Lồng đèn thuần Việt
Ông Trần Quốc Ẩn, SN 1961, trú Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã xác lập 5 kỷ lục Việt Nam, trong đó có 4 kỷ lục về thư pháp. Ngoài sở thích về thư pháp, ông còn có niềm đam mê với đèn kéo quân, đèn lồng. Có thời gian mê lồng đèn quá, ông ra tận Tp.Hội An (Quảng Nam) chỉ để được ngắm những chiếc lồng đèn treo trên phố.
“Mê đèn lồng nên mỗi dịp gần Tết, tôi thường đến những nơi buôn bán lồng đèn để ngắm, nhưng chỉ thấy trưng bày toàn hàng Trung Quốc, mẫu mã giống hệt nhau. Vì vậy, tôi muốn làm ra những chiếc đèn lồng khác biệt, thuần Việt và mang đặc điểm của riêng mình”, ông Ẩn chia sẻ.
Nghĩ là làm, năm 2014, ông bắt đầu tìm tòi nguyên liệu và mày mò cách thực hiện. Ban đầu, gia đình ông Ẩn chỉ làm vài chiếc đèn lồng để tặng cho người thân, các chùa vào những dịp lễ. Sau khi nhiều người khen đẹp và lồng đèn chịu được mưa nắng, gia đình ông mới làm thêm nhiều mẫu mã mới, đa dạng hơn.
Nhớ lại những ngày đầu làm lồng đèn, ông Ẩn cho biết: “Ban đầu, các công đoạn thực hiện gặp nhiều khó khăn và làm thủ công hoàn toàn. Tôi phải cưa lộng từng miếng ván rồi ghép lại với nhau để làm nắp, đáy của lồng đèn. Ngày đó, vật liệu chưa đa dạng chỉ có thể sử dụng ván ép nên độ bền không cao, tôi còn bị “mắng vốn” vì đèn dễ hư hỏng”.
Nhưng nhờ những góp ý đó, ông quyết tâm tìm cho được chất liệu bền và tốt hơn để chiếc lồng đèn chịu được nắng mưa. Sau thời gian nghiên cứu, ông cũng tìm được chất liệu nhựa alu với độ bền cao và có thể gia công với nhiều kích cỡ khác nhau. Từ đó, ông dần hoàn thiện chiếc lồng đèn không chỉ có tính thẩm mỹ mà còn có độ bền cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Để thỏa mãn niềm đam mê lồng đèn của mình, ông chỉ làm những lồng đèn với đường kính 18cm và chiều cao 22cm treo trưng bày. Sau khi tìm được vật liệu mới phù hợp, ông mới tiếp tục làm lồng đèn để tặng bạn bè, người thân. Cả con hẻm nơi ông sống, nhà nhà đều treo lồng đèn ông tặng. Ban đêm, cả con đường sáng rực dưới ánh sáng của những chiếc đèn lồng tạo cho không gian thêm phần ấm cúng.
“Thấy lồng đèn chịu được mưa, nắng và cả gió ở ngoài trời, mọi người rất thích, chụp ảnh khoe trên facebook nên nhiều người hỏi mua, đặt hàng và các chùa cũng tìm đến tôi để làm lồng đèn. Từ đó, tôi bắt đầu nhận làm lồng đèn để những chiếc lồng đèn thuần Việt được treo nhiều nơi hơn”, ông Ẩn cho biết.
Có ngôi chùa đã đặt ông làm với số lượng lớn lồng đèn để treo và đạt kỷ lục Việt Nam. Đó là chùa Hiển Nam ở Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Chùa được trao kỷ lục “Ngôi chùa thực hiện và trang trí đèn lồng Đản sanh bằng thủ công với số lượng nhiều nhất kính mừng đại lễ Phật Đản năm 2022”, vào tháng 6/2022.
“Nghề chơi cũng lắm công phu…”
Những chiếc đèn lồng được ông tỉ mỉ thiết kế, làm thủ công và đặt cả tâm huyết của mình vào đó. Để tạo ra chiếc lồng đèn, người làm phải thật sự khéo léo từng chi tiết, các công đoạn phải phối hợp nhịp nhàng với nhau. Nếu lúc trước phải cưa lộng từng cái nắp, đáy và cả phôi đèn thì nay ông phải rành công nghệ, sử dụng máy tính để vẽ các bản thiết kế rồi gửi đi các đơn vị yêu cầu gia công riêng.
