“Cảm hóa” vùng đất khó
Cách trung tâm Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hơn 20km, “lâu đài yến” của anh Đỗ Tuấn Hưng, SN 1972, trú Tp.Buôn Ma Thuột tọa lạc tại thôn 9, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Đây cũng là nơi mang lại nhiều cảm giác thú vị cho những người ghé thăm.
Khi được hỏi về mối nhân duyên với “lâu đài yến”, anh Hưng cho hay: “Xuất thân trong một gia đình nông dân chính gốc nên từ nhỏ tôi luôn cháy bỏng với niềm đam mê làm nông nghiệp. Sau này lớn lên, dù làm gì ở đâu, tôi vẫn miệt mài nghiên cứu và đắm chìm trong công việc của một nhà nông”.
Năm 2015, nhiều người bất ngờ mời gọi anh Hưng về với vùng đất nằm ngay bên cạnh lòng hồ thủy điện Sêrêpốk 3 (thuộc địa phận thôn 9, xã Tân Hòa) để cùng chung tay phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương.
Anh Hưng cho biết, khu vực lòng hồ thủy điện Sêrêpốk 3 được ví là Biển Hồ Buôn Đôn hay Địa Trung Hải - Tây nguyên, với nhiều đảo nổi nhỏ và các điểm tham quan ven bờ.
Tuy nhiên, các diện tích đất xung quanh lòng hồ rất cằn cỗi, không có gì ngoài sỏi đá. Chính vì thế, không ít người dân bỏ tiền, công sức để đầu tư làm nông nghiệp trên mảnh đất này nhưng không mang lại kết quả, thậm chí thua lỗ.
Thế nhưng, với con mắt “nhà nghề”, anh đã nhận ra tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp trên vùng đất khó này. Tại đây, không chỉ có phong cảnh tuyệt đẹp mà còn có rất nhiều chim yến bay đến làm tổ. Cũng vì thế, anh đã nảy sinh ý định lấy chim yến để viết tiếp những ước mơ còn dang dở của bản thân.
Nghĩ là làm, năm 2020, sau khi mua được 2ha đất bên cạnh lòng hồ thủy điện Sêrêpốk 3, anh Hưng đã bắt tay vào việc xây dựng nhà yến mang dáng dấp của một lâu đài, với quyết tâm mài giũa “viên ngọc” ẩn trong đá.
Lý giải về việc xây dựng “lâu đài” để nuôi yến, anh Hưng cho hay: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích được làm một hoàng tử, sống trong lâu đài. Hơn thế nữa, bản thân nhà yến cũng rất giống một lâu đài hay pháo đài thời trung cổ. Vì thế, tôi quyết định lấy lâu đài để làm thương hiệu của sản phẩm yến sào sau này”.
Để biến ước mơ thành hiện thực, anh Hưng không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu, đồng thời dựa trên các hình ảnh về lâu đài, pháo đài cổ nhằm thiết kế một “lâu đài yến” như mong muốn.
Đặc biệt, anh đã dành rất nhiều thời gian sưu tầm các hiện vật có hơi hướng liên quan đến cuộc sống trong một lâu đài như: mũ, kiếm, khiên, rìu, ly của hiệp sĩ, bộ thắp nến bằng đồng cổ, đèn dầu... mang về trang trí cho “lâu đài yến”.
Bên trong “lâu đài yến”, anh còn tự tay vẽ, thiết kế những ngọn đuốc (bằng bóng điện), những biểu tượng vương miện, thậm chí cái bếp, lò sưởi cũng được mô phỏng giống như cuộc sống bên trong một tòa lâu đài.
Xung quanh “lâu đài yến” còn được tô điểm bằng các loại hoa hồng, hoa sim, hoa mua, xương rồng và vô số loài hoa lan... để tạo không gian gần gũi với thiên nhiên.
Không chỉ vậy, anh còn sưu tầm nhiều đồ vật cổ như: máy đánh chữ, đài cát-séc, máy may thời Pháp; bộ nồi, ấm, phích làm bằng nhôm máy bay Mỹ, nồi đồng cổ, chóe cổ, bộ chiêng đồng của người dân tộc Ê Đê... về trưng bày.
Sau gần một năm thiết kế, thi công, tháng 12/2020, “lâu đài yến” của anh Hưng cũng chính thức hoàn thành và bắt đầu mở máy gọi chim về. Đến năm 2022, “lâu đài yến” của anh bắt đầu thu hoạch bói với khoảng 10kg yến thô, bán với giá 17 triệu đồng/kg.
