Bước vào đầu ấp Bình Chiến, cũng là chợ chuột nổi tiếng khắp miền Tây, điều đầu tiên đập vào mắt người là một khung cảnh không lấy gì làm đẹp, những lồng chuột hàng trăm, hàng ngàn con chuột lúc nhúc bò, rồi kêu chít chít inh ỏi. Chợ chuột mang tên con kênh Phù Dật nằm cạnh bên quốc lộ 91 đông người qua lại. Chợ chuột diễn ra như bao cái chợ bình thường khác cũng sôi nổi tấp nập, trên bờ hay dưới nước cũng rôm rả tiếng người mua bán. Đâu đâu cũng có cảnh những người phụ nữ ngồi làm chuột, ở đây người ta làm chuột như làm cá, thuần thục, dễ dàng vừa làm vừa trò chuyện hết sức vui vẻ.
Cả làng cùng nhau săn chuột
Làng chuột Phù Dật có truyền thống nghề chuột không biết chính xác từ bao giờ, chỉ biết có những gia đình tính đến nay đã là đời thứ 3 thứ 4 mà vẫn gắn bó với nghề chuột này. Bà Năm Bích, năm nay đã tròn 60 tuổi có thâm niên hơn 30 năm gắn liền với chuột, cho biết: "Tui làm chuột từ lúc chuột chỉ có 3-4 ngàn đồng/kg cho đến nay là 50-60 ngàn đồng/kg. Tui cũng không biết là nghề này có từ từ bao giờ nữa. Nhưng tui chỉ đi làm chuột thuê cho người ta thôi chứ không đi săn bắt hay có vựa chuột cho riêng mình".
Anh Duy Khánh, chủ sở hữu của vựa chuột lớn nhất chợ, mỗi ngày cao điểm anh thu mua đến hơn cả tấn chuột. Anh Duy Khánh cho biết, anh và vợ của mình trước là bạn hàng cùng buôn chuột với nhau, hai gia đình là khách hàng thường xuyên của nhau, nên gặp mặt nhau luôn, anh và vợ của mình sau khi lấy nhau thì được gia đình cho ra riêng và cho vốn liếng để làm ăn, tính đến nay vựa chuột của vợ chồng anh chị đã có thâm niên 16 năm. Với giá chuột hơi bây giờ giao động từ 20-30 ngàn đồng/kg là điều kiện lý tưởng cho nhiều người nông dân đổ xô săn lùng chuột.
Nhiều người không cam chịu phải săn chuột ở quê nhà, mà khăn gói lên đường sang tận Campuchia để mua lại chuột của những thương lái thu mua bên đó. Để vượt biên ra nước ngoài buôn bán cần phải am hiểu tiếng địa phương ở đó và nhất là đường đi nước bước ở đất khách. Vào mùa (khoảng từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch) lượng chuột từ bên Campuchia đổ về Phù Dật mỗi ngày lên đến vài tấn chuột, giúp cho hàng trăm người dân có công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Chuột sau khi tập kết về chợ Phù Dật sẽ được những hộ kinh doanh ở đây bán lại cho các thương lái ở khắp nơi trong khu vực ĐBSCL, TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Chợ chuột Phù Dật ngày càng nổi tiếng và lượng chuột ở đây ngày cũng được nâng lên. Để cho công việc được thuận tiện hơn, năm vừa rồi anh Khánh đầu tư 20 triệu đồng mua 7.000 cái rập chuột để giao cho những người nông dân các tỉnh lân cận để họ đặt bẫy chuột xong sẽ đến bán lại cho anh, nhờ vậy anh luôn có một nguồn hàng dồi dào sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng ở xa. Anh Khánh còn xây dựng những mối lái với các bạn hàng ở bên Campuchia, nên những tháng cao điểm anh còn đánh xe qua tận bên ấy để mua chuột về đáp ứng như cầu tiêu thụ ngày càng lớn của người dân. Nhiều chủ vựa khác cũng đầu tư xe tải để phát triển công việc mua bán.
Ông Út Nhỏ, chủ của một vựa chuột ở chợ Phù Dật cho biết: "Mối lái ngày càng nhiều nên năm rồi tui mới đầu tư gần 200 triệu sắm một chiếc xe tải 2 tấn để thuận tiện hơn trong công việc giao nhận chuột". Chuột ở khắp các tỉnh thành miền Tây, từ Cà Mau, Kiên Giang, Cần thơ, Bạc Liêu…đều được những thương lái mua về đây rồi phân phối lại cho các bạn hàng của mình sau đó chuột mới được chuyển đến từng quán nhậu, nhà hàng và trở thành một đặc sản khó quên khi nhắc đến ẩm thực miền Tây".
Thoát nghèo nhờ vào… chuột
Gọi là chợ, nhưng vào đến Phù Dật không thể tìm thấy một cái nhà lồng nào, hay một sạp hàng hóa nào để có thể hình dung ra đây là một cái chợ. Thực ra chợ chuột Phù Dật được người dân tự lập nên qua quá trình mua bán chuột ngày càng phát triển. Nhà nước không phải đầu tư, xây dựng gì, cũng không cần phải quản lý điều tiết hoạt động của chợ. Cứ tầm khoảng 6, 7h sáng là các thương lái chở từng lồng chuột được thu mua khắp nơi từ các tỉnh ĐBSCL về đây, có những lái chuột mua lại và bán chuột hơi ngay tại chỗ, kiếm lời từ 2 đến 3 ngàn đồng 1kg, tùy loại chuột. Có những hộ kinh doanh tại chợ Phù Dật lại mua hàng trăm kg chuột hơi rồi thuê những người trong ấp làm thành chuột thịt rồi ướp đá xuất đi khắp nơi.
