Sức sống mãnh liệt của một ngôi chùa
Chùa Hang nằm khiêm tốn bên quốc lộ 54, cách TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh 6km, thuộc địa bàn khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành. Chùa Hang có tên gọi khác là chùa Kompông Crây. Sở dĩ có tên chùa Hang là vì cổng vào chùa được xây dựng như một lối vào hang động với chiều dài lên đến 12m. Vì vậy, người dân tộc Kinh gọi là chùa Hang cho dễ nhớ.
Chùa Hang tọa lạc trên một mảnh đất rộng gần 10ha, xung quanh được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của rừng cây sao và dầu. Rừng cây này lên đến hàng trăm tuổi với nhiều gốc cây cổ thụ to lớn.
Chánh điện chùa Hang.
Kiến trúc chùa Hang cũng giống như hàng ngàn ngôi chùa của người Khmer ở miền Tây Nam Bộ. Chánh điện của chùa được xây dựng công phu và trang trí cầu kì với phần mái nhọn cao vút, hiên ngang giữa trời. Mỗi chiếc cột chùa trên phần ngọn được trang trí nữ thần Kâyno giang đôi cánh như đang nâng đỡ mái chùa. Ở giữa sân chùa là nơi đặt bức tượng "rắn thần" Nara 7 đầu nổi tiếng được chạm trổ tinh xảo, cầu kì. Hàng chục gốc cây duối hàng trăm tuổi cùng những cây cảnh khác có giá trị được trồng trong chậu, đặt khắp trong khuôn viên sân chùa. Tất cả như tô điểm, làm hoàn thiện hơn vẻ đẹp nghiêm trang mà sang trọng của chùa.
Chùa Hang là nơi các vị sư tu học đạo theo hệ phái Nam Tông. Chùa được xây dựng vào năm 1637, là một trong 3 ngôi chùa lâu đời nhất ở Trà Vinh. Tên chùa Kompông Crây có nghĩa là bến cây đa. Sư Thạch Út, người đã tu hành ở chùa hơn 20 năm cho biết: "Chùa Kompông Crây lúc mới được xây dựng, gần chùa có một cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Thân cây lớn đến nỗi năm, sáu người ôm không hết. Kề bên gốc đa cổ thụ đó là dòng sông nhỏ hiền hòa, uốn quanh. Lúc đó trụ trì đầu tiên của chùa quyết định đặt tên cho chùa là Kompông Crây có nghĩa là bến cây đa".
Chùa Hang trước kia còn được gọi là chùa Dơi, vì xung quanh chùa là rừng sao, dầu bát ngát, là nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi. Nhưng đến Tết Mậu Thân (năm 1968), chùa Hang bị một quả bom của Mỹ đánh trúng, làm cho hàng trăm sư sãi trong chùa chết và bị thương. Chánh điện của chùa gần như sụp đổ hoàn toàn. Đàn dơi trong chùa cũng hoảng loạn bỏ đi biệt tích từ đó. Về sau người dân Khmer cùng nhau đóng góp tiền bạc và công sức xây dựng lại chánh điện cho chùa như ngày nay.
Chùa Hang bây giờ bình yên, nằm giữa rừng cây xanh mát trong không gian yên ắng, thanh bình. Hàng ngàn con chim, con cò lại về đây sinh sôi nảy nở, đưa chùa Hang trở thành một điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách khi đến Trà Vinh.
Tác phẩm Cửu Long.
Những nhà sư tài hoa
Trà Vinh là tỉnh mà phần lớn dân số là người Khmer. Họ sinh sống tại đây đã bao đời nay. Người Khmer vốn rất sùng đạo Phật, trong từng thôn ấp nơi đồng bào Khmer sinh sống, đâu đâu cũng có chùa. Chùa là nơi chốn linh thiêng được người dân hết mực bảo vệ và tin tưởng. Vào dịp rằm hay đầu tháng và nhất là những ngày lễ truyền thống của dân tộc, người dân Khmer lại cùng nhau đến chùa để thắp nhang cúng, cầu những điều tốt đẹp, an lành cho cuộc sống an sinh.
Trong 141 ngôi chùa ở Trà Vinh, chùa Hang là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất. Đây là nơi đang lưu giữ và trưng bày hàng trăm tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tinh xảo từ những gốc cây cổ thụ. Điều đáng nói là những tác phẩm nghệ thuật này được tạo nên từ những bàn tay của các vị sư sãi trong chùa. Đây chính là điểm khác biệt, tạo nên bản sắc riêng biệt của chùa Hang so với những ngôi chùa khác.
