Độc đáo kiến trúc tòa nhà bộ Ngoại giao

Độc đáo kiến trúc tòa nhà bộ Ngoại giao

Hà Thị Kim Dung

Hà Thị Kim Dung

Thứ 3, 15/10/2019 21:00

Công trình trụ sở Tài chính Đông Dương (nay là bộ Ngoại giao) được Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928. Đây là công trình duy nhất được xây dựng theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương cũng do chính ông thiết kế.

Văn hoá - Độc đáo kiến trúc tòa nhà bộ Ngoại giao

Vào những năm 20 của thế kỷ trước, người Pháp chủ trương đẩy mạnh khai thác thuộc địa trên quy mô lớn và lâu dài để phục hưng đất nước vừa ra khỏi Chiến tranh thế giới lần thứ I. Thêm nữa, ở Đông Dương thời ấy, toàn quyền Maurice Long là người có tư tưởng cải cách và nhiều tham vọng. Năm 1921, chính ông đã mời kiến trúc sư Ernest Hebrard, một trong số ít kiến trúc sư nổi tiếng của Pháp bấy giờ sang làm giám đốc đầu tiên của sở Kiến trúc, Quy hoạch Đông Dương.

Công trình trụ sở Tài chính Đông Dương (nay là bộ Ngoại giao) được Ernest Hebrard thiết kế năm 1924, khởi công xây dựng năm 1925 và hoàn thành năm 1928. Đây là công trình duy nhất được xây dựng theo Đồ án Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hành chính, chính trị Đông Dương cũng do chính ông  thiết kế.

Theo quy hoạch, mặt bằng công trình có hình chữ H. Khối chính cao và rộng nhìn ra quảng trường án ngữ trục phố Vallenhoven (nay là phố Chu Văn An) hội tụ với hai trục đường chéo phố Puginier (nay là Điện Biên Phủ) và phố Ollivier (nay là Tôn Thất Đàm). Khối sau hẹp và thấp hơn nhìn ra không gian vườn-công viên lớn có đại lộ Paul Doumer (nay là Bắc Sơn) ở giữa, nối thẳng với quảng trường tròn Puginier (nay là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đây là cách bố cục quy hoạch theo quan niệm “Thành phố - Vườn” thịnh hành thời bấy giờ, đồng thời cho thấy kiến trúc sư  Ernest Hebrard chịu ảnh hưởng rõ rệt của nghệ thuật thiết kế đô thị cổ điển Beaux-arts Paris và phong cách vườn-công viên Ba rốc Pháp.

Trung thành với nguyên tắc, Ernest Hebrard thiết kế mặt bằng công trình hoàn toàn đối xứng qua trục chính theo kiểu kiến trúc Pháp kinh điển. Khối chính cao bốn tầng nhìn ra quảng trường cuối phố Chu Văn An. Khối sau nhìn ra công viên cao ba tầng. Tầng trệt thấp là nơi đặt các phòng phục vụ. Tầng trệt thấp là cần thiết tạo vẻ bề thế của công trình, nhưng quan trọng hơn, tạo điều kiện thông thoáng, chống nồm, ẩm để đảm bảo môi trường làm việc tốt nhất cho các phòng ở tầng trên.

Về hình thức, hệ mái ngói nhiều lớp kiểu kiến trúc phương Đông được Ernest Hebrard khai thác tài tình, đặc biệt là lầu mái lớn ở khối trung tâm mặt đứng chính, cùng với lớp mái phân tầng, che cửa sổ và mái tiền sảnh... Tất cả kết hợp hài hòa với nhau tạo nên vẻ đẹp độc đáo nhưng gần gũi của kiến trúc công trình.

Hệ mái còn có ý nghĩa quan trọng trong việc chống mưa hắt, che nắng, giảm bức xạ mặt trời. Cửa sổ rộng, trong kính, ngoài chớp, lại có mái che cùng hệ thống các lỗ thoáng ở thân tường trên cửa sổ sát trần và trên sàn làm tăng khả năng đối lưu không khí, thông thoáng tự nhiên đảm bảo điều kiện vi khí hậu trong phòng tốt nhất cả trong mùa hè nóng bức và mùa đông lạnh giá.

Trải qua gần trăm năm lịch sử, công trình trụ sở bộ Ngoại giao do kiến trúc sư  Ernest Hebrard thiết kế vẫn luôn được đánh giá là một công trình kiến trúc đẹp, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương, góp phần tạo nên vẻ đẹp kiến trúc đô thị riêng có và hấp dẫn của Hà Nội. Nó cũng làm cho bộ sưu tập kiến trúc của Hà Nội thêm phong phú.

Kiến trúc Đông Dương để lại một bài học không bao giờ cũ trong tư duy sáng tạo kiến trúc là vẻ hiện đại kết hợp với truyền thống. Những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương và các phong cách kiến trúc Pháp khác ở Hà Nội, trải qua thời gian, giờ đây đã trở thành quỹ di sản kiến trúc đô thị mang tính lịch sử của Hà Nội cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

N.N.T
 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.