Nhưng ít ai biết rằng người “làng tỷ phú” có một lời nguyền về chuyện dựng vợ gả chồng, bởi vậy mà con trai, con gái trong làng lấy nhau rất ít khi ra thiên hạ.
"Phải môn đăng hộ đối"
Về “làng tỷ phú” hẳn nhiều người sẽ choáng ngợp trước những ngôi nhà cao tầng mọc san sát to và đẹp và không khỏi ngạc nhiên bởi cái chất giọng địa phương đặc sệt rất nặng mà ở Bắc Ninh chỉ riêng Đồng Kỵ mới có. Càng ngạc nhiên hơn khi con gái con trai Đồng Kỵ thường không lấy vợ lấy chồng thiên hạ và chuyện "cha mẹ đặt đâu con ngồi" đó vẫn còn.
Ông Nguyễn Khánh Tu, Trưởng ban di tích phường Đồng Kỵ cho biết: "Con gái, con trai Đồng Kỵ thường lấy nhau chứ rất hiếm khi lấy ở thiên hạ. Một phần vì từ xa xưa nhà gái thách cưới cao hơn hẳn so với các làng khác bởi vậy con trai ở ngoài rất hiếm khi đến đây hỏi vợ, phần khác vì việc cưới hỏi của con cái vẫn có sự quyết định lớn từ phía ông bà bố mẹ".
Đình làng một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu của người dân Đồng Kỵ (Ảnh: Thiên Vũ)
Ngày nay, việc con trai làng khác đến tìm hiểu, gia đình có con gái cũng không phản đối, thậm chí cho phép yêu nhau nhưng việc có cho cưới hay không thì hoàn toàn là chuyện khác. Hầu như con gái xinh xắn, ở độ tuổi đẹp con trai thiên hạ sẽ khó mà lấy được, chỉ có cô nào kém phần "nhan sắc" hay quá lứa lỡ thì mới lấy chồng ngoài làng.
Khi con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng, nếu có người đang tìm hiểu thì sẽ xem xét và cân nhắc gia đình nhà đó nề nếp ra sao, có môn đăng hộ đối không, đức tính người con trai hay con gái đó thế nào mới quyết định. Còn con cái đến tuổi mà chưa tìm hiểu ai, gia đình sẽ nhờ người "đánh tiếng, bắn tin" giới thiệu. Khi đã ngắm được gia đình "hợp" với nhà mình, họ cho hai con tìm hiểu nhau trong một thời gian gắn nếu hai bên ứng ý sẽ tiến hành hôn lễ, còn không cũng không bắt ép và lại tiếp tục tìm hiểu đám khác.
Ông Nguyễn Khánh Tu (Ảnh: Thiên Vũ)
Lời nguyền truyền kiếp
Đặc biệt, Đồng Kỵ vẫn cho phép con gái, con trai lấy vợ gả chồng ở ngoài, nhưng tuyệt đối không cho kết duyên với một làng bên cạnh. Ông Nguyễn Khánh Tu và các cụ thượng trong làng vẫn truyền miệng cho nhau nghe về một lời nguyền không biết có từ bao giờ. Tương truyền, ngày trước có một người con trai Đồng Kỵ đem lòng yêu tha thiết và lấy làm vợ một người con gái ở làng Sặt kế bên. Thời gian đầu về chung sống hai vợ chồng rất yêu thương nhau và hạnh phúc khi chị vợ sinh cậu con trai đầu lòng.
Thời gian ngắn sau đó, hai vợ chồng thường xuyên xảy ra to tiếng, mâu thuẫn gia tăng và lên đến đỉnh điểm. Kết quả hai người không thể chung sống dưới một mái nhà. Chia tay, nhưng chuyện nuôi và chăm sóc con hai người phân chia rất rõ ràng. Ban ngày người chồng có tránh nhiệm nuôi con từ 6h sáng đến 18h, thời gian buổi tối còn lại là người mẹ. Ngày đó làng Sặt và Đồng Kỵ có một chiếc cầu Đôi giữa hai làng và hai người thống nhất hết giờ nuôi con sẽ mang con đặt vào một chiếc võng ở đó.
