Các cơ quan như bệnh viện chữa bệnh, nơi giám định tâm thần, nơi cấp "chứng chỉ điên" cho bọn tội phạm nguy hiểm này cũng không nằm ngoài cái gọi là quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến hành vi phạm tội của tội phạm. Nếu người đứng đầu bệnh viện cho rằng, bị tội phạm ép, doạ... thì phải có chứng cứ. Và, điều quan trọng nhất là sao không trình báo cơ quan công an xử lý mà tự ý quyết định để chúng ra ngoài tiếp tục gây án. Thực tế, chẳng nói thì người ta cũng hiểu, bọn tội phạm dạng này có nhiều chiêu quái gở để đối phó cơ quan điều tra.
Sùi bọt mép bằng... xà phòng
Chiêu này thì Vi ngộ, tên tội phạm "nghiện" đếm tiền ở Thanh Hoá áp dụng thành thạo nhất. Không biết, Vi ngộ vào “hang động” nào mà luyện được tuyệt chiêu lợi hại này. Thời gian đầu, nó "giúp" Vi thoát và trốn tội trước sự khó chịu của lực lượng truy bắt. Các điều tra viên của vụ án này đã tím mặt khi chứng kiến Vi sùi bọt mép, chân tay co quắp như kẻ động kinh thật.
Thế nhưng, qua tìm hiểu, chiêu động kinh này đơn giản tới mức, "khổ luyện" một chút là diễn tốt. Theo bác sỹ thần kinh học Nguyễn Tiến Học thì, cơ chế để tạo bọt mép, sùi ra ngoài trông giống động kinh thật và sự co quắp của chân tay, chỉ cần áp dụng khổ nhục kế là có thể làm được điều đó. Tất nhiên, ngoài tập ra, bọn tội phạm này chắc chắn cũng biết được "mánh khoé" hỗ trợ khác. Trước khi cảm thấy bất ổn, cần diễn là chúng uống một loại nước có nhiều xà phòng hoặc lưu huỳnh để tạo sự đầy ứ trong cổ họng, tạo bọt và chỉ cần có một động thái nhỏ, cho tay vào miệng trước đó hoặc lấy răng cắn vào lưỡi, tự làm sặc để xông lên họng là có thể sùi bọt mép ra được...
Cũng theo bác sỹ Học thì lúc bị động kinh thật, người rất mệt, chẳng ý thức được gì, chỉ co quắp và sùi bọt mép, mũi, mồm sau đó lả đi vì mệt. Lúc bị động kinh, cơ thể không còn sức lực, không thể phạm tội được, không cầm được bất kỳ thứ gì, người lúc đó ở trạng thái chết lâm sàng và vô thức. Vì thế, nói rằng, bị động kinh mà vẫn chém giết, đánh người được thì là chuyện lạ. Và, thế là, khổ luyện như thế, cuối cùng Vi ngộ cũng bị lật tẩy bộ mặt ghê tởm của kẻ phạm tội nghiêm trọng và chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Vượng “Tộ Tích” giả điên bị tra tay vào còng số 8.
Trường hợp tiếp theo là Lê Trọng Tuyến, 23 tuổi và Lê Trọng Tuyền, 24 tuổi, cùng trú tại xã Liên Phương (Thường Tín, Hà Nội). Hai tên này cố ý giết người chỉ vì một cuộc điện thoại nhầm. Chém người dã man xong, chúng bỏ trốn một thời gian khá dài, sau đó về bệnh viện Tâm thần Trung ương để trốn tránh. Cũng như những tên tội phạm giả điên khác, trước khi phạm tội, chưa ai được một lần chứng kiến cơn điên của chúng.
Chỉ khi phạm tội, bị bắt, chúng mới đưa cái "chứng chỉ điên" ra để trốn tội. Vì thế, qua theo dõi, hội đồng giám định của viện Giám định pháp y tâm thần kết luận: Trước, trong và sau khi phạm tội, Tuyền và Tuyến không có bệnh tâm thần. Đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Với kết luận này, Tuyến và Tuyền đã bị công an TP. Hà Nội bắt tạm giam ngay lập tức.
Máu phải “lạnh” mới giả điên được
Ngoài giả động kinh ra, thì giang hồ đất Cảng chơi chiêu cao hơn là giả tâm thần. Chiêu này thực sự rất tốn thời gian theo dõi của cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn. Ngoài đời, trước, trong và sau khi phạm tội, Mai Đức Vượng (tức Vượng “Tộ Tích”) nhanh như con sóc, chạy chỗ này, đến chỗ kia đòi tiền, dằn mặt đối thủ, thế mà khi bị cơ quan công an bắt, y lại lờ đờ giả điên. Hành vi của Vượng lúc bị bắt, thể hiện mình bị lẩn thẩn, nói những câu bâng cua, không vào trọng tâm của cuộc hỏi cung.