Rừng cây xung quanh chùa Hang với đủ những loại cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm là nguồn cảm hứng vô tận và là nguyên liệu chính cho các nhà sư tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Nghề điêu khắc ở chùa Hang được bắt đầu từ năm 2002. Từ những thân cây bị tàn phá trong chiến tranh, trụ trì của chùa lúc bấy giờ là sư Thạch Suông, đã cùng với các sư sãi trong chùa đào những gốc cây cổ thụ lên để trồng vào đó những mầm cây mới.
Ban đầu, những gốc cây bị đào lên dự định sẽ được cưa nhỏ để làm củi đốt, nhưng trụ trì Thạch Suông nhận thấy sự đồ sộ và hình dáng đẹp mắt của những gốc cây này mới nảy ra ý định tạo nên các tác phẩm nghệ thuật. Bỏ ra nhiều ngày dò hỏi, trụ trì Thạch Suông tìm đến chùa Tòa Sen ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long mời bằng được ông Thạch Buôn - một nghệ nhân điêu khắc, chế tác đồ gỗ nổi tiếng về chùa Hang dạy cho các sư trong chùa và các thanh niên trong vùng. Trước nhu cầu phát triển của nghề điêu khắc, trụ trì Thạch Suông đã lập ra câu lạc bộ Điêu khắc chùa Hang vào năm 2005, gồm 40 thành viên yêu nghệ thuật và chính trụ trì Thạch Suông làm chủ nhiệm câu lạc bộ này.
Cũng từ đó, những tác phẩm nghệ thuật lần lượt ra đời dưới bàn tay của những nhà sư tài hoa. Hàng trăm tác phẩm thuộc chủ đề các linh thú được chạm khắc công phu và tỉ mỉ, nổi tiếng nhất phải kể đến tác phẩm Cửu Long, gồm 9 đầu rồng được đẽo gọt sắc sảo cuốn vào nhau, cao gần 5m. Đây là tác phẩm đồ sộ nhất trong hàng trăm tác phẩm đã hoàn thiện ở chùa Hang.
Cửu Long được tạo ra từ bàn tay của 10 người thợ lành nghề làm việc trong nhiều tháng liền. Tiếp đến là tác phẩm 12 con giáp cũng không kém phần tinh xảo và đẹp mắt. Tác phẩm thể hiện 12 con thú cầm tinh của con người một cách sinh động. Ngoài ra những tác phẩm khác như Đại bàng giao đấu với sư tử, Long phụng sum vầy, Long lân quy phụng, Cá chép chơi trăng, Anh hùng tương ngộ... cũng không kém phần giá trị.
Các nhà sư đang điêu khắc trên gỗ.
Những tác phẩm này được trưng bày khắp hành lang trong chùa làm mãn nhãn biết bao du khách khi ghé thăm chùa Hang. Trụ trì Thạch Suông đã quyết định xây dựng thêm phòng trưng bày để có chỗ bày những tác phẩm ngày càng nhiều hơn. Những "kiệt tác" điêu khắc ấy, ngoài trang trí cho chùa còn được bán ra thị trường để có thêm thu nhập cho những thành viên sáng tạo ra nó.
Hiện câu lạc bộ Điêu khắc chùa Hang đã "đào tạo" ra hàng chục thợ lành nghề, giúp những thanh niên trong vùng có công ăn việc làm ổn định. Anh Sơn Sốc, 36 tuổi (ngụ huyện Châu Thành - Trà Vinh) có năng khiếu vẽ từ nhỏ và yêu thích nghệ thuật, sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Năm 18 tuổi, anh đến chùa Hang để tu đạo, trong quá trình ở chùa, anh được học nghề điêu khắc từ nghệ nhân Thạch Buôn. Anh đặc biệt có tài trong việc tạo hình thú từ gốc cây cổ thụ. Sau hai năm miệt mài học tập, đến năm 2004, anh hoàn tục, lập gia đình và tiếp tục nghề điêu khắc ở chùa Hang.
Tính đến nay, anh đã tạo ra hàng trăm tác phẩm, những tác phẩm này phần lớn được bán cho du khách hoặc các cơ quan ban ngành trong tỉnh. Những tác phẩm còn lại được trưng bày trong chùa. Anh Sơn Sốc cho biết, để tạo ra một tác phẩm từ gốc cây cổ thụ, anh phải bỏ nhiều ngày nhìn ngắm bộ rễ gai góc, xù xì đó. Hình ảnh đó ghi sâu trong đầu mới nảy ra ý tưởng sáng tạo. Tiếp theo, anh phác họa hình ảnh, tính toán kích thước hình ảnh các con thú cho phù hợp với hình dáng rễ cây. Sau đó, anh cưa bỏ những phần rễ thừa không cần thiết và bắt đầu chạm khắc các hình thù con vật. Khâu cuối cùng là đánh bóng cho tác phẩm được nổi lên một cách đẹp nhất.
Nguyên Việt - Đăng Văn