Những mảnh sành làm nên "kiệt tác"
Sóc Trăng là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long tập trung khá đông người Khmer sinh sống. Là một tộc người gắn với Phật giáo Nam tông nên trong các phum, sóc của người Khmer đều xây dựng rất nhiều chùa để người dân đến thực hiện các nghi lễ tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng. Mỗi ngôi chùa là một công trình kiến trúc độc đáo, ẩn mình dưới tán lá của những cây cổ thụ. Vì thế, ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lưu giữ những giá trị văn hóa của người Khmer và cũng là nơi các sư sãi sinh sống.
Chùa Chén Kiểu có tên Khmer là Wath Sro Loun. Để dễ phát âm, từ Sro Loun đã được người dân đọc chệch thành Sà Lôn. Sro Loun có nguồn gốc từ chữ Chro Luong. Đây là tên của một con rạch chạy dọc theo đường làng ở gần chùa. Khi xây dựng chùa, người ta đã lấy tên con rạch ấy để đặt tên chùa.
Toàn cảnh ngôi chùa được trang trí bằng sành như nàng tiên đang múa.
Năm 1815, chùa được dựng bằng gỗ và lợp lá như nhiều ngôi chùa khác trong vùng. Trong thời gian chiến tranh, dưới sức tàn phá của bom đạn, ngôi chính điện của chùa bị hư hại nặng. Đến năm 1969, chùa được xây dựng lại theo kiến trúc như ngày nay, gồm: Chính điện, sala, tháp bảo, nơi để sách kinh... Trong quá trình xây dựng, do không có kinh phí để mua đủ gạch men trang trí nên các vị sư đã nảy ra sáng kiến quyên góp chén, đĩa vỡ từ bà con Phật tử trong phum, sóc để ốp lên tường. Ý tưởng này vừa tiết kiệm kinh phí xây dựng, vừa tạo nên những họa tiết trang trí ấn tượng, độc đáo. Cũng từ đó, chùa còn được người dân quen gọi với cái tên thứ hai là "chùa Chén Kiểu".
Đại đức Lâm Chanh, trụ trì chùa Chén Kiểu cho biết: "Những chén, đĩa còn nguyên vẹn thì các vị sư để nguyên như vậy ốp lên tường, còn những chén, đĩa bể thì đập nhỏ ra tạo thành những hoa văn nổi trên tường. Tôi có nghe những vị trụ trì trước đây và các vị cao niên nói lại rằng, họ đã dùng hết khoảng gần 3.000 tấn chén đĩa để tạo thành ngôi chính điện như hiện nay".
Trong toàn bộ kiến trúc, người ta sẽ tưởng rằng toàn bộ phần mái của chính điện được ốp hoàn toàn bằng gạch men. Tuy nhiên, thực ra chỉ có khoảng 40% là gạch men, còn lại là sự tô điểm của những mảnh chén, đĩa vỡ. Chúng được bàn tay các cao tăng tạo thành những hoa văn rất tinh xảo và đẹp mắt. Không chỉ ghép hình những bông hoa, con vật, ngôi chùa còn có cả những bức tranh thiên nhiên làm từ mảnh sành đẹp như những bức tranh thêu.
"Kiệt tác" mảnh sành này được tạo nên bởi sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các vị chư tăng trong chùa cùng những nghệ nhân Khmer Nam Bộ. Điều đặc biệt là những nghệ nhân chưa từng được học qua về kỹ thuật ốp các loại men sứ lên tường, cũng như những lý thuyết về điêu khắc và mỹ thuật. Họ sáng tạo bằng sự cần mẫn trong suốt 11 năm ròng rã. Đó là niềm tin và lòng thành kính dành cho đức Phật. Họ đã biến những mảnh sành vỡ bị lãng quên của những người dân Khmer thành một tác phẩm nghệ thuật. Ở đó những mảnh sành bỗng trở nên hữu dụng, quanh năm phản chiếu ánh sáng mặt trời để làm cho ngôi chùa bừng sáng, lung linh những màu sắc.
Thấp thoáng bóng hình tiên nữ
Khi rời căn gác là nơi ở của vị sư cả, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông Khmer đang ngồi ngoài hành lang nhìn xuống đoạn đường từ cổng dẫn vào chùa. Dưới ấy, các vị tăng ni áo vàng đang quét dọn, tưới nước, nhổ cỏ quanh khuôn viên chùa. Người này tiết lộ với chúng tôi rằng: "Ngôi chùa này có hình dáng giống như một nàng tiên". Thì ra nãy giờ chúng tôi không để ý, xung quanh chùa là tường rào trang trí hình tiên nữ Apsara đang múa, tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng. Dọc lối dẫn vào chùa là hai hàng tượng thần Kâyno (Kerno). Đây là những bức tượng có khuôn mặt tiên nữ Apsara tượng trưng cho sắc đẹp vĩnh hằng. Bên cạnh đó là hình chim thần Garuda tượng trưng cho sức mạnh.
