Độc đáo cây đàn đáy cổ tuổi đời gần 1 thế kỷ

Độc đáo cây đàn đáy cổ tuổi đời gần 1 thế kỷ

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Điểm quý báu của cây đàn không chỉ nằm ở âm thanh, chất liệu mà nó còn ở giá trị vô hình về thời gian và những cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật ca trù nước nhà của nhiều đời nghệ nhân, nghệ sĩ.

Trường cổ đại thanh

Sau rất nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng tôi cũng có may mắn được đến tư gia của NSND Nguyễn Xuân Hoạch để có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng cây đàn đáy vốn được người trong giới âm nhạc dân tộc mệnh danh là cây đàn đáy cổ nhất Long Thành.

Xã hội - Độc đáo cây đàn đáy cổ tuổi đời gần 1 thế kỷ

NSND Xuân Hoạch trong một lần đi diễn.

Đến với ca trù như một sự tình cờ, bởi trước đó NSND Xuân Hoạch theo học đàn nguyệt. Ông là một trong những người đầu tiên được trường âm nhạc Việt Nam nay là Học viện âm nhạc Việt Nam được cử đi học đàn đáy để hiểu về môn ca trù và phục vụ cho đoàn ca múa nhạc dân tộc. Lại thêm một sự tình cờ tưởng chừng như duyên tiền định.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Đoàn Ca múa Trung ương (Nhà hát Ca múa nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay) và được nhà hát tin tưởng giao cho một cây đàn đáy. Trước đó, vào năm 1972, hướng tới phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian, Đoàn Ca múa Trung ương quyết định chi 4.200 đồng (tương đương khoảng 2 cây vàng) để mua cây đàn này. Thời điểm ấy, lương của các nghệ sĩ còn rất thấp chỉ khoảng 50-80 đồng, nhưng Đoàn vẫn dành số tiền khổng lồ ấy để mua lại cây đàn.

Sau khi đánh mấy điệu cơ bản, NSND Xuân Hoạch tỉ mỉ giới thiệu cho tôi nghe về cây đàn. Lúc nhận cây đàn từ thầy Đinh Khắc Ban, ông đã được nghe kể về sự kỳ công khi vị thân sinh ra cụ Ban chế tác cây đàn này cách đây gần trăm năm. Khi làm đàn, nguyên liệu phải được chuẩn bị chừng 3-4 năm trước. Cần đàn dài khoảng 1,5m được đẽo từ gỗ lim nguyên khối. Thành đàn làm bằng gỗ trắc mật, mặt hộp đàn làm từ gỗ vàng tâm. Đây đều là những loại gỗ quý và rất khó để tìm kiếm được. Bộ phím của cây đàn này được làm từ thân cây tre đực, phơi sương phơi nắng qua nhiều năm liền nên rất chắc chắn. Ở giữa các phím có chế tạo một rãnh nhỏ để đặt các suốt tre.

Dây đàn được làm bằng dây tơ rất tỉ mỉ, kỳ công. Chính từ những nguyên liệu đặc biệt ấy mà âm thanh của cây đàn cũng rất đặc trưng, vừa trầm đục nhưng lại chắc nịch và rất vang. Có lẽ lý do khiến cụ thân sinh của nghệ nhân Đinh Khắc Ban kỳ công chế tác cây đàn này không chỉ vì cụ muốn con trai mình có được tiếng đàn hay nhất mà còn như gửi gắm vào đó cả tâm huyết một đời với nghệ thuật ca trù.

Theo tục lệ gia đình, cụ Đinh Khắc Ban còn được làm lễ đóng đàn trước tổ tiên. Với niềm đam mê với môn nghệ thuật truyền thống được cha truyền dạy lại, cụ Đinh Khắc Ban không ngừng học hỏi để trở thành một kép đàn nổi danh. Sau này, nhắc đến ca trù thế kỷ 20 người ta không thể không nhắc đến những cái tên như ca nương Đinh Thị Bản và kép đàn Đinh Khắc Ban. Không chỉ sinh sống và tham gia vào các giáo phường ca trù ở Khâm Thiên (Hà Nội), cụ Ban còn cùng cây đàn bôn ba khắp nơi để diễn hát ca trù. Cụ thường đem theo cây đàn, lọc cọc đạp xe sang các vùng Lỗ Khê, Sơn Tây (Hà Tây cũ) hoặc xuống những vùng liên quan đến ca trù để đàn hát, đem ca trù đến với công chúng.

