Trung úy Nguyễn Văn Thành, Đội trưởng đội phòng chống tội phạm ma túy, đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa soi đèn cho chúng tôi đi, càng vào sâu trong bản, ánh đèn dưới sàn mỗi căn nhà lại như càng rõ hơn, nhiều hơn.
Anh giới thiệu, chỉ cách đây chừng gần chục năm trở về trước, bản Chiên Pục vẫn gần như một ốc đảo với thế giới bên ngoài. Người dân lặng lẽ với những nương, rẫy, co cụm với nền kinh tế tự cung tự cấp, số lượng người dân biết chữ chỉ tính được trên đầu ngón tay của một bàn tay.
Thế nhưng mấy năm trở lại đây, đường sá được mở rộng, thuận lợi cho việc giao lưu buôn bán, các lớp học xóa mù của địa phương kết hợp với đồn biên phòng cũng được mở ra nhiều hơn, cuộc sống dần thay da đổi thịt.
Nhiều ngôi nhà sàn mới được cất lên, đẹp, khang trang hơn trước rất nhiều, rồi ti vi, tủ lạnh, xe máy cũng được sắm sang cho đủ. Mặc dù, những ngôi nhà mái bằng, nhà ngói cũng đã len đến sát con đường lộ dẫn vào bản nhưng người dân ở đây vẫn “bảo thủ”, chỉ quen với những nếp nhà sàn với cách xây dựng từ cả trăm năm nay.
Nhà nào có thì làm bằng gỗ tốt, nhà không có, vợ chồng mới tách riêng thì nhà đơn giản hơn, bằng vầu, bằng nứa lợp lại. Mỗi căn nhà được dựng lên lại là bàn tay chung sức của nhiều người làng nên tình nghĩa lắm.
Đặc biệt, phụ nữ Thái hiện nay vẫn quen với nghề dệt thổ cẩm. Bất kể nắng mưa, mùa đông hay mùa hạ, cứ buông cái liềm, cái cuốc đi nương, xong cái bát cái nồi, con lợn, con gà là lại ngồi vào khung cửi dệt. Lên đóng quân ở đây mấy năm, anh Thành cũng như nhiều đồng đội khác, quen dần với hình ảnh người phụ nữ đêm đêm ngồi bên khung cửi. Mỗi lần về xuôi, lâu không thấy thì lại nhớ.
Thấy chúng tôi tò mò về nghề dệt vải thổ cẩm của phụ nữ Thái, anh Thành dẫn chúng tôi đến nhà của một cặp vợ chồng mới cưới, vừa được gia đình cho ra ở riêng nằm ngay giữa bản. Thấy có khách đến, người phụ nữ trẻ trong nhà chạy ra, ước chừng chỉ mới ngoài hai mươi tuổi. Ngoài sân, chiếc khung cửi vẫn còn đang dang dở những vòng thổ cẩm rực rỡ sắc màu.
Chị Hoa (tên người vợ) cho biết, chị đang cố dệt nốt thêm vài tấm khăn để chờ đến phiên chợ, mang ra thị trấn đổi. Cuộn vải chị đang dệt, ước chừng cũng được gần chục tấm khăn, khi cần chỉ việc cắt ra rồi đem bán. Mỗi tấm khăn cũng bán được chừng 50-60 nghìn đồng, trừ đi tiền nguyên liệu, tiền sợi thì cũng chẳng còn được bao nhiêu, chỉ lấy cần cù để bù vào.
Phụ nữ Thái, khi về làm dâu nhà người, phải chuẩn bị cho mình tất cả chăn, màn, váy áo cho mình, thậm chí chuẩn bị cho tất cả người có trong nhà chồng, mỗi người một bộ như vậy. Tất cả đều phải được dệt thủ công, đủ bền, đủ đẹp, những chiếc khăn, tấm chăn, màn, váy áo càng đẹp càng nói lên được sự khéo léo, nết na của người con gái, sự dạy dỗ cẩn thận của cha mẹ.
Vì thế, những bé gái người Thái, từ khi còn rất nhỏ đã được mẹ dạy cho trồng bông, dệt vải, may vá để chuẩn bị cho hành trang tương lai. Bây giờ thì nguyên liệu bán sẵn ngoài thị trấn (sợi) vừa nhiều, vừa rẻ nên sự vất vả cũng đỡ hơn nhiều, không phải trồng bông, se sợi, nhuộm,… nhưng cái sự tỉ mẩn để dệt nên những tấm khăn không hề bớt đi.
Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn đặt một số khăn để làm quà về xuôi, muốn xem những tấm khăn đẹp nhất , người phụ nữ trẻ nghĩ ngợi một chút rồi chạy vào nhà tìm. Lúc sau, chị mang ra một tấm khiến những người có mặt không khỏi ngỡ ngàng.
Chiếc khăn có bề rộng khoảng hơn hai gang tay người lớn, bề dài gập đôi vẫn quá nửa người đứa trẻ lên ba, so với những chiếc khăn vẫn còn dang dở trên khung, kích cỡ phải gấp đôi ba lần. Đặc biệt hơn nữa, từ đầu đến cuối chiếc khăn đều là những vòng hoa văn ken đặc.
Phải rất khó khăn mới nhận ra, thỉnh thoảng mới có một hàng hoa văn lặp lại. Những khoảng trống màu đen trên thân khăn cũng rất ít, đây là điểm dễ dàng để phân biệt hàng dệt để dùng, để tặng cho người trong nhà với hàng để bán làm quà lưu niệm ngoài phố, công phu và cầu kỳ hơn rất nhiều.