Một số hoa văn trang trí bằng sành trên bức tường phía sau chùa.
Theo Ấn Độ giáo, Apsara là những tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần, cử chỉ thanh thoát, duyên dáng và múa hát điêu luyện. Họ là vợ của các nhạc công nơi tiên giới Gandharva và thường đàn ca, múa hát cho các vị thần. Apsara đồng thời là các tì nữ hầu hạ thần Indra - vua của các vị thần. Vị thần này hiện thân của chiến tranh, giông bão và mưa gió. Vũ nữ theo huyền thoại của đạo Bà La Môn ở Ấn Độ vừa là thần vừa là người. Những người này thường xuất hiện để cám dỗ các nhà tu hành khổ hạnh.
Theo truyền thuyết, Apasara được ra đời từ việc khuấy biển sữa để lấy thuốc trường sinh của hai vị thần. Đó là bắt nguồn từ câu chuyện về cuộc chiến tranh kéo dài hàng nghìn năm của Thần thiện và Thần ác. Hai vị thần này đã dùng thân của con rắn Ananta để khuấy biển sữa, tìm lọ thuốc trường sinh và sáng tạo ra thế giới. Trong khi cuộc chiến tranh xảy ra thì dưới biển sữa sinh ra hàng nghìn cô tiên nữ Apsara xinh đẹp.
Cũng chính từ truyền thuyết này, Apsara trở thành tên gọi của một điệu múa nổi tiếng - nghệ thuật múa Apsara. Đặc trưng của điệu múa là một vũ nữ Apsara dẫn đầu nhóm vũ nữ trình diễn các động tác tinh tế như những nàng tiên vui chơi giữa khu vườn hồng. Những động tác múa rất chậm rãi và tinh tế thể hiện nét độc đáo của nghệ thuật múa Apsara không giống như các điệu múa khác trên thế giới. Các cô gái Apsara duyên dáng, đầy đặn và căng tràn nhựa sống chính là một biểu tượng cho tinh thần của người Khmer. Với họ, Apsara chính là một vị nữ thần, mang một vẻ đẹp hoàn mĩ.
Múa Apsara du nhập vào Campuchia từ khoảng thế kỷ thứ I. Cùng với Ấn Độ giáo, môn nghệ thuật này phát triển mạnh cùng với kỷ nguyên Angkor. Từ thời kỳ Angkor, Apsara là điệu múa kinh điển chỉ dành cho nhà vua thưởng thức trong các dịp lễ trọng đại và vinh danh các vị thần. Người ta ước lượng, vào triều đại của vua Jayavarman VII, có đến 3000 vũ nữ Apsara phục vụ trong triều đình. Múa Apsara ở Campuchia ngoài nguồn gốc Ấn Độ giáo nói trên, tới thế kỷ 13 còn là điệu múa lấy cảm hứng bởi những nghệ thuật chạm khắc Apsara và nghệ thuật điêu khắc Angkor tinh xảo. Vì thế, điệu múa này ngày càng mang dấu ấn Khmer hơn là Ấn Độ. Người Khmer gọi điệu múa này là "Vũ điệu tiên nữ".
Người đàn ông Khmer ấy đã không gọi được tên nàng tiên mà ông muốn nói đến. Nhưng chúng tôi biết, trong văn hóa cũng như tinh thần của người Khmer, nàng tiên mang một vẻ đẹp vĩnh hằng. Nàng tiên được biết đến với tất cả những gì đẹp đẽ, quyến rũ nhất chính là nàng Apsara kiều diễm. Nàng thấp thoáng trong kiến trúc của ngôi chùa với phần chóp trên mái như chiếc mũ đội đầu của nàng tiên nữ.
Bao năm qua, với người dân Khmer, chùa Chén Kiểu giống như một nàng tiên giáng trần. Nàng đang múa một điệu Apsara say lòng người giữa trời với chiếc váy làm từ những mảnh sành sáng lấp lánh. Những người nghệ nhân Khmer tài hoa đã dệt nên cho nàng tấm váy ấy, với lòng mong mỏi nàng sẽ đem lại cho họ một cuộc sống hòa bình, yên ấm và hạnh phúc.
Lam Giang