“Đấu trường La Mã” của Việt Nam
Hổ từ lâu đã được người dân Việt Nam xem là chúa tể của núi rừng, với sức mạnh vô biên kết hợp hài hòa với vẻ đẹp hình thể và sự mềm mại, khéo léo.
Tại mảnh đất Cố đô Huế, các dấu vết về hổ sót lại không nhiều, chủ yếu tại các di tích xưa. Ở đấy, Hổ có khi được tôn thờ như một vị thần vì có sức mạnh giúp đỡ mọi người nhưng có nơi lại bị xem như một loài cầm thú ác độc, bị đem ra đấu trường đánh nhau với voi.
Cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré (phường Thủy Biều, Tp. Huế) chính là minh chứng cho biểu tượng cái ác của Hổ. Nơi đây lúc xưa thường diễn ra những trận đấu nảy lửa của voi (tượng trưng cho vua) và hổ (tượng trưng cho cái ác).
Hổ Quyền là một di tích hết sức đặc biệt trong quần thể di tích cố đô Huế, tọa lạc tại địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, Tp.Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, như ý nghĩa mà hai chữ Hổ Quyền bao hàm, đây thực sự là một chuồng nuôi hổ. Song bên cạnh đó, nó còn có chức năng của một đấu trường hết sức độc đáo, được mệnh danh là “đấu trường La Mã của Việt Nam”-đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ.
Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Vòng thành trong cao 5,90m; vòng thành ngoài cao 4,75m. Thành ngoài nghiêng một góc khoảng 10-15o tạo thế vững chãi kiểu chân đê. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145m, đường kính lòng chảo là 44m.
Khán đài vua ngồi ở mặt Bắc của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các đại thần. Hai bên có hai hệ thống tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính. Từ khán đài này nhìn qua phía đối diện, người ta có thể nhận ra 5 chuồng cọp nằm ngay trong lòng đấu trường. Người ta lợi dụng hai vòng tường trong và ngoài của đấu trường để tạo ra vách chuồng. Giữa hai tường thành sẵn có, xây thêm các bức vách bằng gạch để tạo 5 cái chuồng riêng biệt. Hệ thống cửa ở các chuồng hổ là các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống. Từ khi xây xong Hổ Quyền, nghi thức tổ chức các trận quyết đấu sinh tử giữa voi và hổ trở nên trang trọng hơn trước.
Thường thì đúng giờ Ngọ, vua mới ngự thuyền rồng đến. Khi thuyền áp sát bờ sông, vua lên kiệu che bốn lọng vàng và bốn tánlọng vàng. Đi trước là lính Ngự lâm quân, rồi Thị vệ cầm cờ Tam tài, cờ Ngũ hành, cờ Nhị thập bát tú, gươm tuốt trần; tiếp theo là đội nhạc cung đình. Các quan quỳ nghênh đón ở chiếu hoa trải trên đường rồi theo vua vào cổng giữa lên khán đài. Ngày đấu, dân chúng địa phương quanh vùng đặt hương án, lễ vật. Xung quanh đấu trường bày nghi trượng, cắm cờ dựng lọng. Một đội lính mặc áo đỏ đội nón sơn, cầm khí giới nghiêm trang cung kính đứng hai bên đường từ đấu trường đến bờ sông. Suốt trên đoạn đường này, người ta phải trải chiếu hoa để đón nhà vua. Từ sáng sớm, dân chúng được phép đã hăm hở vào đến nơi để chờ xem trận đấu giữa hai kỳ phùng địch thủ.
Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Các vua Nguyễn là người tổ chức, cũng là người điều khiển, vừa là khán giả rất nhiệt tình cổ vũ cho trận đấu cho đến khi voi giết chết hổ mới thôi. Trận đấu cuối cùng của voi và hổ được tổ chức vào năm 1904 dưới triều vua Thành Thái. Đây cũng là một trận đấu hấp dẫn, đầy kịch tính được nhiều người đương thời chứng kiến và mô tả kỹ.
“Hồi sinh” di tích Hổ Quyền - Voi Ré
Cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré là một trong những quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây, là một bộ phận cấu thành của quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Được biết tới là di tích đặc biệt, độc đáo của Việt Nam và quý hiếm của thế giới, tuy nhiên theo thời gian, nhiều hạng mục ở cụm di tích này đã xuống cấp.
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch của cụm di tích này, đầu năm 2021, HĐND Tp.Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ chỉnh trang di tích Hổ Quyền-Voi Ré nằm ở phường Phường Đúc và phường Thủy Biều để phát huy khai thác giá trị văn hóa, lịch sử thành phố nói chung và khu vực di tích Hổ Quyền - Voi Ré nói riêng.
Với diện tích 4,99ha, dự án được triển khai xây dựng 9 tuyến đường nội bộ trong khu vực với tổng chiều dài khoảng 1.367m, bãi đỗ ôtô với tổng mức đầu tư dự kiến gần 94,3 tỉ đồng, thời gian thực hiện 3 năm, từ 2021- 2023.
Đối với tuyến đường vào di tích hướng chính là đường Bùi Thị Xuân có quy mô mặt cắt đường đảm bảo đủ 02 làn xe, thống nhất mở không gian kết nối từ đường Huyền Trân Công chúa đến di tích nhằm phục vụ nhu cầu bãi đổ xe, các dịch vụ phụ trợ đi kèm và dành quỹ đất tái định cư cho phạm vi dự án giải phóng mặt bằng. Đồng thời, đường vào Hổ Quyền – Voi Ré sẽ được làm đường đi bộ, có khoảng cách các bãi đổ xe vào cụm di tích khoảng 300-400m, thuận tiện cho việc di chuyển cũng như tham quan của du khách.
Ngoài ra, UBND Tp.Huế cùng với Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng có phương án nghiên cứu tái tạo hình ảnh đấu trường bằng giải pháp công nghệ để phục vụ du khách.
Hiện ở di tích Hổ Quyền, rất nhiều hạng mục từ bức tường thành có hình vành khăn, khán đài, bậc cấp, cánh cửa... về cơ bản đã gần hoàn thiện.
Chia sẻ về ý nghĩa của công tác bảo tồn cụm di tích này, khi đang là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Phan Ngọc Thọ, hiện là Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế khẳng định, việc khai thác có hiệu quả di tích Hổ Quyền – Voi Ré sẽ phát huy được các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh, Tp.Huế, thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với các giá trị di sản, làm “hồi sinh” một di tích có ý nghĩa lớn về văn hóa, kiến trúc và lịch sử, làm phong phú thêm cho quần thể di tích Cố đô Huế.
Lê Kông