Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu
Vượt hơn 200km từ TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), trải qua những quãng đường dốc, quanh co khúc khuỷu, tôi mới đặt chân đến được Bình Liêu để tìm hiểu về tục mừng cơm mới quen thuộc với đồng bào vùng cao nhưng vẫn xa lạ, mới mẻ đối với những người miền xuôi. Trước khi tôi đi, anh Loan Thanh Phú một người Tày ở xã Tình Húc dặn tôi thời tiết mùa này ở Bình Liêu vô cùng khắc nghiệt, phải mặc quần áo dày để giữ ấm cơ thể. Quả nhiên, ngày cuối năm nơi đây vô cùng lạnh lẽo, nhiệt độ thường xuyên ở ngưỡng 5 – 10 độ. Ăn cơm phải đóng chặt cửa để ngăn những trận gió lùa vào nhà. Ở đây, chỉ toàn người đồng bào Tày sống với nhau nên ban đêm nhiều gia đình để xe máy ngoài sân, có khi chẳng cần phải khóa cửa mà vẫn không sợ bị kẻ xấu trộm cắp.
Nhấp chén trà còn đang bốc khói nghi ngút, ông Bế Văn Nàng (trú tại bản Nà Luông, xã Lục Hồn cho hay, tục mừng lúa mới của đồng bào Tày đã có từ rất lâu, lịch sử hình thành có từ bao giờ ông cũng không được rõ. Chỉ biết rằng, mừng cơm mới là ngày lễ quan trọng bậc nhất trong năm. Thời gian diễn ra lễ mừng cơm mới từ khoảng mùng 10 đến cuối tháng 10 âm lịch. Đây là thời điểm mà mùa màng đã thu hoạch xong xuôi, thóc lúa đã được đưa vào bồ để dự trữ. Trong khoảng thời gian kể trên mỗi gia đình lựa chọn ngày tốt để tổ chức làm cơm.
“Chúng tôi cầu thần linh, tổ tiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở. Chúng tôi không khẩn cầu về tiền tài mà cầu mong sức khỏe đến với các thành viên trong gia đình. Xã tôi là xã biên giới, giáp nước bạn Trung Quốc, người Tày trong xã chiếm tới 96%, vì vậy mừng cơm mới được coi là ngày lễ mang nhiều ý nghĩa của người dân địa phương”, ông Lô Tiến Dũng – Trưởng bản Co Nhan nói về tục mừng cơm mới.
Các dân tộc thiểu số đều có tục mừng cơm mới với mức độ, quy mô khác nhau, có dân tộc tổ chức cho cả một cộng đồng chung vui. Đối với người Tày ở Bình Liêu, họ tổ chức ở phạm vi gia đình và được coi là tổ chức linh đình nhất so với đồng bào các dân tộc khác.
Mời bà con đến ăn mừng cơm mới, không nhận tiền
Là ngày lễ, nên mọi người trong gia đình sẽ dừng tất cả mọi việc không cần thiết. Trẻ con xúng xính trong những bộ quần áo mới sạch đẹp được bố mẹ mua cho. Đây có thể coi là ngày Tết của đồng bào Tày ở Bình Liêu. Người Tày coi trọng lễ mừng cơm mới, thế nên ngày tổ chức lễ được chọn rất kỹ lưỡng, phải là ngày tốt. Buổi tối trước ngày lễ, những người đàn bà trong gia đình sẽ lựa chọn gạo nếp, sàng lọc cho sạch sẽ, chuẩn bị tất cả các vật dụng cần thiết để sáng hôm sau chỉ việc chế biến. Tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, cỗ sẽ được sắp từ 3 – 5 mâm với nhiều món ăn khác nhau.
Buổi sáng, các thành viên trong gia đình dậy từ rất sớm, đàn bà sẽ lo thổi xôi, món ăn quan trọng bậc nhất. Xôi được làm từ gạo mới nên tỏa mùi hương thơm phức, khi nấu xong, người ta sẽ dùng lá của cây gừng, giã lấy nước để tưới lên xôi, xôi có màu xanh bắt mắt, vị gừng sẽ làm ấm bụng người ăn trong ngày đông giá rét. Đàn ông sẽ là nhân vật chính lo việc bếp núc. Bình thường, ngoài món xôi là món chính, người Tày sẽ sử dụng các món đặc trưng cơ bản để sắp cỗ như: Rượu, cà sáy, khau nhục và cá.
Cà sáy – loại vật nuôi quen thuộc phổ biến với người Tày Bình Liêu, tuy nhiên ở xuôi không phải ai cũng biết. Đây là loài vật được lai tạo giữa ngan và vịt, được đồng bào gọi với cái tên là con cà sáy. Cà sáy nuôi đến khi trưởng thành thì để dùng làm thực phẩm hoặc mang ra chợ bán. Đặc điểm của loại thực phẩm này là thịt thơm, vị đậm đà, không có vị hôi của vịt, thịt cũng không nhạt như ngan.
Khau nhục cũng là món ăn truyền thống của đồng bào Tày trong lễ mừng cơm mới. Món ăn này được làm từ thịt lợn và phải là loại thịt ba chỉ tươi sống, mới giết mổ. Chế biến món ăn này rất kỳ công, trải qua nhiều công đoạn như luộc, tẩm ướp, châm thịt, hấp... Gia đình nào nắm nhiều bí quyết về chế biến và các gia vị đi kèm thì món khau nhục càng ngon và có vị đặc trưng riêng. Cá dùng trong cơm mới là cá chép, cá trắm, cá đối và được rán vàng, chín tới.
Khi các món ăn đã được chế biến xong sẽ được bày ra để khấn các vị thần, tổ tiên và đợi mọi người trong gia đình, bạn bè tới dùng bữa. Người Tày đặc biệt không nhận tiền của thực khách được mời đến, mà chỉ nhận hoa quả, nếu khách đưa tiền thì sẽ được trả lại. Trên mâm cơm và chén rượu nóng, người ta quây quần bên nhau ăn uống no say, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày, lên kế hoạch cho mùa màng sắp tới.
Ngày qua ngày, người Tày vẫn giữ cho mình những nét tốt đẹp về tục làm cơm mới gắn liền với nền văn minh lúa nước của người Việt Nam nói chung. Chia tay đồng bào, tôi được anh Loan Thanh Phú tặng cho gói miến dong và nói: "Đây lại là món đặc sản nữa của người vùng cao chúng tôi, sản xuất đâu hết tới đó. Hôm nào có dịp, anh lên đây, tôi đưa anh đi chiêm ngưỡng cung đường vành đai biên giới được coi là đẹp nhất Việt Nam. Đất và người Bình Liêu còn nhiều điều kỳ thú, anh chưa biết hết được đâu".