Độc đáo nghề đào “cát trắng lộc trời” dịp Tết

Ngô Thị Huyền

Ngô Thị Huyền

Thứ 3, 06/02/2024 10:00

Lâu nay, người dân Quảng Bình vốn ưa chuộng loại cát trắng nằm ở ven biển để thay lư hương trên bàn thờ vào mỗi dịp năm mới.

Cũng bởi thế, vào cuối năm, không ít người dân chọn công việc đào cát trắng làm nghề mưu sinh. Họ lặn lội vào những đồi cát mênh mông, tìm kiếm và đào bới hàng giờ mới lấy được thứ cát trắng tinh, sạch sẽ nằm sâu dưới lớp đất thịt và lớp cát vàng.

“Bắt mạch” tìm “lộc trời”

Cứ vào dịp cuối năm, người dân tỉnh Quảng Bình lại sửa soạn bàn thờ, thay cát trên các lư hương với mong muốn thay đổi cái cũ, đón một năm mới may mắn, bình an. Nhà bà Nguyễn Thị Thỏa (63 tuổi), trú Tp.Đồng Hới, cũng không phải là ngoại lệ. “Năm nào tôi cũng mua vài lon cát để thay lư hương trên bàn thờ. Đó là một việc làm mang tính tâm linh, có truyền thống từ lâu đời. Tùy số lượng lư hương trong gia đình mà mỗi người mua số lượng cát ít nhiều khác nhau, năm nay nhà tôi mua 12 lon cát với giá 120.000 đồng”, bà Thỏa nói.

Cũng bởi thế, vào dịp cuối năm có không ít người chọn nghề đào cát để kiếm thêm thu nhập. Công việc của họ không chỉ là để mưu sinh mà còn mang ý nghĩa tâm linh, nhắc nhở mọi người nhớ đến cội nguồn vào ngày Tết.

Dân sinh - Độc đáo nghề đào “cát trắng lộc trời” dịp Tết

Ông Lê Văn Châu đào thăm dò “mỏ cát”, công việc đã gắn bó với ông hàng chục năm mỗi dịp Tết đến.

Mới nghe, người không biết cứ nghĩ đây là công việc dễ dàng, chỉ cần đào cát được cát trắng mang về là có thể sử dụng ngay. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Đến làng Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, những ngày đầu tháng Chạpcùng người dân đi đào cát trắng, chúng tôi mới “thấm thía” cái vất vả, gian nan và không hề đơn giản này.

Ông Lê Văn Châu (71 tuổi), trú xã Võ Ninh, đã kinh qua hàng chục năm với nghề vui vẻ chia sẻ: “Công việc này phải đi xa, mang vác nặng, phơi phóng và không phải ai cũng kiếm được mớ cát trắng tinh, sạch sẽ. Bởi thứ cát cần tìm là loại cát trắng nằm sâu dưới lớp đất thịt và lớp cát vàng. Nó không lộ thiên, nên ngoài cuốc xẻng, người đào cần có kinh nghiệm để “bắt mạch” nơi nào có cát trắng”.

Trên ngọn đồi cát mênh mông, ông Châu chọn cho mình một khu vực từng có người đến đào bới, ông Châu vừa đưa tay xuống đào một cách nhẹ nhàng, vừa nói: “Không phải cứ đào là có cát trắng đâu. Nếu cứ đào kiểu may rủi thì hiệu quả không cao, có khi tay không về nhà”. Ban đầu, ông đào lại những hố cát của người đã lấy trước đó nhưng chỉ mới 2-3 cái múc tay, cát trắng đã hết sạch, lộ ra phần đất vàng. Đôi tay “lành nghề”, ông Châu nhẹ nhàng vét phần cát vàng ra, tạo một khoảng rộng nhất định để cát trắng không bị lẫn cát vàng vào rồi bốc từng nạm bỏ vào bao. “Khi đào thấy cát trắng thì không nên vội xúc ngay mà phải chậm rãi, nếu không sẽ bị phần cát ở trên lấp xuống, phải đào lại từ đầu”, ông Châu chia sẻ kinh nghiệm.

Dân sinh - Độc đáo nghề đào “cát trắng lộc trời” dịp Tết (Hình 2).

Cát dùng để thay lư hương phải là cát trắng, sạch sẽ.

