Sự khác biệt
Tranh Đông Hồ từ lâu đã đi vào sử sách, thơ ca, đi vào tâm hồn người Việt tự bao đời nay như thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột. Loẹt lòe trên vách bức tranh gà”. Hay trong bài thơ “Bên kia sông Đuống”, nhà thơ Hoàng Cầm cũng miêu tả: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Những ngày cận Tết Kỷ Hợi, PV báo ĐS&PL tìm về làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) để được đắm mình vào không gian đậm chất nghệ thuật qua những tác phẩm đặc sắc.
Nói về ý nghĩa của dòng tranh dân gian Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả (SN 1963) chia sẻ: “Tranh Đông Hồ khác với những dòng tranh khác là được in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề. Dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động nền văn hóa lúa nước, cuộc sống lao động bình dị, chất phác với những phong tục, tập quán, sinh hoạt của nông dân Việt Nam. Dòng tranh này tạm chia ra 4 thể loại: Vẽ, vừa in vừa vẽ, in hoàn toàn, treo mộc bản. Cùng với đó có nhiều ý nghĩa với 5 chủ đề: Chúc tụng (đề tài này được cầu mong nhiều vì ngày xưa nghèo khó cả năm nên mơ ước cuộc sống no đủ, sung túc); Đời sống xã hội (mô tả những sự vật, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống thường nhật); Lịch sử (những tích về lịch sử); Tranh truyện, tín ngưỡng cũng được đề cập nhiều”.
Theo ông Quả, ông đến với nghề tranh dân gian Đông Hồ là từ “cha truyền con nối”, nhưng điều quan trọng là ông cũng cảm thấy yêu thích với nghề truyền thống. Gia đình ông có 10 đời làm nghề tranh dân gian Đông Hồ, từ năm 7 tuổi, những đứa trẻ trong nhà đã được tiếp xúc với tranh, nhặt tranh, phơi tranh. Đến khi 10 tuổi thì in tranh rồi dần dần thành quen...
Chia sẻ về chất liệu của tranh, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cho hay: “Để làm tranh dân gian Đông Hồ cần có giấy dó, giấy điệp kèm màu truyền thống đó là màu đỏ (được nghiền từ viên sỏi son), màu xanh từ lá chàm ủ, màu vàng từ hoa hòe, quả dành dành”.
Trong suốt những năm tháng nối nghiệp gia đình, ông Quả nhớ nhất thời kỳ tranh Đông Hồ phát triển có thể coi là đỉnh cao: “Vào những năm 80, 90 thế kỷ trước, những thanh niên làm tranh như tôi tham gia tổ tranh của hợp tác xã, có thời kỳ 8-10 năm chúng tôi ăn ngủ với tranh. Bởi, dịp Tết nhu cầu mua tranh rất cao, phải sản xuất liên tục. Người dân đến đặt tranh Đông Hồ ngày ấy khác nay nhiều lắm. Thời đấy, nhu cầu về tranh in câu đối, chúc Tết, mâm ngũ quả, lọ hoa rất nhiều. Có khi đến 29 Tết, cả làng phải thức suốt đêm để giao hàng. Đó là những kỷ niệm một thời hoàng kim của tranh Đông Hồ mà tôi không thể nào quên”.
Ý nghĩa của bức tranh có hình “lợn ỉn”
Có thể nói, dòng tranh dân gian Đông Hồ đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam, đặc biệt với những ai yêu thích văn hóa truyền thống. Những hình ảnh đám cưới chuột, đàn lợn, đàn gà, thiếu nữ hứng dừa... được in nhiều. Trong đó, hai bức tranh về “Lợn đàn” và “Lợn ăn cây ráy” cũng nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người, nhất là vào những năm Hợi, hai bức tranh này rất hút khách.
