Bánh láo khoải
Bánh láo khoải còn có tên gọi khác là lức khoải hay rớ khoải, là một món bánh đặc biệt của người Mông, chỉ được làm vào dịp Tết. Để làm bánh láo khoải phải đồ chín ngô nghiền sau đó nén trên bàn đá. Ngô nén nặn thành hình bầu dục rồi bôi mỡ trộn mật ong xung quanh.
Cách ăn bánh cũng khá đặc biệt: thái mỏng chiếc bánh nướng lên hoặc thái chỉ nấu với đường. Ngoài ra còn có thể nấu với đỗ như nấu canh.
Pa pỉnh tộp
Pa pỉnh tộp hay chính là cá gập nướng là món ăn quen thuộc mỗi dịp xuân về của đồng bào người Thái. Do sống trên vùng núi cao nhiều thác, suối, rạch nên bữa cơm thường ngày của người Thái không thể thiếu món cá; với bữa cơm tất niên thì cá lại càng quan trọng.
Người Thái cạo vảy sạch sẽ những con cá chép, trắm, trôi... sau đó mổ dọc sống lưng. Nhiều loại nguyên liệu và gia vị được nhồi vào, cá được gập lại nướng trên than hồng. Món cá phải đẫm gia vị, ngọt, chắc thịt mới là thành công.
Bánh vắt vai
Ngay từ nhỏ các thiếu nữ dân tộc Cao Lan đã được bà, mẹ truyền thụ cách làm bánh vắt vai – một loại bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết. Cái tên bắt nguồn từ việc dễ dàng vắt bánh lên vai mang đi và thưởng thức ở bất cứ đâu.
Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, đường, ngải cứu, gói lá chuối. Ngày Tết đồng bào Cao Lan thường dùng bánh này để thăm hỏi, lễ tết họ hàng, người thân quen.
Khâu nhục
Khâu nhục là món thịt ướp đẫm nhiều loại gia vị như ngũ vị hương, húng lìu, địa liên, tỏi, ớt, hạt tiêu, bột ngọt, dấm, rượu... rồi hấp cách thuỷ trong vòng nửa ngày. Miếng thịt khâu nhục mềm thơm, dậy mùi gia vị, khi ăn tạo cảm giác như tan trong miệng. Đây là đặc sản ngày Tết của nhiều dân tộc miền núi phía Bắc như Nùng, Tày, Sán Dìu.
Gỏi kiến bóp chua
Đối với đồng bào người Ba Na, gỏi kiến bóp chua là món ăn được dùng nhiều trong các lễ hội trong đó có dịp Tết. Kiến dùng để làm gỏi là loại kiến màu vàng, có thể tìm thấy vào tất cả các mùa trong năm nhưng ngon nhất là vào tháng 1 đến tháng 4 vì kiến đang kỳ đẻ trứng, có nhiều nhộng.
Gia vị để chế biến gỏi kiến có riềng băm hoặc giã nhuyễn. Hấp kiến và nhộng khoảng 10 phút, xúc ra trộn với riềng, nêm muối vừa ăn. Chỉ vậy là đã có món gỏi kiến thơm ngon mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên.
Canh thụt
Sở dĩ gọi là “canh thụt” bởi khi nấu, các nguyên liệu được bỏ vào một ống lồ rồi đem nướng trên ngọn lửa, dùng một que tre để thụt vào, đảo đều các nguyên liệu cho đến khi trong chín mềm. Đây là món ăn lạ của đồng bào M’nông, thường xuất hiện trong bữa cơm đầu năm mới. Canh thụt dùng nhiều loại rau quen thuộc ở Tây Nguyên như rau nhíp, đọt mây, còn có cả cá suối.
Bá Di (Tổng hợp)