài năm gần đây, lợi nhuận của SHB mới phục hồi lại được mức tương xứng với quy mô ngân hàng và SHB dự kiến phải mất cả thập kỷ từ khi sáp nhập để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan.
Từng chia sẻ với báo chí, ông Hiển nói rằng, với T&T, đầu tư vào ngân hàng là xu thế tất yếu. Các tập đoàn lớn trên thế giới bao giờ cũng bắt đầu từ đầu tư vào sản xuất công nghiệp, khi tập đoàn đó lớn lên thì họ sẽ đầu tư vào ngân hàng, tài chính để sinh lời bổ trợ sản xuất, tạo nên sự lớn mạnh của tập đoàn.
“Làm ngân hàng cũng phải làm có hệ thống, bao gồm tài chính, chứng khoán, bảo hiểm thì mới đứng vững và phát triển được, còn nếu anh đi theo “độc canh” ngân hàng thì rất khó thành công. Chúng tôi biết mình đi sau nhưng không chọn con đường ngắn nhất mà chọn con đường bền vững nhất…”, ông nói.
Từ một ngân hàng không ai biết đến, SHB hiện nằm trong top 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam. Từ mức vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, đến nay (tại ngày 30/12/2021) vốn điều lệ của SHB đã tăng lên mức 26.673 tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 50 lần sau 15 năm.
Kết thúc năm 2021, SHB ghi nhận lãi sau thuế ở mức 4.981 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của SHB đạt 506.556 tỷ đồng, tăng 23% so với hồi đầu năm.
Chia sẻ về sự thành công của SHB hay T&T, ông Hiển không nhận công lao về mình, mà nói rằng, ấy là sự tổng hợp của mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực lớn nhất là xây dựng thành công nền tảng văn hoá doanh nghiệp với giá trị cốt lõi là tính nhân văn trong hoạt động.
Duyên nợ với nền bóng đá nước nhà
Năm bước chân vào ngành ngân hàng cũng là năm mà ông Đỗ Quang Hiển chính thức thành lập Câu lạc bộ Bóng đá T&T Hà Nội. Tên tuổi Bầu Hiển gắn với cả 2 đội bóng SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T. Tuy nhiên, ông luôn khẳng định mình chỉ là một "người hâm mộ" đối với đội bóng SHB Đà Nẵng và hoàn toàn không sai luật. Bị xem là ông chủ của nhiều đội bóng, nhưng Bầu Hiển đang thành công với một quy trình khác biệt ở V-League.
Ngay từ khi thành lập CLB, ông đã cẩn thận xây dựng một đội trẻ từ lứa U15 bài bản và có chiều sâu, lấy đào tạo làm nền tảng cho phát triển bóng đá.
Trong 15 năm làm bóng đá, những đội bóng của ông bầu đất Hà Thành đã cung cấp nhiều cầu thủ tài năng cho đội tuyển, tiêu biểu nhất là lứa “cầu thủ vàng” như Quang Hải, Duy Mạnh, Đức Huy… Và cho đến giờ, chính Quang Hải và đồng đội đã buộc người hâm mộ phải dành cái nhìn thiện cảm hơn cho cách làm bóng đá của Bầu Hiển.
Điều mà vị doanh nhân tuổi Dần này hài lòng chính là việc dù chỉ sử dụng toàn HLV nội, công thức huấn luyện ban đầu cũng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thi đấu của những cựu cầu thủ nhưng “lò” đào tạo Hà Nội FC liên tục thống trị các giải đấu trẻ trong nước....
Hà Nội FC là một trong những câu lạc bộ giàu thành tích nhất bóng đá Việt Nam với 5 lần vô địch V.League (2010, 2013, 2016, 2018, 2019), 2 lần vô địch cúp Quốc gia (2019, 2020), 4 lần vô địch siêu cúp Quốc gia (2010, 2018, 2019, 2020) cùng vô số danh hiệu của lứa tuổi U19 và U21.
Ở các cấp độ đội tuyển, Hà Nội FC vẫn duy trì trong suốt hơn 10 năm qua là đội bóng đóng góp nhiều thành viên nhất từ huấn luyện viên đến các cầu thủ, trở thành nòng cốt trong những giải đấu lịch sử như AFF Cup, SEA Games, U23 châu Á, ASIAD...
Hiện nay, với sự đầu tư từ tập đoàn T&T của Bầu Hiển, “lò” đào tạo bóng đá T&T của Hà Nội đang rất mạnh tay trong việc thu hút nhân tài. Được biết, T&T hiện có một chi nhánh tại Cửa Lò (Nghệ An) có tên T&T VSH do cựu tuyển thủ quốc gia Văn Sỹ Hùng đào tạo. Đây là nơi đào tạo các tài năng trẻ dưới 15 tuổi, sau đó các cầu thủ triển vọng sẽ được chuyển ra Hà Nội để tiếp tục quá trình đào tạo cao hơn.
Đáng chú ý, ông Hiển còn đóng góp lớn trong việc đầu tư xây dựng lại sân vận động Hàng Đẫy - biểu tượng thể thao của Thủ đô. Sân vận động Hàng Đẫy có sức chứa khoảng 22.500 chỗ ngồi, được khởi công xây dựng lại hồi quý IV/2018 theo dự án hợp tác giữa tập đoàn T&T và tập đoàn Bouygues (Pháp) với kinh phí lên đến 250 triệu euro (khoảng hơn 7.000 tỷ đồng).
Bầu Hiển thường rất hào phóng trong việc chi tiền thưởng cho các cầu thủ. Hàng thủ chơi tốt hay cầu thủ chơi xuất sắc, bầu Hiển sẵn sàng móc “tiền tươi” thưởng ngay trên sân. Mặc dù có đóng góp rất lớn với bóng đá nước nhà, nhưng bầu Hiển hiếm khi xuất hiện trước công chúng để nhận công lao về mình.
Trong một lần trả lời phỏng vấn với báo chí, ông nêu quan điểm phải lấy bóng đá nuôi bóng đá mới là chuyên nghiệp: “Chúng ta cứ nói bóng đá chuyên nghiệp nhưng thực lòng thì còn rất xa bởi nếu nói bóng đá chuyên nghiệp thì phải sống được bằng bóng đá. Muốn sống được bằng bóng đá phải có năng lực quản trị điều hành như một công ty, tập đoàn”.