Được công nhận là một thành viên của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Mường chủ yếu sống ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam, trong đó, tập trung đông nhất ở tỉnh Hòa Bình và các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa.
Được biết đến là một dân tộc có bề dày về các phong tục tập quán độc đáo, đặc sắc và duy trì nhiều lễ hội, PV Báo Người Đưa Tin đã có dịp tìm về đất Mường để tìm hiều về phong tục tập quán đặc sắc nơi đây, đặc biệt là một số lễ nghi đặc biệt trong ngày tết.
Trong tiết trời se se lạnh, mưa lây phây đặc trưng của mùa xuân, tiếp chúng tôi tại căn nhà sàn cổ kính, ấm nồng tình cảm mến khách của gia chủ là một vị cao niên, uy tín trong làng, ông Nguyễn Văn Thương (ở xóm Mỗ 2, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, Hòa Bình).
Nếu được hỏi trẻ em thích gì nhất trong những ngày Tết thì không thể thiếu được câu trả lời là được người lớn mừng tuổi, chúc chăm ngoan học giỏi, ngoan ngoãn, vâng lời ông bà cha mẹ.
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Thương, ở đất Mường, khi trẻ con tới nhà, thay vì mừng tuổi tiền mặt như người Kinh, gia chủ sẽ lì xì cho các bé một hoặc hai cái bánh chưng gói hình chữ nhật, nhỏ và dài. Đó là lý do khi đến "xứ sở" của người Mường dịp năm mới, mọi người sẽ bắt gặp hình ảnh những em bé nhảy chân sáo đi chơi với 2 chiếc bánh chưng đeo lủng lẳng trên cổ. Trong lúc đi chơi, nếu đói bụng lúc nào, các cháu có thể mở bánh ăn luôn lúc đó.
Người Mường có tục lệ “Trâu ra đồng ăn cỏ, người đến nhà ăn cơm”. Chính vì vậy, trong mấy ngày Tết, cứ đến nhà người Mường, dù no dù đói cũng phải ngồi vào mâm ăn cơm, uống chén rượu cùng gia chủ, như vậy mới thể hiện sự quý mến, tôn trọng nhau. Người Mường tâm niệm, khách càng say càng thể hiện quý gia chủ, gia chủ càng sung sướng.
Sáng mùng 1 thay vì mừng tuổi nhau thì người mường cho lợn ăn, cho gà ăn với nguyện vọng cầu mong năm mới no đủ. Mà muốn no đủ thì trước hết mình phải quan tâm, chăm sóc đến gia súc, gia cầm của mình để nó nuôi sống mình, làm giàu cho mình.
Trong 3 ngày Tết, các thành viên trong gia đình chọn cho mình bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất, ăn bữa cơm sáng rồi đi chúc Tết các gia đình trong họ, trong mường, bản. Người phụ nữ Mường trong ngày Tết thì không phải nấu cơm mà chỉ mặc váy đẹp đi chơi, cơm nước là do người đàn ông.
Dân làng tổ chức vui chơi các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, đánh mảng, đánh khăng, bắn nỏ, kéo co, hát đối đáp… xen lẫn tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang càng làm không khí những ngày xuân sôi nổi, náo nhiệt.
Những người con đất Mường cùng tấu lên những điệu nhạc, nói lời hay, ý đẹp, cầu chúc cho gia chủ sang năm mới ăn nên làm ra, mùa màng bội thu.