Lễ hội Đền Sóc là hoạt động văn hóa tâm linh được tổ chức nhằm bảo tồn phát huy giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo của Lễ hội Đền Sóc và tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Gióng đã có công đem lại thái bình cho nhân dân. Khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh trong các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, giá trị lịch sử của di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc
Là một trong bốn vị “Tứ Bất Tử” của tín ngưỡng dân gian Việt, Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Tục truyền rằng, sau khi đánh tan quân giặc, Ngài phi ngựa tới chân núi Sóc, cởi bỏ giáp trụ rồi cưỡi ngựa sắt bay về trời. Có thể nói đó là một trong những hình tượng đẹp đẽ và hào hùng nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt.
Theo truyền thuyết chúng ta thường được nghe kể thì xã Phù Linh thuộc huyện Sóc Sơn, thủ đô Hà Nội là nơi Thánh Gióng ghé qua trước khi ông bay về trời Để tưởng nhớ công đức của Ngài, tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi bay về trời, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng giêng Âm lịch.Cũng chính vì thế nên vào ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Khu di tích Đền Sóc thờ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, Lễ hội Gióng Sóc Sơn sẽ được tổ chức long trọng với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương và cuối cùng là dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Bảy thôn làng, đại diện cho bảy xã sẽ chuẩn bị lễ vật cho ngày mở đầu hội chính. Các phần nghi lễ đặc biệt cũng sẽ được làm vào đêm mùng 5 có thể kể đến như lễ Dục Vọng mời ông Gióng về với các cống phẩm, lễ vật đã được 7 xã chuẩn bị chu đáo và vẹn toàn. Họ mong đức Thánh Gióng sẽ phù hộ cho dân làng huyện Sóc Sơn sẽ có được một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Việc chuẩn bị vật tế lễ cũng hết sức công phu, nhất là việc đan voi (theo truyền thuyết thì đoàn quân tham gia đánh giặc cùng Thánh Gióng có cả đàn voi chở lương thực đi theo) và làm giò hoa tre (tượng trưng cho gậy tre của Thánh Gióng sau khi đánh giặc), nên phải tiến hành từ nhiều tuần lễ trước Lễ hội. Từ xa xưa, việc rước đã được phân công cụ thể cho từng thôn chuyên trách và đi theo theo thứ tự: Trước hết là thôn Vệ Linh rước giò hoa tre, tiếp theo là các thôn Dược Thượng rước voi, Đan Tảo rước trầu cau, Đức Hậu rước ngà voi, Yên Sào rước cỏ voi (thân cây chuối), Yên Tàng rước tướng và mấy năm gần đây có thêm thôn Xuân Dục rước "Cầu Húc" (quả cầu tượng trưng cho mặt trời theo tín ngưỡng thờ thần mặt trời có từ xa xưa của cư dân nơi đây). Sau phần nghi thức tắm tượng Thánh Gióng và cung tiến lễ vật trang trọng, linh thiêng, là hai hoạt động gây náo động nhất của Lễ hội Gióng ở đền Sóc. Đó là tục "cướp hoa tre" cầu may và tục chém "tướng" (giặc) được diễn xướng một cách tượng trưng bằng hiệu lệnh múa cờ.
Lễ hội Gióng ở đền Sóc là một trong những lễ hội lớn và quan trọng của Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Không chỉ được biết đến là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương, lễ hội Gióng tại đền Sóc còn nổi tiếng với nhiều nghi thức truyền thống còn lưu truyền đến ngày nay.
Ông Nguyễn Nam Nho – Giám đốc Trung tâm quản lý Khu du lịch – Di tích Đền Sóc cho biết: Để chuẩn bị cho Lễ hội năm 2023 UBND huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch thành lập Ban tổ chức và chuẩn bị rất kĩ cho công tác tổ chức. Để đảm bảo công tác tổ chức Lễ hội theo đúng quy định, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc; nâng cao đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh của du khách. Về phần lễ và phần hội rất rõ ràng, đặc biệt phần hội năm nay rất phong phú. Sau lễ dâng hương, đánh trống khai hội, đọc văn tế là lễ rước và lễ tế của thôn làng. 8 lễ vật được cung tiến tại lễ hội Gióng Xuân Quý Mão 2023 vẫn sẽ là Ngựa sắt, cầu húc, trầu cau, voi chiến, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng...
Đối với Phần nghi lễ: Sau phần văn tế của Huyện, tế lễ của các thôn làng gồm Lễ rước giò hoa tre và lễ tế của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh), Lễ rước ngựa của thôn Phù Mã (xã Phù Linh), Lễ rước voi và lễ tế của thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược), Lễ rước trầu cau và lễ tế của thôn Đan Tảo (xã Tân Minh), Lễ rước ngà voi và lễ tế của thôn Đức Hậu (xã Đức Hòa), Lễ rước cỏ voi và lễ tế của thôn Yên Sào (xã Xuân Giang), Lễ rước tướng và lễ tế của thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú), Lễ rước cầu húc và lễ tế của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh).
Sau khi làm lễ tại sân Rồng, lễ tế và trầu cau sẽ được tiến cung để ông Gióng chứng giám, sau đó lộc sẽ được san sẻ đưa về đền Hạ và đền Mẫu để tất lộc cho du khách
Sau Lễ dâng hương, đánh trống khai hội, đọc văn tế, lễ rước và lễ tế của các thôn làng, phần hội được mở rộng với nhiều hoạt động thể thao và trò chơi dân gian ý nghĩa như: tổ chức thi đấu vật; tổ chức các trò chơi dân gian: đi cà kheo, nấu cơm thi, đi cầu thăng bằng, đập niêu, kéo có… Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cũng được tổ chức xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc.
Lễ hội Gióng 2023 là lần đầu nghi thức Kéo Mỏ được trình diễn và cuộc thi cầu húc được tổ chức. Bên cạnh đó, khác với mọi năm, hội thi đấu vật thay đổi phương thức tổ chức, thay vì thành lập đội và đăng ký từ đầu thì du khách thập phương có thể đăng ký tại khu vực tổ chức hội thi và tham gia thi đấu. Điều này tạo nên một sân chơi mở cho tất cả người dân. Ông Nho chia sẻ thêm.
Đến với lễ hội Gióng 2023, du khách cũng sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị làm cơm nắm muối vừng, têm trầu cánh phượng, làm cà muối, làm giò hoa tre…tại khu trải nghiệm thực hành văn hoá Gióng và văn hoá Việt Nam nói chung. Đây hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng dịp du xuân lễ hội đầu năm.
Hà Anh