Sau thời gian tạm dừng, điểm ẩm thực quê An Nhứt tại xã An Nhứt (huyện Long Điền) đã mở cửa trở lại vào hôm 20/3, thu hút đông đảo người dân, du khách gần xa tới thưởng thức các món ăn dân dã và trải nghiệm khung cảnh cực “chill chill” bên cánh đồng lúa, thoáng mát.
Điểm ẩm thực quê An Nhứt hoạt động từ 16h đến 22h hàng ngày. Vào những ngày cuối tuần, có rất đông du khách đến chụp hình.
Bán hàu nướng, gỏi đu đủ tại điểm ẩm thực, chị Trần Huệ Dung (trú xã An Nhứt, huyện Long Điền) cho biết, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ tạo công ăn việc làm nên kinh tế gia đình giảm bớt khó khăn, sau thời gian chị mất việc ở công ty may trên địa bàn.
“Điểm ấm thực quê được chính quyền địa phương mở cửa trở lại khiến tôi và các tiểu thương đều rất vui mừng. Mỗi ngày, tôi bán ở đây cũng kiếm được 300 - 400 nghìn đồng, hơn mức thu nhập làm công nhân trước đây”. chị Dung chia sẻ.
Chị Nguyễn Mai Linh (22 tuổi, trú tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, thông qua mạng xã hội, chị biết đến điểm ẩm thực quê An Nhứt, tranh thủ ngày nghỉ chị cùng bạn bè đi từ Đồng Nai đến Bà Rịa - Vũng Tàu để trải nghiệm, ăn uống.
“Mình khá ấn tượng với điểm ẩm thực mới lạ này, ngoài được thưởng thực các món ăn mang đậm vị quê, còn được nhìn ngắm cánh đồng lúa thơ mộng. Thực sự, đến đây mình cảm giác không khí rất trong lành, khung cảnh thật bình dị". Chị Linh nói.
Các món ăn dân dã và phong phú với đủ loại như: thịt nướng, bắp nướng, bánh xèo, khoai mì luộc... đều được niêm yết giá cả trước gian hàng. (Ảnh: Gio Linh).
Khung cảnh thoáng mát, bình dị tại điểm ẩm thực quê An Nhứt. (Ảnh: Gio Linh).
Trước đó, điểm ẩm thực quê An Nhứt hoạt động từ dịp cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn để tạo công ăn việc làm cho công nhân thất nghiệp và những hộ nghèo trên địa bàn xã. Tuy nhiên, từ 1/3 phải tạm dừng, khảo sát địa điểm mới để bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, làm rào chắn dọc kênh thủy lợi.
Ông Nguyễn Tường Thành, Chủ tịch UBND xã An Nhứt cho biết, điểm ẩm thực hiện có 67 gian hàng với đa dạng các món ăn do chính người dân địa phương làm ra, chế biến. Ngoài việc tạo điều kiện sinh kế cho người dân, mô hình này còn góp phần hướng đến việc phát triển du lịch cộng đồng khu vực nông thôn.
Gio Linh