Nghề "cò" có sức hút khiến cả những người chạy xe thồ, bán vé số, thậm chí bán hàng rong... nếu gặp mối thì cũng sẵn sàng "lấn sân" sang "nghề tay trái". Giới cò này tìm mọi thủ đoạn “hút máu” của những người đi bán.
Quán cà phê vỉa hè này là nơi lui tới thường xuyên của nhiều cò máu
Xe thồ, vé số kiêm "cò máu"
Trong đám đông nhốn nháo trước cổng Bệnh viện Chợ Rẫy (201B, Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, Tp HCM) sáng một ngày giữa tháng 6, tôi quan sát thấy một gã xe thồ có rất nhiều biểu hiện khả nghi. Tôi tiến đến và khe khẽ hỏi: "Có mua máu không anh?”. Ngay lập tức gã ném cho tôi cái nhìn lạ lẫm: "ở đây làm gì có ai mua bán cái thứ ấy, cô nhầm địa chỉ rồi, đi chỗ khác mà tìm, để chỗ cho người ta làm ăn".
Tôi vờ đứng lì ở đó, mặt buồn rầu. Vài phút sau, bỗng đâu một cái vỗ vai thật mạnh từ phía sau lưng, làm tôi giật thót cả tim. Quay lại nhìn thì hóa ra... gã xe thồ lúc nãy: "Bán máu thật hả cưng, theo anh". Nhanh chóng gã dắt tôi vào một quán nước đối diện bệnh viện, tại đây gã bắt đầu đưa ra những yêu cầu cho cuộc giao dịch.
Theo gã này, tôi sẽ được bố trí đăng kí làm người nhà của một bệnh nhân, và phải luôn ghi nhớ tên bệnh nhân trong đầu, đề phòng khi bác sĩ hỏi đến còn biết đường trả lời. Sau khi bán máu xong, tôi sẽ nhận được 500 ngàn tiền bồi dưỡng, gã căn dặn tôi tuyệt đối không được gặp gỡ người nhà bệnh nhân vì như vậy sẽ rất dễ bị lộ. Mọi liên hệ, trình tự thực hiện đều phải tuân thủ những qui tắc mà gã đưa ra.
Một ngày sau đó, tôi tiếp tục đến Bệnh viện Chợ Rẫy, trong vai trò người đi mua máu. Thấy tôi quanh quẩn trước khu vực cổng bệnh viện, một bé gái khoảng 16 tuổi đến bắt chuyện và mời tôi mua vé số. Sau một hồi vòng vo, cô gái hỏi thẳng: "Chị đến đây khám bệnh à?, "Không! chị đến cho máu người nhà", tôi đáp. Ngay tức khắc cô gái ngắt lời: "Tội gì phải cho máu, chỉ cần bỏ vài đồng là sẽ có người cho máu thay chị, để sức mà trông người nhà, em tên Sương, có gì chị cứ liên lạc với em". Nói rồi cô gái lấy bút ghi số điện thoại của mình lên tay tôi.
Không để Sương đi, tôi hỏi về lai lịch người bán máu và được cô khẳng định: "Về chất lượng máu thì chị yên tâm, khi nào bệnh viện kiểm tra thấy "OK" thì chị giao tiền cho em cũng chưa muộn. ở đây em có đủ các nhóm máu, chị cần nhóm nào em "điều" nhóm đó".
Trước những lời lẽ đầy thuyết phục của Sương, tôi vẫn kiên quyết gặp người bán máu rồi mới quyết định mua hay không. Ban đầu Sương từ chối nhưng sau đó cũng xuôi theo. Đúng 2h chiều cùng ngày, như đã hẹn trước tôi quay lại gặp Sương và người bán máu trước cổng bệnh viện. Đắng lòng khi trước mặt tôi là một phụ nữ chừng 50 tuổi, dáng người gầy gò, nước da xanh xao.
Cố diễn cho đúng phong cách của một người đi mua hàng, tôi chê người phụ nữ kia quá gầy, không đủ tiêu chuẩn để bán máu. Trước thái độ dứt khoát của tôi, Sương hạ giọng: "Chị ấy hoàn toàn khỏe mạnh, không khỏe mạnh ai dám đi bán máu, bán cho chết à. Chị cứ đặt cọc cho em trước 500 ngàn, xong việc em mới dám nhận hết phần còn lại. Máu giờ hiếm lắm, chị không lấy là em chuyển cho người khác". Thấy tôi phân vân, bà bán nước bên cạnh chen vào: "Em đặt cọc đi, giá như thế là mềm rồi. Em đi khắp các bệnh viện xem, chỗ nào rẻ hơn chị trả lại tiền"...
Tôi hỏi vui: "Với một người mua máu, các anh chị kiếm được bao nhiêu tiền". Sương bật mí: "Chia chác xong cũng còn vài đồng, ai cũng phải sống mà chị". ông xe thồ cạnh bên hài hước: "Tất nhiên là hơn hẳn một ngày chạy xe thồ".
Đủ kiểu dịch vụ "ăn theo"
Tại bệnh viện Truyền máu Huyết học (118 Hùng Vương, Phường 12, Quận 5, TP.HCM) các cò hoạt động theo phương thức khác, không chỉ môi giới mua bán máu, mà kèm theo đó là dịch vụ cho vay nặng lãi, và hàng loạt dịch vụ khác.
Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Truyền máu Huyết học có khoảng 100 người đến “hiến máu”. Để bán được máu, bắt buộc người bán phải đến thật sớm để xếp hàng. Song, không ít người từ các tỉnh đổ về không thể đến sớm được. Thế là dịch vụ "xí chỗ" ra đời. Khoảng 3 - 4h sáng, mấy đứa trẻ bán vé số dạo lỉnh kỉnh nào gạch, nào báo... đem tới trước cửa bệnh viện xí chỗ. Một đứa có thể xí tới 4 - 5 chỗ, mỗi chỗ giá bán 5.000 đồng.
Khó quản lý
Phó Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bác sĩ Trương Thị Kim Dung cho biết: "Việc cò máu hoạt động bên ngoài cổng bệnh viện, chúng tôi rất khó quản lí. Nếu phát hiện có sự cấu kết nào giữa nhân viên bệnh viện và cò máu, chúng tôi nhất định sẽ xử lí nghiêm theo đúng luật. Để hạn chế cò máu lộng hành, biện pháp tốt nhất là tăng nguồn hiến máu, vận động toàn dân hiến máu, khi nguồn máu được cung cấp dồi dào thì người nhà bệnh nhân không phải mua máu ngoài nữa".
Thường thì đến 6h sáng "chợ bán chỗ" rã đám, nhường "sân" cho những người bán thuốc và nước trà đường. Bỏ trong túi áo, túi quần vài chục viên thuốc nhỏ nhỏ màu trắng, mỗi buổi sáng tại bệnh viện, người phụ nữ tên Liễu có thể kiếm được vài trăm ngàn tiền lời. Mấy loại thuốc này xuất xứ ở đâu chỉ bà Liễu biết. Bà thường quảng cáo những viên thuốc này "có tác dụng tăng hồng cầu, người mua cứ "vô tư" mà vượt qua cửa ải xét nghiệm của bác sĩ".
Còn theo lời giải thích của người phụ nữ tên Mai bán trà, thì việc uống thuốc với trà đường nóng không những tăng lượng hồng cầu trong máu mà còn tăng cả lượng máu. Hầu hết những người bán máu chuyên nghiệp đều là dân lao động nghèo trình độ thấp nên dễ dàng bị các cò máu này dụ ngọt. Tuy nhiên, những người như bà Liễu, bà Mai chỉ là làm ăn kiểu "cò con". Làm ăn "lớn" phải kể đến bà Thúy, bà Hương, những người chuyên cho vay nặng lãi.
Trong vai một cô sinh viên cần tiền đến bệnh viện để bán máu, chỉ trong giây lát ngơ ngác, tôi đã được bà chủ nợ "chăm sóc" tận tình: "Cần tiền hả cháu? Có mang chứng minh thư không? Cô giúp cho".
Sau một hồi đon đả đưa đi làm thủ tục, bà "chủ nợ" gợi ý ngay: "ở đây không lấy được tiền ngay đâu, phải xét nghiệm xong mới được, còn nếu muốn lấy ngay cô đưa tiền cho, rồi bồi dưỡng cho cô chút ít". Đây là "chiêu bài" quen thuộc của cò máu đối với những người bán máu lần đầu tiên khi không có thẻ hiến máu cũng như "quan hệ".
Trong phòng chờ bán máu, một chị tên Nga (ngụ Tây Ninh) góp chuyện: "Tui từng vay của bà Hương 100 ngàn cho con đóng học phí, đến ngày bán máu được 470 ngàn, tui trả vốn lẫn lãi hết gần 300 ngàn, còn lại 170 ngàn tiền xe đi về nữa là gần hết". Chị nói thêm: "Nếu ai tránh né, không chịu trả tiền họ sẽ kêu giang hồ "xử đẹp".
Đa phần các tay "cò" cho vay nặng lãi sẽ chọn cách ngồi lẫn trong đám đông người bán máu để canh chừng con nợ cũ và móc nối, xây dựng mạng lưới mới. Một thanh niên không biết chữ, được một "cò" nam áp sát và điền thay mọi thông tin trong phiếu đăng kí. Giữa buổi trưa người thanh niên này đi theo tay cò gặp một số chủ nợ đang ôm giỏ tiền ngồi ở vỉa hè đối diện cổng Bệnh viện (góc đường Ngô Quyền - Hồng Bàng).
Khi tôi ngỏ ý muốn vay tiền của những người kia, anh Định (ngụ Quận 2) cũng đang chờ bán máu, xuống giọng khuyên: "Cô không nên mượn họ, họ lấy lãi kinh khủng lắm. Tôi cũng đang là con nợ của họ đây." Rồi anh tâm sự: "Vừa ra cổng Bệnh viện là tiền bán máu phải chia năm xẻ bảy cho chủ nợ, chẳng còn bao nhiêu. Rồi túng thiếu, mượn nợ, bán máu, trả nợ, vòng luẩn quẩn cứ dài dài...”.
Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy phần lớn người bán máu mưu sinh và người mua rất chuộng việc bán máu qua cò, vì với người bán, họ có thể được nhiều tiền hơn và không phải làm nhiều thủ tục rườm rà như trong bệnh viện. Trong khi đó nhiều gia đình có người thân đang nguy kịch mà chưa có nguồn máu họ đành phải tìm đến "cò".
Nhóm phóng viên