Đây cũng là động lực để anh có điều kiện tiếp tục chinh phục giấc mơ du lịch nông nghiệp Farmstay trên mảnh đất cao nguyên.
Ấn tượng bộ sưu tập “Nơi thời gian ngừng lại”
Đến “lâu đài yến” của anh Hưng, chúng tôi còn không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt thấy một thư viện với 5.000 đầu sách các loại. Đây cũng là kết quả sưu tầm vài chục năm nay của người đàn ông này.
Anh Hưng chia sẻ: “Sách là niềm đam mê cháy bỏng nên từ nhỏ cứ có tiền tôi lại mua về đọc và cất giữ, xem như là tài sản quý của mình. Đến nay, với khoảng 5.000 đầu sách về nông nghiệp, truyện tiểu thuyết, truyện thiếu nhi, sách giáo khoa nhiều thời kỳ..., tôi quyết định đưa vào “lâu đài yến” để làm một góc kỷ niệm cho riêng mình".
Cũng tại nơi đây, chúng tôi vô cùng ấn tượng, thích thú khi được tận mắt ngắm nhìn vô số hiện vật trong bộ sưu tập nông cụ sản xuất, vật dụng sinh hoạt của cư dân vùng đất Tây Nguyên xưa như: cày, bừa, xà gạt, rìu, búa, liềm, gùi, cối đá, cối xay, những chiếc cân tay, rương đựng lúa bằng gỗ...
Lý giải về điều này, anh Hưng chia sẻ: “Với một người nông dân trước đây, hình ảnh chiếc cày, bừa, rương đựng lúa, chiếc cối đá... chẳng có gì xa lạ. Thế nhưng, đối diện với những vòng xoáy của nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng của các luồng văn hóa sẽ khiến con người ta dần lãng quên những nét đẹp xưa cũ.
Trước những lo lắng đó, nhiều năm qua, tôi đã tìm đến nhiều vùng nông thôn trên mảnh đất Tây Nguyên để hỏi mua, xin từng hiện vật mang về vào tạo dựng bộ sưu tập “Nơi thời gian ngừng lại” ngay trong khuôn viên “lâu đài yến”. Để từ đó, giữ lại cho đời một chút hoài niệm xưa khi được trở về ngôi nhà thân yêu ở quê hương thôn dã trước đây”.
Ngoài “lâu đài yến”, anh Hưng còn kết hợp trồng trọt nhiều loại cây ăn trái, cây công nghiệp, chăn nuôi... theo mô hình vườn rừng.
Không giữ những điều độc đáo, thú vị cho riêng mình, trong quá trình hoàn thiện các thủ tục kinh doanh du lịch, anh Hưng đã mở cửa “lâu đài yến” cho hàng nghìn du khách đến thăm quan, vui chơi miễn phí.
Qua đó, giúp cho du khách thập phương được khám phá, trải nghiệm cuộc sống thường nhật của một trang trại đặc sắc vùng Đắk Lắk trù phú qua các hoạt động làm vườn, chăm sóc cây, hoa và rau, thu hoạch nông sản. Đồng thời, tìm hiểu kho báu các hiện vật văn hóa, nông nghiệp xưa của cư dân vùng Tây Nguyên.
Ông Sầm Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, “lâu đài yến” là một điểm tham quan của “Làng du lịch Cộng đồng Đảo Yến” tọa lạc bên cạnh lòng hồ thủy điện Sêrêpốk 3, xã Tân Hòa. Tuy nhiên, do cách tự phát nên việc đầu tư chưa xứng tầm, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.
Để khai thác triệt để tiềm năng du lịch tại khu vực Đảo yến nói chung và “lâu đài yến” nói riêng, chính quyền địa phương xã Tân Hòa mong muốn, các cấp chính quyền quan tâm cho chủ trương mở rộng quy hoạch khu du lịch nông nghiệp tại khu vực này liên kết với các điểm có sẵn trên địa bàn huyện Buôn Đôn.
Từ đó, tạo điều kiện cho người dân địa phương, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển các homestay. Qua đó, thu hút khách du lịch thập phương đến nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của xã Tân Hòa nói riêng, huyện Buôn Đôn nói chung và tăng thu nhập cho người dân.
Khánh Ngọc