Lại nói về cây đàn, ngày nay do sự khó khăn của nguyên liệu nên người ta hay dùng dây nilon để thay thế dây đàn. Tuy nhiên, theo NS Xuân Hoạch, để đàn đáy có được âm sắc cổ kính và giống với tiếng người nhất thì dây đàn phải làm từ dây tơ. Để có được những cuộn dây ấy, ông đã phải xuống tận làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) để tìm mua những sợi tơ vừa được tằm nhả ra. Có tơ rồi, NS Xuân Hoạch kỳ công xe đi xe lại. Chập hai sợi tơ thành một, rồi từ những sợi to ấy lại xe thành một dây đàn. Để dây tơ bền và dùng được lâu, ông đã tham khảo cách làm dây của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Xã hội - Độc đáo cây đàn đáy cổ tuổi đời gần 1 thế kỷ (Hình 2).

NSND Xuân Hoạch bên cây đàn cổ.

Giữ cho âm sắc mãi ngân vang

NS Xuân Hoạch năm nay đã ngoài 60 tuổi. Năm 1982 ông được nhận cây đàn từ Đoàn ca múa nhạc Trung ương. Nhẩm tính, cây đàn cũng đã bên ông nửa đời người. Ông hiểu được, đó không chỉ là một nhạc cụ bình thường mà còn là một chứng nhân cho một thời kỳ dài lắm "truân chuyên" của nghệ thuật ca trù và tình yêu của các nghệ nhân, nghệ sĩ. Do vậy, từ thời khắc nhận đàn, NS Xuân Hoạch đặc biệt coi trọng việc lưu giữ và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Thời đó, để tìm được đào nương cho mình đệm đàn không phải dễ, nên ông đành luyện chay cả ngày. Sau này, khi được đi diễn, được sự ủng hộ của các NS trong đoàn ca múa nhạc mà đặc biệt là NSND Thanh Hoài, NSƯT Đoàn Thanh Bình thì ông mới có nhiều cơ hội đệm đàn hơn. Ông đã cùng cây đàn tham gia nhiều hội diễn, cuộc thi và đạt được những thành công vang dội.

Xã hội - Độc đáo cây đàn đáy cổ tuổi đời gần 1 thế kỷ (Hình 3).

Bộ phím bằng tre chắc chắn và chưa khi nào phải thay.

Hai năm gần đây, ông được nghệ nhân, NSƯT Phó Thị Kim Đức (đào nương cuối cùng của giáo phường Khâm Thiên xưa) truyền dạy cho những khuôn khổ, lòng bản của nghệ thuật đệm hát lối đàn hát khuôn (lối hát theo khuôn bậc, nắn nót từng tiếng; luyến láy công phu, tròn vành rõ chữ). Nghệ nhân Kim Đức vốn am hiểu ca trù và ngấm tiếng đàn, tiếng thơ từ bé đã hết lời khen ông. Nhiều người nghe tiếng đàn ông còn ngỡ như được trở về không gian cổ kính, tinh hoa ngày xưa.

Những lời khen giản dị ấy khiến NS Xuân Hoạch có thêm động lực chơi đàn và ngày đêm truyền dạy học trò tiếp bước mình. Hiện nay, một số học trò của ông cũng rất say mê với nghề. Tuy nhiên, người nghệ sĩ già vẫn trăn trở ngày đêm tìm cho mình một người học trò xứng đáng để một ngày nào đó yên tâm trao lại cây đàn và giữ lấy tiếng đàn.

Chưa tìm được trò để gửi gắm cây đàn

Những năm gần đây, biết được giá trị của cây đàn, không ít người đã tìm đến hỏi mua với ước mong có thể sở hữu được cây đàn quý gần 1 thế kỷ ấy. NS Xuân Hoạch chia sẻ: Đến giờ phút này, không dám khẳng định rằng mình đã làm tròn tâm nguyện của người thầy, nhưng tôi cũng có thể tự hào rằng mình đã tiếp nối người đi trước để tiếng đàn đã và đang ngân vang. Cây đàn là một báu vật và báu vật không tồn tại ở dạng tĩnh tại mà nó đang được lan tỏa trong cuộc sống. Giờ đây, tôi chỉ có một mong ước là sớm tìm được một học trò xuất sắc trao lại cây đàn để tiếng đàn ấy tiếp tục đồng hành cùng nền nghệ thuật dân gian nước nhà.

Phạm Hạnh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.