Là một doanh nhân Việt kiều quay trở về góp sức mình kiến thiết quê hương, Johnathan Hạnh Nguyễn - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Liên Thái Bình Dương khẳng định: "Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt kiều có khát vọng làm giàu, có hoài bão đóng góp cho quê hương xứ sở, có lòng tự tôn dân tộc sẽ là một trong những điểm đột phá trong chính sách phát triển kinh tế quốc gia".
Ông phân tích, lực lượng doanh nhân Việt kiều đầu tư về nước sẽ bổ sung tốt về mặt công nghệ, về phương thức quản trị chuyên nghiệp, hiện đại trong quản lý sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao lợi thế về năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra đội ngũ này còn là cầu nối cho một số hợp tác kinh tế quốc tế, trên đường Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và ngoại giao nhân dân.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn
Là một doanh nhân Việt kiều thuộc thế hệ tiên phong quay về đầu tư và xây dựng quê hương, ông đánh giá như thế nào về các chính sách đãi ngộ của nhà nước đối với các doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào thời gian qua ?
Là người sớm trở về đầu tư tại quê hương, đặc biệt trong chính những năm tháng khó khăn của đất nước, khi Việt Nam bắt đầu chuyển mình từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, tôi nhận thấy chính sách đãi ngộ của Nhà nước Việt Nam đối với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài đã có những bước tiến rõ rệt, góp phần đem lại hiệu quả thiết thực trong hợp tác đầu tư, kinh doanh của lực lượng doanh nghiệp này.
Từ chủ trương khuyến khích đầu tư về nước để khơi dòng đầu tư đến tạo điều kiện về quốc tịch, sở hữu nhà đất đã giúp các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài yên tâm ổn định cuộc sống. Có về nước vào những năm tháng đó, chính thức hòa mình vào môi trường làm ăn, kinh doanh mới thấy hết được những bước tiến trong cải cách hành chính ở VN hôm nay. Cơ chế xin cho đang dần được thay thế, theo đó giới doanh nhân, donah nghiệp Việt kiều đã vơi đi tâm lý sợ bị làm khó, được tư do kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp trong nước.
Có thể ở đâu đó vẫn còn doanh nghiệp, doanh nhân bị làm khó, song đó là những trường hợp riêng lẻ cá biệt. Còn chung quy lại môi trường kinh doanh đầu tư ở Việt Nam hôm nay đã có những tiến bộ vượt bậc và tôi tin sẽ còn tiếp tục lạc quan, sáng sủa hơn thế nữa bởi xu thế hội nhập là tất yếu. Theo dòng chảy đó, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế đất nước thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhưng đến nay kết quả từ huy động nguồn lực quan trọng này vẫn chưa được như mong đợi ?
Theo tôi, sở dĩ các kết quả huy động nguồn lực chưa đạt như mong muốn, là có hai nguyên nhân.
Về nguyên nhân khách quan, tôi cho rằng chủ yếu do nền kinh tế thế giới tuy đã có dấu hiệu phục hồi ở nhiều nước phát triển nhưng vẫn chưa trở lại mạnh mẽ, chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn, khó lường trước, tài nguyên dần cạn kiệt, môi trường bị phá hoại, dòng đầu tư, nguồn vốn suy giảm…, tạo tâm lý co cụm của bộ phận doanh nghiệp Việt kiều ngày càng rõ nét.
Về nguyên nhân chủ quan, có thể xét theo hai bình diện. Ở bình diện nhà nước, do cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát của Nhà nước còn khiếm khuyết, thiếu thống nhất, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp từ các nguồn lực. Đâu đó ở nhiều địa phương, tệ quan liêu, thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử - bất bình đẳng còn tồn tại, chưa thật sự quán triệt chủ trương khuyến khích đầu tư của các cấp lãnh đạo. Thêm vào đó hệ thống luật pháp hiện vẫn còn chồng chéo, chưa cụ thể hóa và minh bạch hóa các chính sách kêu gọi đầu tư, chưa có các đột phá trong việc tạo ra khác biệt ưu đãi giữa Việt Nam và các nước lân cận…
Chính những yếu kém, bất cập trên là nguyên nhân khiến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt kiều vẫn chưa "mặn mà" lắm với chuyện quay trở về đầu tư tại quê nhà. Còn xét ở bình diện doanh nhân, doanh nghiệp, có thể thấy hiện năng lực của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn chưa tương xứng, tâm lý chạy theo lợi nhuận đơn thuần, đầu tư theo số đông, không nghiên cứu bài bản, không dám đột phá tiên phong phát triển những lĩnh vực kinh doanh mới, mở thị trường mới.
Và còn rất nhiều doanh nghiệp mang nặng tâm lý lo ngại, không muốn chịu rủi ro ban đầu, chạy theo chủ nghĩa cơ hội và luôn né tránh thực hiện nghĩa vụ thuế, không mặn mà với việc tham gia công tác xã hội từ thiện…
Để tháo gỡ được những vấn đề khó khăn trên, theo ông thì cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong nước ra sao để tạo thuận lợi cho kiều bào khi đầu tư về nước ?
Mặc dù có nhiều tâm huyết quay trở về đóng góp cho quê hương nhưng hiện hoạt động của các doanh nhân Việt kiều đang vấp phải không ít khó khăn, chủ yếu liên quan đến chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, thủ tục hành chính…
Chính vì vậy tôi mong Chính phủ sẽ sớm có những chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua hoàn thiện hệ thống luật pháp đầu tư, kinh doanh; khuyến khích, bảo vệ các doanh nghiệp DN, doanh nhân chấp hành tốt chủ trương, chính sách; chấn chỉnh và có chế tài nghiêm ngặt với những DN, doanh nhân vi phạm luật pháp, kém hiệu quả. Quan tâm tạo môi trường kinh doanh đầu tư minh bạch, công bằng giữa các doanh nhân, DN trong và ngoài nước theo đúng luật pháp và thông lệ quốc tế. Ngoài ra Nhà nước cũng cần quan tâm, chia sẻ và đồng hành giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN, doanh nhân; tạo điều kiện tiếp cận vốn, hỗ trợ thị trường, giúp DN, doanh nhân vượt qua thách thức hiện nay.
Tôi tin là nếu các giải pháp này được thực hiện đồng bộ, tích cực và liên tục thì khả năng huy động nguồn lực của doanh nhân, DN kiều bào vào phục vụ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của VN sẽ có những đột phá. Bản thân các DN, doanh nhân Việt kiều cũng sẽ nỗ lực hết sức mình trong niềm tự hào mình là người VN và đã, đang, sẽ tiếp tục về đóng góp, cống hiến cho quê hương !
Xin cảm ơn ông !
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp