Tháng 8/2016, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum triển khai mô hình “biến rác thành tiền”. Từ đó, người dân trong làng đã ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, từ những phế phẩm thừa thãi, hội tích luỹ gây dựng được số quỹ giúp đỡ hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Ban đầu từ 69 hội viên trong chi hội phụ nữ thôn Dục Nhầy 1 tham gia, đến nay, mô hình được nhân rộng ra 9 chi hội phụ nữ ở 9 thôn với 824 hội viên.
Bà Y Chon, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục cho biết, từ ngày mô hình đi vào hoạt động mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
7 năm qua, mô hình của Hội LHPN xã đã thu được hơn 100 triệu đồng từ việc bán phế liệu. Từ số tiền này, hội LHPN xã đã trích quỹ thăm tặng những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, quà cho hội viên nghèo và thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội có ý nghĩa.
Không chỉ tạo được nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, mô hình còn góp phần vào việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân trong xã.
Từ ngày mô hình triển khai, người dân tại các thôn, các hộ gia đình nâng cao nhận thức, thay vì đổ rác tràn lan nơi công cộng, giờ đây mọi người đã có thói quen phân loại rác, tập kết rác tại những nơi đã quy định.
Sau khi phân loại, rác thải tái chế, các loại rác như, vỏ, hộp, bìa cát tông, vỏ lon bia, chai sẽ được giữ lại. Sau đó, các chi hội ở các thôn tiến hành thu gom và bán cho các đại lý thu mua rác thải tái chế.
Số tiền thu gom được sẽ bổ sung vào quỹ của các chi hội để hoạt động, giúp đỡ phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày cuối tháng, nhà rông thôn Nông Kon lại tấp nập các bà, các mẹ, các chị mang phế liệu đến góp vào mô hình “biến rác thành tiền”.
Chị Y Hiêng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nông Kon hồ hởi chia sẻ: “Năm 2016, Chi hội phụ nữ thôn Nông Kon là một trong những chi hội đầu tiên hưởng ứng thực hiện mô hình “biến rác thành tiền” do Hội LHPN xã Đăk Dục phát động nhằm gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo.
Với việc gom phế liệu để bán góp quỹ giúp người nghèo, các chị em hội viên ai cũng phấn khởi, ai nấy đều tự giác gom. Từ lúc có mô hình này, chị em đoàn kết hơn, đồng thời đường làng, ngõ xóm cũng không còn chai nhựa, giấy, sắt vụn bừa bãi nữa”.
Theo chị Y Hiêng, 7 năm qua, việc thu gom phế liệu như các loại vỏ chai, vật dụng cũ trong gia đình được nhiều chị em trong chi hội duy trì.
Thời gian đầu, thôn Nông Kon chỉ có 80 hội viên tham gia, nhưng dần dần nhận thấy được ý nghĩa của mô hình, số lượng chị em tham gia 107 hội viên. Từ số tiền thu được, chi hội đã giúp đỡ nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trong đầu năm nay, chi hội đã trích 1.500.000 đồng để thăm hỏi một cháu ở thôn bị bỏng nặng phải nhập viện; hỗ trợ các hội viên nghèo; mua sách, vở cho các con em của hội viên khó khăn; giúp đỡ nhiều trẻ mồ côi, người già neo đơn.
Tương tự tại thôn Dục Nhầy 3, cứ vào những ngày cuối tuần, chị em trong chi hội lại chia thành từng nhóm đi thu gom phế liệu của các hộ gia đình trong thôn, sau đó dồn góp vào mỗi tháng bán phế liệu một lần.
Khi bán được 50.000-60.000 đồng, cũng có khi bán được vài trăm nghìn đồng. Số tiền thu được sẽ góp lại để dành hỗ trợ hội viên phụ nữ khi gặp khó khăn và những hoàn cảnh đặc biệt ở trong thôn.
Chị Y Chợt, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Dục Nhầy 3 cho biết: “Khi chưa thực hiện mô hình, những loại rác thải nhựa ít được người dân quan tâm để ý, nhiều người vẫn có thói quen vứt chai, vỏ nhựa ra đường, xuống cống nước. Nhưng từ khi chi hội tích cực tuyên truyền, nhắc nhở thì rác thải bằng nhựa, vỏ chai đều được người dân nhặt đựng trong túi riêng gom về nhà rông của thôn. Việc này vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa có thêm ít tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”.
Bà Y Chon, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục cho biết thêm: “Thời gian tới, Hội LHPN xã Đăk Dục tiếp tục duy trì mô hình và thu hút nhiều hội viên tham gia hơn nữa. Đồng thời, Hội tiếp tục chỉ đạo chi hội ở các thôn đôn đốc, hướng dẫn hội viên triển khai thực hiện hiệu quả mô hình để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã”.