Cơ man những hàng cột lớn đen bóng lộ rõ đường vân đẹp mắt chạy dọc ngang ngôi nhà có diện tích 82m2.
Ngôi nhà quý
Về miệt sông nước miền Tây có một địa điểm không thể bỏ qua, đó là ngôi nhà trăm cột ở ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Khi xưa nơi đây có tên là ấp Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn nằm trên một cù lao, bao quanh là một con kênh nước mặn, tách biệt với thế giới bên ngoài. Muốn đến được ngôi nhà phải men theo một con đường đất đỏ rồi qua phà kinh Nước Mặn, đi phà chừng 15 phút mới có thể nghe thấy tiếng nước vỗ oàm oạp vào những gốc mắm, gốc dừa nước của cù lao. Nhưng giờ đây, nơi này đã có cây cầu nối đôi bờ, kinh tế đã phát triển hơn trước nhiều phần.
Băng qua những con đường nho nhỏ um tùm cây trái, chúng tôi đã tới được ngôi nhà đặc biệt này. Trái với những tưởng tượng ban đầu, ngôi nhà nằm lọt thỏm trong một khu đất rộng mênh mông và ẩn mình dưới miên man cây cối. Không gian nơi đây yên lặng, thanh bình đến độ tôi có thể nghe thấy tiếng gió mơn man bên những lạch dừa xanh ngắt.
Nhìn bề ngoài, ngôi nhà khá cũ kĩ với mái ngói âm dương rêu phủ, lối dẫn lên nhà là bậc thềm mốc lấm tấm đen. Thế nhưng, khi bước vào bên trong, khung cảnh của ngôi nhà khiến ai nấy đều bất ngờ. Cơ man những hàng cột lớn đen bóng lộ rõ đường vân đẹp mắt chạy dọc ngang ngôi nhà có diện tích 82m2. Tất cả nội thất bên trong đều làm bằng gỗ. Thấy tôi chỉ tay đếm đi đếm lại số cột sao cho khỏi nhầm, bà Trần Thị Ngõ, chủ nhân ngôi nhà cho biết: "Ngôi nhà này nói là 100 cây cột cho chẵn chòi nhưng sự thật nó có tới 120 cây, gồm 68 cột tròn, 52 cột vuông. Ở kho lúa có ro cây gỗ nhưng năm 1952 kho lúa đã bị dỡ, nay chỉ còn nền móng".
Không chỉ có những cây cột to, toàn bộ nội thất từ cột kèo, bàn ghế, hoành phi... đến đĩa đựng hoa quả đều làm bằng gỗ và chạm trổ tinh vi. Bà Ngõ, cháu đời thứ 4 của ông Trần Văn Hoa, người làm nên công trình này cho biết: "Toàn bộ ngôi nhà đều được làm từ những loại gỗ quý như: Cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật..., loại gỗ này được cụ cố của bà chọn lựa từ lõi của những cây gỗ già nhất. Vì thế, theo thời gian, gỗ này càng dùng càng bóng, nó có vị đắng nên mối mọt cũng phải xin thua”.
Bà Ngõ tuy đã cao tuổi nhưng rất vui khi thấy khách đến tham quan công trình tổ tiên đã dày công xây dựng. Thấy khách đến, bà vào gian trong mặc chiếc áo lụa màu tím rồi tận tình giới thiệu tỉ mỉ từng vật dụng trong ngôi nhà. Bà bảo khi xây dựng ngôi nhà này, cụ Hoa mới có 22 tuổi. Tuổi trẻ nhưng cụ đã đam mê điêu khắc, hội họa. Cụ thuê thợ chạm khắc kiểu cung đình Huế theo kiểu tứ linh tứ thời. Tứ linh là bốn con vật long lân quy phụng, được trạm khắc trên những thanh đòn trên mái, tứ thời là xuân hạ thu đông, tức những cành hoa đặc trưng của mùa đó được đục làm hoa văn. Tay mân mê những bông hoa được chạm trổ tinh vi đôi mắt nhìn lên bàn thờ tổ tiên, bà Ngõ tâm sự: "Cụ nhà tôi thích chạm trổ lắm. Ngôi nhà này giúp cụ toại nguyện phần nào niềm đam mê ấy. May sao khu vực này không bị bom đạn của giặc dội xuống, ngôi nhà vẫn còn tồn tại đến tận bây giờ".
Ngôi nhà trăm cột
Ngôi nhà ấy còn khiến tôi bất ngờ bởi những đồ dùng giá trị khác cũng được làm bằng gỗ. Ở đại sảnh có hai bàn quay được gọi là bàn đực và bàn cái. Bàn đực dành cho nam ngồi, còn bàn cái dành cho nữ giới. Ngoài ra còn có ghế nghỉ, hai bàn mặt dài, sa lông, đĩa đựng hoa quả… đều được làm từ gỗ quý. Gia chủ xây dựng từ năm 1898, đến nay đã hơn 100 năm, trải qua bao thế hệ sử dụng những vật dụng này vẫn còn nguyên vẹn. Trước kiến trúc độc đáo, hoa văn tinh xảo của ngôi nhà, năm 1997, Nhà nước đã công nhận ngôi nhà là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hành trình công phu làm ngôi nhà
Ngôi nhà khiến bất kì người dân nào cũng phải thấy sững sờ trước độ tinh xảo đến bất ngờ. Và điều làm người ta ngạc nhiên hơn nữa là giữa miền sông nước xứ dừa, nơi mà xưa kia nơi đây nhà cửa chỉ được dựng bằng cây chàm, lợp lá dừa tạm bợ, vậy mà chủ nhân của ngôi nhà đã nghĩ và xây dựng được một công trình quý giá, vượt thời gian. Điều đó đủ thấy đầu óc và tầm kiến thức của chủ ngôi nhà.