Chúng tôi ngỏ ý muốn mua chiếc khăn, chị Hoa chỉ cười lắc đầu. Dường như sợ chúng tôi hiểu lầm là giá đưa quá rẻ, chị giải thích, chiếc khăn này là khăn dệt tặng cho chồng, dệt từ trước khi lấy nhau, cứ mỗi ngày một chút, điểm lại cũng không biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng mới xong.
Vì là “khăn yêu” nên không bán, không tặng, có bao nhiêu tiền cũng phải từ chối thôi. Chúng tôi lại đề nghị, gửi lại một số tiền để đặt làm một chiếc khăn tương tự, bao giờ xong thì gửi về Hà Nội, không cần nhanh, chỉ cần được gần như thế, nhưng nhận lại vẫn là cái lắc đầu: “Khó lắm, mình không biết mình có làm lại được chiếc như thế nữa hay không, cũng không biết bao giờ mới xong”. Nói rồi, chị quay lại nhìn chồng, vẫn còn những nét ngượng ngùng như bị “bắt bài”.
Rời nhà đôi vợ chồng trẻ, trung úy Thành cười giải thích với chúng tôi: “Bà con ở đây quý bộ đội, quý khách lắm. Hiếm khi thấy họ từ chối những lời đề nghị như vậy. Phải là trường hợp cảm thấy không thể làm được thì họ mới từ chối”.
Để chúng tôi được hiểu hơn về những nét văn hóa của người Thái nơi đây, trung úy Thành dẫn chúng tôi đến nhà anh Hà Văn Hạnh, công an viên của xã Tén Tằn. Người lớn, trẻ con đang quây quần bên chiếc ti vi màu, nói chuyện râm ran.
Chị Thoa, vợ anh Hạnh cũng đang ngồi soạn lại sách vở mới học hồi đầu tối. Chúng tôi hỏi, chị có phần thẹn: “Ngày xưa nhà đông con, bố mẹ đi rẫy, phải ở nhà trông em nên bây giờ ba mấy tuổi đầu mới được đi học. Thành thử ra, có những chữ không nhớ, lại phải nhờ con nó dạy lại”.
Nói rồi, chị tất tả dọn chỗ cho khách. Chị chỉ cho chúng tôi, trong căn nhà của người Thái, có những quy định rất riêng, chỗ nào khách có thể nghỉ lại, chỗ nào không. Người Thái hiện nay vẫn còn tục chọc sàn nên con cái lớn, trong nhà sẽ chia ra chỗ nào dành cho bố mẹ, cho con. Đêm đến, nhà nào có con gái đến tuổi cập kê, hoặc có khách từ nơi khác đến ở nhờ, có người quý mến thì vẫn đến chọc sàn, gọi nhau ra đầu hồi để tâm sự.
Chọc không đúng chỗ, phải chỗ nghỉ của người lớn trong nhà là bị phạt. Vì thế, cái tục của người Thái, nghĩ thì đơn giản nhưng nếu không phải là người trong tộc, trong họ, không phải người quen thân thì cũng khó làm được. Sâu sa trong cái tục của người Thái chính là ở chỗ hiểu và quan tâm lẫn nhau.
3-4 giờ sáng, chị Thoa đã lục tục dậy, chuẩn bị thức ăn cả ngày cho gia đình. Cơm nếp được ngâm từ tối hôm trước, để ráo nước, bỏ trong cái hày (dụng cụ đựng) rồi đem đồ. Xôi chính, đổ ra mâm, quạt cho nguội rồi mới cho vào những dụng cụ đan bằng tre (ép khẩu), treo trên bếp, để ăn cả ngày. Người lớn đi làm thì mang theo lên nương, trẻ con đi học về thì cứ việc vào bếp lấy ăn. Một ngày của người phụ nữ Thái bắt đầu từ khi gà còn chưa cất tiếng gáy đến khi ông trăng đã già trên núi, từ khi tuổi còn măng đến khi đầu đã bạc trắng như làn sương trên chỏm núi cao….
“Xào tay đằm xương bok bàn đón/ Ai mặc nọng mặc cá bok bàn ai nơ (em gái Thái như hoa ban trắng/ Anh yêu em xin yêu cả hoa ban nhé anh)”. Câu hát trung úy Thành lẩm nhẩm trên đường đi khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Anh bảo, cũng mới chỉ học được vài làn điệu người Thái thời gian gần đây. Những dịp xuân về, có giao lưu với bà con, anh em chiến sỹ lại tranh thủ học “mót” vài câu. Có những anh em ở lâu, có thể nói tiếng Thái như tiếng mẹ đẻ. Càng ở lâu, thì lại càng yêu, càng mến cái tình người ở đây.
Rời bản Chiên Pục, tiễn chúng tôi đi là những đứa trẻ má đỏ hồng vì hanh nẻ trên đường tới lớp buổi sáng. Sương vẫn còn giăng lạnh trên đường nhưng đâu đó, chúng tôi cảm nhận được mùi ấm áp tỏa lên từ đất, có lẽ, vương từ những bếp nhà sàn đêm qua, với những câu chuyện từ thưở còn lập làng, lập bản.
Bước chân ra đến con đường cái ngoài kia, sẽ là những chiếc ô tô thi thoảng lướt qua, mang theo những màu hoa đào nở sớm nơi biên giới ngược về xuôi….
Đỗ Huệ