Cứ thế hai người không ai nói một lời và để không nhìn mặt nhau, người nào đến đón thường đón con sau giờ qui định. Một hôm trời mưa gió, sấm chớp đến giờ người bố vẫn mang đứa con trai đến như thường lệ rồi đi về, nhưng người mẹ nghĩ trời mưa gió như thế chồng sẽ không mang con đến. Đứa bé chết vì mưa lạnh, cũng kể từ đó mà người Đồng Kỵ có một lời nguyền sẽ không bao giờ cho phép con cái lấy vợ hay gả chồng với làng Sặt. Lời nguyền đó đến nay vẫn còn được lưu truyền và nhất nhất tuân theo.
Việc cưới xin ở đây cũng rất độc đáo vẫn giữ những nét chính của phong tục truyền thống từ xa xưa. Lễ cưới ở Đồng Kỵ cũng khá đặc biệt, trước hôm cưới nhà trai dâng đồ lễ cho nhà gái đủ làm cỗ mời họ hàng, làng xóm. Đồ dẫn cưới thường là 2,5 tạ thịt lợn, 20 nồi gạo tẻ, 5 nồi gạo nếp, trầu cau chè lá đủ dùng theo yêu cầu của nhà gái.
Thêm vào đó là một ít tiền mặt tùy theo hoàn cảnh cụ thể của nhà trai. Ngày đón dâu, nhà trai chuẩn bị một tráp trầu têm sẵn, miếng cau trong tráp phải là nửa quả, đây là lệ Trầu Tráp quan trọng trong đám cưới ở Đồng Kỵ. Số cau trong tráp trầu đón dâu không bao giờ chẵn mà phải lẻ, số lượng được qui định là 21 hoặc 23 miếng. Số trầu cau này sẽ được chia cho mỗi người một miếng, nhà gái đã tế nhị nhẩm đếm số người của cả hai họ có mặt trong đám cưới để mâm nào cũng có một đĩa bốn miếng đến tận mỗi mâm cỗ. Đến nay lệ Trầu Tráp vẫn được dân làng duy trì trong đám cưới, nghi lễ này được xem là một tục lệ mang tính văn hóa cao thể hiện truyền thống trọng lễ vốn có của người Kinh Bắc.
Nay đã "thoáng" hơn xưa Dù cuộc sống hiện đại, nhiều cái mới và việc kết hôn có phần thoáng hơn xưa, tự do yêu đương và đến với nhau nhưng ở Đồng Kỵ việc kết hôn vẫn giữ một nét riêng. "Vợ chồng tôi cũng lấy nhau nhờ người mai mối. Mãi lúc cưới mới biết mặt mà vẫn sống với nhau con cái đề huề hạnh phúc. Các cụ ngày xưa dựng vợ gả chồng cho con cái theo chiều sâu, có như vậy mới bền vững. Yêu nhau lấy được nhau thì rất thích nhưng lúc yêu người ta thường cho nhau ăn "bánh ngọt", cái đẹp thì phô ra phải lúc lấy nhau về mới biết. Tất nhiên, lấy nhau vì sắp đặt và lấy nhau vì yêu mỗi cái đều có ưu và nhược. Nếu kết hợp cả hai thì vẫn hơn", ông Nguyễn Khánh Tu vui vẻ nói. Ăn cỗ cũng theo qui tắc "Đám cỗ trong làng Đồng Kỵ cũng theo một qui tắc mà gia chủ phải sắp xếp sao cho trong một mâm cỗ chỉ có 4 người, lần lượt người ngồi ngoài cùng gần chỗ đặt cơm canh để "phục vụ" người lớn tuổi hơn, nếu đến sau cũng phải tự ý vào chỗ đó, chứ tuyệt đối không được ngồi trong. Đặc biệt không có chuyện người nhiều tuổi hơn lấy cơm, canh cho người ít tuổi. Bây giờ nề nếp ăn uống còn thoáng và thông cảm hơn nhiều, trước kia người nhiều tuổi hơn ăn gì người ít tuổi hơn mới được gắp theo", ông Nguyễn Khánh Tu nói. |
Thiên Vũ