Bà Ngõ nhìn lên bàn thờ tổ tiên, đôi mắt ánh lên niềm tự hào về dòng họ danh giá của mình. Bà kể, cụ cố của bà, người làm nên ngôi nhà là ông Trần Văn Hoa (1879 - 1952). Thời ấy ông là hương sư, trưởng giả giàu nức tiếng ở khu vực. Trong khi thời đó, mọi người đi lại chủ yếu là ghe thuyền hoặc xe ngựa, thì ông hương sư đã mặc com-lê, cà-vạt, đi giày Tây, xe hơi, đi về giữa Sài Gòn - Long Hựu như đi chợ. Nhà ông có những cánh đồng bạt ngàn màu mỡ. Trong nhà có hàng trăm nhân công chia thành nhiều đội: Đội dệt vải, đội chăn trâu, bò, đội nuôi heo, quanh năm làm không hết việc.
Bà Ngõ bên ngôi nhà trăm cột.
Giàu có nhưng niềm đam mê của ông Hoa không phải là những trò chơi đỏ đen, phung phí tiền ăn chơi hưởng lạc mà tất cả dành cho hội họa, kiến trúc. Khi mới 22 tuổi, ông đã về tận Huế để tìm một tốp thợ tốt nhất (15 người) đưa về Long An, nuôi họ ăn ở trong suốt thời gian làm ngôi nhà này. Là cháu dâu đời thứ 4, bà Ngõ được chồng mình kể cho rất rõ về lịch sử ngôi nhà.
Bà cho biết, tuy phải nhờ đến nghệ nhân, nhưng việc thiết kế mẫu nhà lại là do ông Trần Văn Hoa quyết định bởi ông là người giỏi về kiến trúc. Ngôi nhà xây dựng rất kì công và tốn nhiều thời gian,công sức, chi phí thì không biết bao nhiêu mà kể. Phải mất 5 năm ngôi nhà mới hoàn thành, trong đó 2 năm xây dựng, 3 năm chạm khắc. Tất cả vật liệu nhà như gỗ, gạch nền, đá trụ, ngói lợp hoàn toàn lấy từ nơi khác bởi xứ Long Hựu hồi đó nhiều rừng, nhưng chủ yếu là cây thân xốp, ít gỗ quý. Vì thế, ông đã cho người đến vùng Tân Uyên - Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) tìm gỗ, cho người đến vùng Biên Hòa tìm gạch lục giác và đá xanh.
Đích thân ông còn đi chọn từng cây gỗ lớn, lọc phần vỏ và phần có thể mục bên ngoài, chỉ còn lõi rồi phơi khô. Những thân gỗ dài nguyên cây được chở hết bè nọ đến bè kia về ấp, khiến cho người dân trong vùng tưởng rằng ông định xây cả một kinh thành bằng gỗ.
Song song với đội làm nền nhà, ông cho một tốp thợ lên miền Biên Hòa chọn những thớt đá xanh để đục đá, đích thân ông tìm đến lò gạch uy tín nhất ở Biên Hòa đặt nung gạch lục giác và ngói liệt (loại ngói dành riêng lợp nhà rường) vận chuyển về. Ông Hoa giàu có và công bộc sòng phẳng, nên những nghệ nhân không nề hà, cống hiến hết mình. Ngày khánh thành nhà, một lễ tân gia trước nay chưa từng có, những quan tước Nam Kỳ Lục Tỉnh, quan Tây đến chúc mừng rầm rập. Còn dân chúng thì kéo đến xem như nêm bởi người ta tò mò đến xem một công trình nghệ thuật mà xưa nay vùng sông nước không ai có. Sau một thời gian huy hoàng, năm 1952 ông hương sư Trần Văn Hoa mất. Con ông là Trần Văn Miên không theo nghiệp cha, con cháu không ai giàu có nữa, tuy nhiên ngôi nhà vẫn tồn tại và được con cháu sử dụng đến tận ngày nay.
Đặc trưng nhà rường Huế giữa miền sông nước phương Nam Ngôi nhà nằm giữa miệt vườn sông nước nhưng lại mang đặc trưng kiến trúc nhà rường của người Huế đến nỗi, một người có chút ít hiểu biết về kiến trúc như tôi cũng cảm nhận được. Ngôi nhà gồm ba gian hai chái, được xây dựng theo hình chữ “quốc”. Ngay trước mái hiên là tám đầu kèo được chạm trổ theo kiểu vân hóa long, một kiến trúc điển hình của Huế. Những hình ảnh vân hóa long này được cách điệu, chỉ là hình ảnh mây, hoa lá mà tạo nên được một cái đầu rồng. Phần đỡ đòn nóc nhà được cách điệu hình chày - cối tượng trưng cho tín ngưỡng văn hóa âm dương hòa hợp. Đây cũng là một phong cách đặc biệt của kiến trúc Huế. Bên cạnh những nét phong cách kiến trúc của Huế, ngôi nhà còn có hình ảnh đặc trưng của miền Tây như quả mãng cầu, lê ki ma. Tích đức sẽ được dân trọng Là một đại địa chủ nhưng ông Hoa ăn ở đức độ nên được người dân trong vùng rất yêu quý. Ông thương dân nghèo, thường xuyên giúp đỡ họ. Cũng chính vì thế mà khi cách mạng thành công, những nhà địa chủ khác bị người dân đến đập phá, riêng nhà ông vẫn còn nguyên vẹn. |
Thành Huế