Trên đồi cát hôm ấy, có thêm đôi vợ chồng đứng tuổi lặn lội hơn chục cây số từ xã Tân Ninh về đào cát. Họ lại hỏi chuyện ông Châu rồi may mắn được ông “chỉ điểm mỏ cát” vừa tìm thấy. Nếu không có sự hào phóng của ông Châu, họ sẽ mất nhiều thời gian để lần dò tìm cát. “Cát là lộc trời, đâu phải của riêng ai. Mình có thì cũng mong họ có chút đỉnh để sắm thêm cái bánh, gói kẹo dọn Tết. Nên hỗ trợ nhau là chuyện nên làm mà...”, ông Châu nói, ánh mắt lộ rõ niềm vui khó tả.

Đãi cát ra... tiền

Những người đi đào cát trắng như ông Châu, hay những người mua cát rồi mang ra chợ ngồi bán, họ đều xem cát là “lộc trời”, là thứ nghề mưu sinh giúphọ có thêm chút thu nhập mua sắm cho một cái Tết vẹn toàn. “Đến hẹn lại lên, cứ sau rằm tháng Chạp hàng năm, khi việc đồng áng đã nhàn, vợ chồng tôi lại tay bay tay cuốc vác bao tải đi đào cát. Có lần lấy được 10kg, lần may mắn thì lấy được 20kg mang về. Cát về dùng để thay lư hương trong nhà nếu dư ra thì chia cho bà con hoặc mang ra chợ bán kiếm đôi đồng mua cân thịt, lon nếp gói bánh chưng”, bà Lâm Thị Dung, 55 tuổi, trú xã Tân Ninhtâm sự.

Nhưng để cát trắng này có thể “biến” thành tiền, còn phải qua vài công đoạn đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận hơn nữa. Theo đó, cát sau khi được mang về nhà sẽ được người dân nhặt sạch rác bẩn, sàng qua vài lần, có người kỹ tính còn mang đi rửa rồi phơi 4-5 nắng to. “Có vất vả, mất nhiều công sức như vậy thì mới có những người đào cát về bán như chúng tôi, chứ nếu không thì người ta đã tự mang bao lên đồi lấy cát về dùng rồi”, bà Dung phân trần.

Dân sinh - Độc đáo nghề đào “cát trắng lộc trời” dịp Tết (Hình 3).

Người dân phơi phóng cát cho thật khô ráo trước khi mang đi bán.

Cát trắng Võ Ninh sẽ được các thương lái thu mua, đưa về khắp các khu chợ xuân, từ Tp.Đồng Hới cho đến những vùng quê khác trong tỉnh để phục vụ nhu cầu thay cát cho lư hương trên bàn thờ tổ tiên.

Gắn bó với nghề bán cát từ hơn 8 năm nay, bà Trần Thị Hoa, trú Tp.Đồng Hới cho biết, thường ngày bà buôn bán nhiều thứ ở chợ, nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, bà lại tìm đến xã Võ Ninh mua cát của người dân rồi đem về chợ Đồng Hới bán lại kiếm lời. "Thời điểm đắt khách nhất là vào ngày 22 Âm lịch, khi người dân đều sửa soạn bàn thờ sạch sẽ để tiễn ông Táo về trời. Gần một tuần ngồi chợ, tôi bán được khoảng hơn 100 túi cát, bù trừ hết các khoản thì tiền lời cũng được 800.000 đồng. Có năm bán “trúng”, tôi kiếm được gần 5 triệu, năm ấy cả nhà có một cái Tết sung túc đấy”, bà Trần Thị Hoa phấn khởi cho biết.

Những ngày này, không khí Tết đến Xuân về rộn ràng trên khắp phố phường. Hòa lẫn dòng người nô nức đi mua sắm Tết, là bóng dáng những người dân cần mẫn mưu sinh từ nghề đào cát, bán cát trắng mưu sinh. Với họ, công việc dù vất vì phải ngồi cả ngày ngoài chợ, nhưng những mệt nhọc được xua tan khi những bao cát được bán vơi dần. Thỉnh thoảng, những người bán cát như bà Hoa lại đem mớ tiền lẻ ra ngồi đếm từng đồng, họ nhẩm tính những khoản tiền cần sắm Tết rồi lại chờ đợi và hy vọng có nhiều người đến mua. Với họ, Tết được hiện hữu ngay trong số cát được bán ra mỗi ngày, là thành quả của sự cố gắng, nỗ lực nhờ lao động mà có.

Tùy thuộc vào thị trường ngày Tết cũng như chất lượng cát, mà giá cát sẽ có giao động từ 5.000 – 10.000 đồng/kg. Bán với giá đó, thật ra không thấm tháp gì so với công tìm kiếm, đào bới, phơi phóng mấy ngày liền. Nhưng nhiều người vẫn chăm chỉ đi lấy cát, bởi dù giá rẻ thì vẫn có thể tích tiểu thành đại, lấy được càng nhiều thì Tết càng thêm phần đủ đầy.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.