Ông Ẩn cho biết muốn làm chiếc lồng đèn hình trụ phải trải qua 3 công đoạn chính gồm hoàn chỉnh phôi đèn, lợp nội dung lên mặt đèn và lắp ráp hoàn chỉnh. Nghe thì thấy đơn giản nhưng bắt tay vào làm mới thấy độ khó và đòi hỏi sự nhẫn nại, tỉ mỉ. Chỉ riêng công đoạn hoàn chỉnh phôi đèn, ông phải thực hiện nhiều bước từ vệ sinh khuôn, lợp nhựa đến làm chui đèn để lắp bóng đèn vào… Tất cả đều được ông làm thủ công cẩn thận từng tí một.
Lồng đèn ông làm ra được nhiều người ưa chuộng vì có sự khác biệt và độc đáo riêng. Không chỉ mẫu mã chưa có trên thị trường mà họa tiết trang trí như Phúc Lộc Thọ, hình Phật… đều là những hình ảnh mà gia đình người Việt ưa thích vì mang ý nghĩa may mắn, tốt lành. Đặc biệt, những chiếc lồng đèn này không phải là hàng sản xuất đại trà, hàng loạt như ngoài thị trường.
“Chất liệu của lồng đèn tôi làm không giống với những loại khác. Lồng đèn Hội An được làm bằng tre và lụa, lồng đèn Trung Quốc thì dùng nhựa và lụa nhưng sản xuất hàng loạt. Còn lồng đèn của tôi sử dụng nhựa và decal lụa, chính chất liệu này đã giúp lồng đèn có độ bền cao hơn rất nhiều”, ông Ẩn cho hay.
Những mẫu lồng đèn của ông không giống với thị trường mà có chủ đề, tính sáng tạo riêng. Trong dịp Tết năm nay, ông không chỉ làm lồng đèn về Phật mà còn có các mẫu đèn Thần Tài, Phúc Lộc Thọ, vạn sự như ý, tấn tài tấn lộc... cầu mong mùa Tết sum vầy, hạnh phúc đến với mọi người.
Với góc nhìn của 1 nhà thư pháp, những họa tiết, hoa văn hay hình ảnh trang trí trên chiếc đèn đều được ông lựa chọn cẩn thận. Không chỉ đúng chủ đề mà ông còn tự tay vẽ thêm chi tiết cho hoàn thiện, đẹp mắt hơn. Đây cũng là năm đầu tiên ông đưa ra thị trường những mẫu lồng đèn do mình làm để giới thiệu với người tiêu dùng. Mẫu lồng đèn của ông có 3 kích cỡ 12x20 cm, 18x35 cm, 25x50 cm và mỗi cỡ ông chỉ với thiệu vài chục cái với giá bán từ 150.000 – 450.000 đồng/chiếc.
Chính niềm đam mê mãnh liệt với lồng đèn đã thôi thúc ông tìm kiếm phụ kiện trang trí phù hợp, mang tính thẩm mỹ cao cho chiếc lồng đèn của mình. Ông lặn lội vào Tp.HCM, đến từng cửa hàng để “săn lùng” những phụ kiện nhỏ nhất từ hạt châu nhỏ lấp lánh, đuôi đèn… đến dải keo ruy băng màu vàng để trang trí đường viền cho chiếc đèn. Trung bình mỗi ngày vợ chồng ông làm được 5 chiếc đèn lớn với kích thước 25x50cm. Tuy nhiên, có những lúc ông cùng vợ phải thực hiện đến 40 cái lồng đèn nhiều kích cỡ để kịp cho chùa treo vào dịp lễ.
Ông Hồ Nhã Anh, trú Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: “Mỗi mùa Vu lan, Phật đản hay giáng sinh, năm mới, tôi thấy ông Ẩn thường làm lồng đèn để tặng cho các chùa, nhà thờ. Những chiếc lồng đèn ông làm ra không chỉ thiết kế mới, hình ảnh đẹp mà để ngoài nắng cũng không bay màu. Buổi tổi đèn thắp lên rất đẹp tạo nên những hình ảnh lung linh, độc đáo”.
Mong giữ gìn nét bản sắc dân tộc
Với ông Ẩn, làm lồng đèn không phải để kinh doanh mà là theo đuổi sở thích của riêng mình và tạo ra sản phẩm riêng biệt của nước ta. Chính vì vậy, phải có cảm hứng ông mới thực hiện và đặt trọn tâm tình của mình vào từng chiếc đèn tạo ra. Điều đó thể hiện sự yêu quý, trân trọng của ông đối với từng sản phẩm của mình. Ông mong rằng, những chiếc lồng đèn thuần Việt ấy, sẽ được treo ở nhiều nơi hơn nữa, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam.
Clip: Ông Trần Quốc Ẩn tạo ra những chiếc lồng đèn độc đáo, khác biệt và mang đậm nét văn hóa Việt.
Châu Tường