Trận phục kích định mệnh
Nghe danh "độc nhãn đại hiệp" nổi tiếng về thành tích bắt trộm cướp tại quận 1 (TP.HCM) và quận 7 đã lâu, hôm nay chúng tôi mới có dịp được diện kiến. Vừa tới khu vực phường Tân Quy, chúng tôi hỏi "độc nhãn đại hiệp" Hoàng Văn Thanh thì một thanh niên đon đả: "Giờ này chắc ổng đang trên Ủy ban phường, các anh lên đó là gặp được thôi".
Căn phòng Ủy ban ngập tràn ánh nắng, trước mặt chúng tôi là một người đàn ông đã luống tuổi, dáng người cao gầy mảnh khảnh, đặc biệt là ông bị mất một mắt. Ông chính là người được dân quận 7 kính phục vì tài bắt trộm cướp không dựa vào việc phô trương sức mạnh.
Kể với chúng tôi về ngã rẽ cuộc đời, ông Hoàng Văn Thanh (SN 1957, quê Nam Định), cho biết: "Nguyện vọng của tôi là được góp sức mình cho đất nước. Vì thế tháng 4 năm 1978, tôi gia nhập quân ngũ và tham gia chiến trận tại biên giới Tây Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ người dân Campuchia khỏi quân Pôn Pốt Vì hoàn thành tốt các nhiệm vụ, tôi được cấp trên giao phó chỉ huy một tiểu đoàn và rồi máu đã đổ...".
"Độc nhãn đại hiệp" kể chuyện với PV
Như để lắng lại một nỗi kinh hoàng, ông Thanh ngắt quãng câu chuyện, nhấp một ngụm trà rồi kể tiếp: "Năm 1982, người dân vùng Xiêm Riệp (Campuchia) đang tất bật thu hoạch lúa. Ngày đó, tôi nhận được lệnh của cấp trên đi ra sân bay lấy quà tết được gửi từ Việt Nam sang.
Trước khi đi, chúng tôi đã chuẩn bị khá tốt cho chuyến đi, bàn bạc và lên kế hoạch khá cẩn trọng để đối phó với những tình huống tấn công bất ngờ của quân địch. Nhóm chúng tôi gần 20 người, đi ra sân bay nhận quà. Khi đi thì mọi thứ đều ổn, không hề có dấu hiệu có quân Pôn Pốt, nhưng khi về tới vùng Xiêm Riệp, giáp biên giới Thái Lan - Campuchia, chúng tôi bị phục kích bất ngờ.
Quân địch đã lên kế hoạch bao vây quân ta ở một cánh rừng, nơi quen thuộc của chúng. Tiếng đạn xé nát cả cánh rừng, rồi những tiếng rít của đạn cối 82 cứ văng vẳng bên tai tôi. Theo bản năng tự nhiên, tôi nhảy sang một bên để né tránh, nhưng không kịp, tôi bị trúng đạn và ngất đi".
Trận phục kích của quân địch ở vùng Xiêm Riệp đã khiến ông Thanh mất đi một bên mắt cùng rất nhiều vết thương trên cơ thể.
Ông Thanh ngậm ngùi: "Trong trận chiến sống còn ấy, một chiến sỹ hi sinh và hai chiến sỹ khác bị thương nặng. Tôi thì bị mất một mắt trái, đạn găm đầy người, nguyên nửa người tôi suốt mấy tháng không cử động được. Một chiến sĩ khác đã phải bỏ lại một bên chân của mình. Nhưng tôi nghe đồng đội kể địch còn thiệt hại hơn ta nhiều". Trận chiến kinh hoàng kết thúc, ông Thanh được sơ cứu ngay bên nước bạn và một tuần sau ông được đưa về nước chữa trị. Kết quả giám định thương tật cho thấy ông Thanh đã mất đi 81% sức khoẻ.
Lấy độc trị độc
Sau bốn năm chữa trị vết thương, ông Thanh ở lại TP.HCM sinh sống. Lúc này gia đình ông ngụ tại quận 1, ngay khu vực chợ cá Cầu Ông Lãnh. Cũng trong thời gian này, ông Thanh chứng kiến khu vực chợ tấp nập cũng là nơi hết sức phức tạp, trộm cướp hoành hành.
Năm 1986, ông Thanh đã chủ động lập đội bảo vệ an ninh khu vực chợ này. Thương tật khiến sức khỏe của ông Thanh giảm sút nhiều, vì thế việc đương đầu với những tên trộm cướp liều lĩnh dường như là một việc làm quá liều lĩnh. Tuy nhiên với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ, cộng với lòng can đảm và nhiệt huyết, ông Thanh quyết tâm thực hiện bằng được. Ông nhận trọng trách giữ trật tự, thu phí cho UBND phường. Đồng thời để có tiền chi phí cho công tác bắt trộm cướp, ông còn làm thêm kinh tế bằng nhiều công việc ở ngay chợ cá Cầu Ông Lãnh.