Nhờ vào chuột mà nhiều hộ dân ở đây đã có thu nhập đáng kể, thoát khỏi cảnh nghèo đói. Với những người không có điều kiện đi săn chuột, hay có vốn để thu mua chuột thì có thể làm chuột thuê cho những chủ vựa. Công việc làm chuột đối với người dân ở đây vô cùng dễ dàng và chẳng tốn mấy công sức. Với một người làm chuột thì thu nhập có thể ổn định một ngày 100 ngàn, tùy vào số lượng chuột làm được. Chuột được làm lần lượt qua các công đoạn sau. Đầu tiên, chuột đươc bắt ra từ các lồng chuột và được đập ngay vào thành lồng hoặc bất cứ vật gì cứng cho chết ngay tại chỗ, công việc này thường là trẻ em, mặc dù là trẻ em nhưng các em làm rất thành thục và không hề bị chuột cắn. Sau đó chuột được để thành từng đống, và có một khâu khác dùng dao bén chặt đuôi, chân, và miệng của chuột. Sau đó chuột được lột da từ đầu đến chân một cách dễ dàng. Khâu cuối cùng là mổ bụng và làm sạch. Nếu chuột được chuyển đi xa thì được xếp từng lớp vào thùng xốp và ướp với đá để giữ độ tươi ngon trước khi chuyển đi. Mỗi con chuột được làm sạch chỉ mất hơn 1 phút đến hai phút, với những người làm thuần thục, mỗi ngày có thể làm đến cả trăm kg chuột. Nhờ vào đó mà nhiều gia đình không ruộng đất, không việc làm có thể thoát nghèo.
Anh Khánh cho biết: "So với những người mua chuột hơi bán lại thì lợi nhuận không thể cao bằng những người bán chuột thịt. Với một kg chuột hơi dao động từ 20-25 ngàn đồng/kg thì người buôn chuột không thể có lãi nhiều, nhưng sau khi chuột được làm sạch thì sẽ được bán với giá từ 50-60 ngàn đồng/kg. Với 1kg chuột hơi sau khi làm sạch sẽ thu được khoảng 700gram chuột thịt. Hơn nữa, những bộ phận bỏ đi của chuột như chân, đuôi, da… sẽ được bán lại cho những hộ nuôi cá (để cho cá ăn) với giá khoảng 3 ngàn đồng/kg. Do vậy những hộ làm chuột thịt sẽ thu lợi cao hơn rất nhiều so với dân buôn chuột hơi".
Ông Nguyễn Duy Lập, trưởng ấp Bình Chiến, cho biết ấp có 670 hộ dân thì có trên 300 hộ sống bằng nghề săn bắt, buôn bán, hay làm thịt chuột, nhờ vào chuột mà tỉ lệ hộ nghèo cần sự hỗ trợ của địa phương không đáng kể. Anh Hồ Thanh Phương (45 tuổi) có thâm niên trong nghề chuột hơn 20 năm nay. Anh và vợ từ khi lấy nhau vì không có ruộng vườn hay nghề nghiệp nên đã gắn liền với nghề buôn chuột từ sớm. Anh thường lấy chuột từ khắp nơi rồi về đây bán lại cho các chủ vựa, có lúc anh lại lấy chuột ở chợ rồi đi bán dạo khắp huyện Châu Phú hoặc các huyện lân cận. Vợ của anh Phương cũng đi làm chuột thuê cho các chủ vựa, thu nhập của hai vợ chồng đủ nuôi 4 đứa con ăn học nên người. Anh Phương cho biết gần đây vì hoàn cảnh gia đình nên công việc buôn bán của anh không được mấy thuận lợi, nhưng anh không thể bỏ nghề chuột được vì anh không biết làm gì hơn để nuôi sống gia đình.
Chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng Chuột tuy là con vật có hình thù khá ghê sợ trong mắt nhiều người, nhưng dưới bàn tay tài hoa của người nấu nướng, chuột được chế biến thành nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như chuột nướng lu, chuột khìa nước dừa, chuột áp chao nướng, chuột, cháo chuột…một món ăn khác được chế biến từ chuột có cách làm khá công phu và có một cái tên khá kiêu kì là "Trinh nữ kén chồng". Để làm được món ăn này, người đầu bếp chọn lấy một con chuột cái còn tơ, làm thịt rồi ướp gia vị. Sau đó cho nấm mèo, thịt heo ba chỉ, gan heo, đậu xanh nguyên vỏ cho vào bụng chuột rồi lấy khâu bụng chuột lại. Sau đó cho chuột vào chảo dầu sôi, chiên cho vàng đều, rồi vớt ra cho vào nồi đất, đổ nước dừa tươi vào cho xấp xấp nước nấu cho đến khi sền sệt nước là dùng được. |
Nguyên Việt