Chia sẻ về ý nghĩa bức tranh “Lợn đàn”, “Lợn ăn cây ráy” ông Quả cho biết: “Ý nghĩa của con lợn trong dòng tranh dân gian Đông Hồ đó là lợn thường gắn liền với người nông dân, ai cũng đều mong cuộc sống no đủ. Trong tranh Đông Hồ, trên mình con lợn có hình xoáy tượng trưng cho âm dương, nói về thuyết âm dương tức nghĩa cầu mong, sự cân bằng và no đủ”.
Về bức tranh “Lợn đàn” thì ông được nghe các cụ truyền khẩu là cầu mong cuộc sống no đủ, bởi ngày xưa khó khăn, nghèo, nên có được một con lợn là gia tài lớn. Trong bức tranh là hình 1 lợn mẹ và 5 chú lợn con, mang một hàm ý nữa là về tình mẫu tử, đây là giá trị cao quý, đáng trân trọng. Hoặc, 5 con lợn cũng thể hiện cho ngũ hành, một giá trị văn hóa tâm linh trong đời sống con người.
Về bức tranh “Lợn ăn cây ráy”, ông Quả chia sẻ, do ráy là thức ăn cung cấp cho lợn thời bấy giờ, và cả hai bức tranh nổi tiếng trên đều thể hiện mong ước về cuộc sống ấm no, đầy đủ. Cũng theo nghệ nhân Quả, mỗi dịp Tết Nguyên đán, những bức tranh này thường được khách mua nhiều, bởi gà, lợn là những con vật gần gũi với người nông dân.
Chia sẻ về dự định in tranh dịp Tết Nguyên đán năm nay, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả cho biết thêm: “Mọi năm, tôi vẫn thường in tranh để bán. Tranh con lợn từ trước đã được nhiều người chuộng, năm nay lại là năm Kỷ Hợi nữa nên những bức tranh về lợn như “Lợn ăn cây ráy”, “Lợn đàn” chắc chắn sẽ được nhiều người yêu thích. Thậm chí, từ bây giờ khách hàng đã đặt tôi in tranh khổ lớn. Hiện tại, trong nhà tôi lúc nào cũng in sẵn khoảng vài trăm bức tranh về lợn và những con vật khác để khách hàng thoải mái lựa chọn. Tuy nhiên, do giá bán của tranh Đồng Hồ khá rẻ, bức nhỏ chỉ khoảng 30.000 đồng, bức lớn thì 50.000 đồng... nên đó cũng là lý do khiến cho nhiều nhà ở làng Đông Hồ không còn mặn mà với tranh nữa. Mặc dù vậy, nhưng tôi vẫn thích làm tranh vừa để lưu giữ lại truyền thống của cha ông và cũng là để thỏa mãn niềm đam mê với dòng tranh cổ truyền của Việt Nam”.
Đây cũng là điều khiến nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả luôn đau đáu. “Nếu như ngày xưa, cả làng làm tranh, cứ đến hẹn lại lên tháng 7, tháng 8 âm lịch là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết. Nhưng ngày nay, cả làng chỉ còn rất ít gia đình giữ nghề. Đây cũng là điều mà tôi cảm thấy trăn trở nhất trong việc lưu giữ lại nghề tranh dân gian Việt”, ông Quả tâm sự
Mong tranh dân gian Đông Hồ không bị mai một
Trao đổi thêm với PV, bà Nguyễn Thị Ánh, cán bộ văn hóa thông tin xã Song Hồ cho biết: “Tôi được các cụ trong làng kể lại trước kia, tranh Đông Hồ được bán chủ yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, người dân mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ. Ngày xưa, cả làng làm tranh, nhưng ngày nay do kinh tế thị trường, chỉ còn 3 nhà. Thường vào những dịp lễ Tết thì tranh dân gian Đông Hồ sẽ hút khách hơn. Chúng tôi, những người làm văn hóa luôn mong mỏi nghề tranh truyền thống sẽ mãi được lưu giữ, phát triển để không bị mai một”.
Hoàng Bích