Ngoài việc đổi tên thị trấn Buford thành Thị trấn PhinDeli nhằm quảng bá cho thương hiệu cà phê PhinDeli, ông có chiến lược gì cho sự phát triển thương hiệu cà phê mới này?
Nói thật, chi phí quảng cáo ở Mỹ đắt không thể tả. Một trang quảng cáo trên The Wall Street Journal là nửa triệu đô rồi. Chúng tôi chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện quảng cáo ở Mỹ đâu.
Thay vì vậy, chúng tôi tạo ra một câu chuyện hay về thương hiệu để hấp dẫn báo giới để họ viết bài, đưa tin. Thực tế là như vậy.
Doanh nhân Phạm Đình Nguyên trong lễ ra mắt PhinDeli
Năm rồi, báo chí Mỹ đã lên cơn sốt trước sự kiện “Người Việt mua thị trấn Mỹ”. Tôi đã phải trốn chạy vì chưa có câu trả lời “làm gì với Buford”. Cho đến giờ vẫn còn rất nhiều các phóng viên báo lớn và đài truyền hình vẫn luôn giữ liên lạc với tôi. Họ đã đăng ký đề tài liên quan đến Buford và mong muốn là sẽ ghi hình, phỏng vấn khi tôi đến Buford. Ngày 3/9 tôi sẽ gặp họ ở Buford, trong buổi Lễ đổi tên thị trấn Buford và ra mắt PhinDeli.
Năm nay, chúng tôi lại có một quyết định quan trọng đó là đổi tên Buford thành thị trấn cà phê PhinDeli. Tôi hy vọng, đây sẽ là một cú hích truyền thông nữa.
Ngoài ra, chúng tôi vẫn phải đặt những pa-nô quảng cáo dọc xa lộ từ thủ phủ Cheyenne của Wyoming đi Buford – để thông báo về thị trấn mới PhinDeli. Chúng tôi sẽ đặt một pa-nô lớn “Chào mừng đến PhinDeli” ngay trước cổng vào thị trấn. Đây sẽ là nơi mà nhiều người muốn chụp lưu lại khoảng khắc Thị trấn cà phê Việt.
Chúng tôi cũng thuê một công ty PR để giúp quảng bá thương hiệu cho PhinDeli. Đây cũng là công ty đã từng giúp quảng bá cho Buford trước khi đấu giá thị trấn.
Thương hiệu cà phê PhinDeli được ông ấp ủ từ bao giờ? Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình “thai nghén” cà phê PhinDeli?
Khi quyết định tham gia đấu giá Buford thú thật là tôi chẳng có suy nghĩ gì nhiều. Đôi khi mình cũng phải mơ mộng. Nếu ai đó nói mình dại, tôi cũng chịu.
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, một thị trấn mặc dù chỉ có 4 hecta nổi tiếng như vậy – chắc chắn sẽ có nhiều việc để làm đây. Nó có thể dùng để làm một showroom giới thiệu hàng Việt, làm bàn đạp tinh thần để tiến vào thị trường Mỹ.
Thực tế, ý tưởng đó vẫn đeo bám tôi suốt từ đó đến nay. Tôi cũng cũng đã gặp gỡ và nói chuyện với một số bạn bè, cũng như một số doanh nghiệp về ý tưởng giới thiệu những sản phẩm “quốc hồn quốc túy” của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Vì nhiều nguyên nhân, những ý tưởng không đi đến kết quả rõ ràng.
Sau đó tôi quyết định đi theo hướng phát triển riêng một thương hiệu, sản phẩm nào mà Việt Nam mình là thế mạnh hoặc là những sản phẩm mà gắn kết với nét văn hóa Việt. Trong lúc đi tìm những ý tưởng này, tôi sực nghĩ đến cà phê và phong cách uống cà phê phin của chúng ta rất là đặc trưng. Thị trường trong và ngoài nước lại rất lớn. Việt Nam lại là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, nhưng vị thế các thương hiệu cà phê thành phẩm của Việt còn rất là khiêm tốn. Đây là cơ hội lớn.
Thế là tôi bắt tay vào cùng với một người bạn đã từng làm cho tập đoàn cà phê Kraft Foods và phải mất 8 tháng ấp ủ chúng tôi mới có sản phẩm ra ngoài thị trường.
Ngoài việc phát triển thương hiệu cà phê PhinDeli trên đất Mỹ, ông có kế hoạch gì khác cho sự phát triển thị trấn Buford?
Trước mắt, chúng tôi làm một quán cà phê Việt PhinDeli tại thị trấn. Tại đây chúng tôi giới thiệu cà phê Việt truyền thống cho khách ghé đổ xăng, mua sắm. Ngoài ra, chúng tôi dựng một bức tranh thuần Việt theo thể loại hoành tráng dài gần 10m. Nó mô tả công việc trồng cà phê, thu hoạch, chế biến, thưởng thức….
Chúng tôi cũng giới thiệu số vật dụng mang tính kỷ niệm như áo thun, móc chiều khóa, post cards… Một số thì bán, một số thì tặng.
Các nhà chuyên môn và bạn bè ông có ý kiến và đánh giá như thế nào về việc phát triển thương hiệu cà phê PhinDeli trên thị trấn Buford?
Mỗi một thương hiệu có một cách tiếp cận riêng. Nói cách khác, mỗi một thương hiệu có một chiến lược quảng bá riêng. Chúng tôi không đi quảng bá theo cách truyền thống. Đơn giản vì chúng tôi không có đủ nguồn lực.
Chúng tôi tìm kiếm những cách tiếp cận mới, táo bạo, sáng tạo – phù hợp với thời đại internet, truyền thông xã hội. Và nó cũng phù hợp với tinh thần “Không gì không thể!” của PhinDeli.
Tôi xin kể một chuyện vui. Sau khi báo chí đăng tin về Người Việt đổi tên thị trấn Mỹ, một người bạn của tôi ở Mỹ đã email chúc mừng: “Thủ phủ cà phê thế giới PhinDeli”: Ý tưởng hay! Anh bạn này điều hành một công ty quảng cáo nhỏ ở New York.
Xin cám ơn ông!
Phan An