Thậm chí hắn hát rất to, khóc lớn như trẻ con bị đánh đòn. Khi thấy bước chân của cán bộ, những hành vi giả điên được thực hiện liên tục nhưng cán bộ đi rồi, Vượng lại "nghỉ" để nghĩ ra chiêu khác. Theo các điều tra viên, thực chất, Vượng là kẻ lầm lỳ, ít nói và hành vi phạm tội thì quyết liệt, phạm tội đến cùng để đạt được mục đích. Tại chốn ăn chơi, Vượng cũng không hay thể hiện mình nhưng đàn em của Vượng thì giúp "đại ca" nổi như cồn bên cạnh cái khuôn mặt ra vẻ "lơ láo". Sở thích duy nhất của Vượng ở chốn đông người là khoe "hàng nóng". Cách tính toán của tên tội phạm này, không hề thể hiện sự khiếm khuyết về thần kinh mà nó thể hiện là một kẻ có "thần kinh rắn", lạnh lùng khi "xuống tay" với đối thủ xem ra, để giả được điên, cũng toàn là dân - giang hồ máu lạnh cả.
Theo tài liệu trinh sát và lời khai của đám "ong ve", Vượng chỉ giả điên khi bị công an bắt. Bình thường, đám "ong ve" vô tình nói kẻ điên, khùng là Vượng nổi khùng thực sự, đá đấm tên "ong ve" đó. Vượng cấm đàn em nói đến từ điên, tâm thần trước mặt mình. Vượng nói đàn em rằng: "Ông mày giả điên cho chúng mày sung sướng chưa đủ sao còn móc mói.
Tao điên thật, chúng mày chết đói cả lũ, vào khám mòn đời chờ chết...". Đúng vậy, chính vì cái sự quá tỉnh của mình mà Vượng bị lộ tẩy. Khác với Vượng, Thắng Quán Toan và Tuấn tượng không thể hiện gì mình là người tâm thần. Tuấn và Thắng đều rất kín tiếng về chuyện làm ăn, phạm tội. Chỉ những vụ khó, Tuấn và Thắng mới ra mặt để lấy oai cho "ong ve" dễ hành xử, chứ không thích việc gì cũng trương mặt ra như Vượng. Thỉnh thoảng, Tuấn có kể với một vài người thân và đám đệ tử thân tín về chuyện chạy trốn sang Anh và phạm tội tại đó. Song, Tuấn kể theo dạng “truyện trinh thám”, khó phân biệt thật giả. Tất nhiên, trong các câu chuyện đó, Tuấn đề cao mình là chính?!!. Chính vì coi thường cơ quan chức năng nên Tuấn đã lộ tẩy là kẻ giả điên, bị bắt vào khám chờ sự trừng phạt của pháp luật.
Cùng với chiêu "thích đếm lá, đá ống bơ", Đỗ Văn Hùng (đường Quang Trung, TP. Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá) đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra tới mức bắt buộc phải chấp nhận cho y đi giám định bệnh điên. Tại nơi giám định và nhà tạm giữ của công an Thanh Hoá, Hùng hò hét, kêu la inh ỏi. Hắn gào khóc, chửi bới, nhịn ăn và không ngủ đến vài ngày. Chẳng ai dám vào phòng bệnh của hắn, vì hắn mong muốn mình bị điên đến mức, phóng uế ra sàn nhà, dùng tay bốc và bôi phân lên tường nhà, nền nhà... làm cho căn phòng đầy mùi xú uế.
Gào thét trong mùi xú uế 2 ngày liền, chỉ nghỉ lúc thấy mỏi, Hùng lả đi. Sau đó, chắc là ngấm mệt, Hùng không thể "giữ phong độ" la hét được mãi. Hắn tính toán và trở lại trạng thái im lặng của kẻ thần kinh "thích đếm kiến" chứ không "đá ống bơ" gây động nữa. Gây ra hàng chục vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có giết người, mua bán chất ma tuý... Hùng không thể là kẻ điên, trong khi thủ đoạn của y thì người 2 lần tỉnh vẫn khó mà nghĩ ra được.
Giả điên càng thêm nặng tội Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, trưởng văn phòng Luật sư Việt Lý phân tích: Tạåi khoản 1 Điều 13 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đang mắc bệnh tâm thần sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự không kể là tội gì nhưng người đó sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Tại khoản 2 Điều 13: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội sau đó với mất năng lực hành vi hoặc bị bệnh tâm thần trước khi bị kết án thì cũng bắt buộc phải chữa bệnh sau đó mới xem xét có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Thông thường thì không ai kết tội một người bị bệnh tâm thần hoặc mất năng lực hành vi, chính điều này tạo ra kẽ hở cho tội phạm lợi dụng. Hiện tại, việc chứng minh một người có tâm thần hay không tùy thuộc vào kết quả của hội đồng giám định pháp y, vì thế trách nhiệm của ngành y tế trong việc giám định tâm thần là rất quan trọng, các hoạt động tố tụng khác đều dựa vào kết quả giám định pháp y để xem xét. Nếu giám định không chuẩn, tội phạm lợi dụng quy định này để lách luật, trốn tránh trách nhiệm hình sự. Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội sau đó giả bị bệnh tâm thần để trốn tránh, nếu bị cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh là không bị bệnh sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi mình đã gây ra. Ngoài ra, khi xét xử, tòa án có thể áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm o khoản 1 Điều 48 BLHS, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm". |
Ngân - Lan - Anh
Kỳ 7: Nữ quái thoát y và "nghề" điên cha truyền con nối