Để giữ gìn an ninh cho cả một khu chợ rộng lớn cần phải có những nhân viên tinh nhuệ. Nắm bắt được điều này, ông Thanh tập hợp nhiều thanh niên quanh khu vực chợ cá Cầu Ông Lãnh lập thành một đội bảo vệ. Nhưng hơn hết là ông đã tập hợp được một đội quân kỳ lạ, cái lạ ở đây là ông đã sử dụng ngay những người đã từng phạm tội, đã từng đi cải tạo, thậm chí có người đi tù về, hiện đang sinh sống trên địa bàn để làm lực lượng bảo vệ giữ gìn an ninh trong khu chợ. Để làm được điều này không phải là chuyện đơn giản.
Ông Thanh cho biết: "Mới đầu, tôi cũng không dám có ý định kêu gọi những người đã từng phạm tội vào hàng ngũ bảo vệ trật tự. Nhưng sau một lần tiếp xúc với một người vừa qua cải tạo, tôi thấy anh ta rất hiền, lại mong muốn không có ai phạm tội như mình nữa. Nắm được nguyện vọng của anh, tôi đã kêu anh ta vào hàng ngũ bảo vệ và anh ta đã làm khá tốt. Về sau này, tôi cũng tuyển nhiều người đã từng phạm những sai lầm và đã trả giá trong quá khứ về làm nhân viên bảo vệ.
Hơn ai hết, tôi thấy họ là những người từng va vấp với cuộc đời nên việc nhận biết được các dấu hiệu phạm tội của kẻ xấu, biết cách để khiến chúng không thể thực hiện được những mưu đồ đen tối của mình.
"Ngăn chặn" từ xa chính là biện pháp mà ông Thanh cho là hiệu quả nhất. Ông chia sẻ: "Đội quân của tôi khi ấy rất đông, nhiều người vẫn thầm lặng làm công việc bảo vệ. Còn nhớ một lần, khi ấy chúng tôi đang trực tại chợ thì xảy ra vụ cướp túi xách của một phụ nữ. Người phụ nữ thông báo với công an, sau đó công an báo cho đội của tôi.
Nhận được tin, ngay lập tức, tôi thông tin cho hệ thống chân rết để tìm ra kẻ cướp đồ. Đối với những người ấy, họ có biện pháp riêng, và do quan hệ của họ rất rộng nên việc tìm ra thủ phạm không quá khó. Chỉ ngay trong ngày hôm đó, túi xách của người phụ nữ đã được tìm thấy nguyên vẹn. Tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, trao đổi với các anh em nên việc phối hợp bắt trộm cướp trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Đã có thời bọn trộm cướp chưa kịp hành động vừa nhìn thấy tôi đã chạy bán sống bán chết".
Dường như cả cuộc đời mình, người thương binh nặng này đã gắn bó với việc bảo vệ công lý. Chuyển về quận 7 sinh sống vào năm 2000, tưởng rằng ông Thanh đã quên hẳn cái phận rong ruổi suốt đêm thâu, có ai ngờ chỉ được 5 năm thì ông lại tham gia công tác bảo vệ dân phố. Đến năm 2009, UBND quận 7 thành lập lực lượng bảo vệ dân phố, khi ấy ông được mời làm trưởng ban.
Đây cũng là nơi ông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Và cái danh "độc nhãn đại hiệp" ra đời từ những lần xả thân vì nghĩa ấy. Ông Thanh bồi hồi kể lại: "Năm 2011, tôi bắt được nhiều trộm cướp nhất. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất phải là năm 2010, đêm đó chúng tôi đang đi tuần thì bắt gặp ba tên kẻ trộm trèo lên tầng ba một công ty trộm đồ.
Bị chúng tôi phát hiện, hai tên liền nhảy xuống và bị tóm gọn, còn tên thứ ba thì ngoan cố cứ ngồi lỳ ở trên. Khi ấy, tôi phải chạy vào nhà dân mượn thang để trèo lên ngay khi trời đổ mưa. Chẳng may cây thang trụ không vững, tôi bị trượt khỏi thang rơi xuống. Cũng may khi bị rơi, tôi đã nắm được một song lan can nếu không thì đã bỏ mạng lâu rồi" Kể đến đây, ông Thanh nhoẻn miệng cười, như thể điều đó là rất bình thường đối với ông.
Không phải cứ thấy trộm cướp là lao vào bắt Ông Thanh quan niệm bắt trộm cướp cũng giống như đánh trận, cần phải có chiến thuật cụ thể. Ông thổ lộ: "Bây giờ tôi đã lớn tuổi rồi, sức cũng yếu, chỉ tham gia bảo vệ dân phố ở khu phố 3 thôi. Ban đêm tôi không nhìn rõ lắm, nhưng bấy lâu nay tôi vẫn nhờ vào kinh nghiệm quân ngũ như chỉ huy tuần tra, bao vây như thế nào, bắt ra làm sao nên hoàn thành tốt công việc. Cái khó mà tôi lo đó là thế hệ sau này không biết họ có được ai chỉ bảo không, có chiến thuật gì không. Việc bao vây bọn trộm cướp đã khó, bắt chúng còn khó hơn. Vì vậy, rất cần có chiến thuật cụ thể để đối phó với bọn tội phạm này". |
Hà Hưng - Hoàng Minh