Sản phẩm mỹ nghệ độc lạ từ ve chai
Từ ngàn xưa, khi nhắc đến đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, hình ảnh người dân bản địa với chiếc gùi sau lưng đã quá quen thuộc, bình dị trong mắt của nhiều người. Chiếc gùi thường được làm bằng tre, nứa, mây… một vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Ngày nay, với đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo, người phụ nữ Ja Rai đã biết tận dụng những phế phẩm từ lon bia, nước ngọt để tạo ra những chiếc gùi độc đáo, đẹp mắt có giá trị kinh tế cao, đặc biệt thân thiện với môi trường.
Để mục sở thị những chiếc gùi làm từ phế phẩm, chúng tôi có dịp ghé thăm nhà bà Rơ Mah Vo, SN 1962, ngụ làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Trong ngôi nhà nhỏ của bà Vo có rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, được tạo hình một cách tinh xảo từ phế phẩm ve chai.
Rót nước mời khách ngồi, bà Vo đôi tay thoăn thoắt tiếp tục làm nốt chiếc gùi đang đan dở. Nở nụ cười, bà Vo chia sẻ về cuộc đời mình. Lúc chào đời, bà đã bị khuyết tật, đôi chân queo quắp, di chuyển không thuận lợi, mọi việc phải dồn vào hết đôi bàn tay nhỏ nhắn.
Cũng chính vì số phận kém may mắn và một phần không muốn là gánh nặng cho gia đình nên bà luôn cố gắng làm mọi thứ từ dệt thổ cẩm, may quần áo đến đan lát gùi, giỏ đựng, túi xách… để kiếm được tiền nuôi bản thân và bố mẹ già đã ngoài tuổi 90.
“Trước đây, tôi đã thử sức với nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm khi dệt xong được nhiều người mua đánh giá cao. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, khi đồ thổ cẩm trên thị trường được bày bán tràn lan khiến đồ của mình không ai mua.
Nhận thấy dệt thổ cẩm không còn mang lại hiệu quả kinh tế, tôi đã chuyển qua đan gùi của đồng bào Ja Rai từ nguyên liệu là những sợi dây. Song, do sản phẩm không có gì đặc biệt nên ít người để mắt đến”.
Vượt lên số phận
Chia sẻ về khởi nguồn ý tường làm sản phẩm mỹ nghệ từ phế phẩm ve chai, bà Vo kể, trong một lần gia đình tổ chức tiệc thấy những vỏ lon bia, nước ngọt vất lăn lóc khắp mọi nơi trên nền nhà. Bất giác đầu bà lóe lên ý tưởng gom những thứ bỏ đi này làm thử những giỏ xách, gùi.
Bà bắt đầu thu gom nguyên liệu làm sản phầm đầu tiên là chiếc túi xách. Sau 3 ngày mày mò sáng tạo, sản phẩm hoàn thành được nhiều người khen ngợi. Từ sản phẩm đầu tiên hoàn hảo về hình dáng, màu sắc, độc lạ khiến người làng rất thích nhiều người tìm đến đặt hàng.
Với số lượng đơn hàng ngày càng nhiều, bà nhờ người cháu của mình đến chỗ thu mua ve chai xin nắp bia số lượng lớn. Lúc này, bà tiếp tục thiết kế và trang trí để tạo ra sản phẩm chiếc gùi - một vật dụng không thể thiếu trong các gia đình người đồng bào Ja Rai.
Cũng như lần trước, sau nhiều ngày tỉ mỉ lên khung tạo hình, trang trí hoa văn bà cho ra đời chiếc gùi đầu tiên, thành quả hơn cả sự mong đợi.
Chiếc gùi từ phế phẩm ve chai không chỉ để sử dụng, mà khi đeo sau lưng như một vật trang trí, là điểm nhấn tô điểm thêm vẻ đẹp của người phụ nữ Ja Rai.
Bà Vo phấn khởi cho hay: “Những chiếc gùi được hoàn thành, có rất nhiều người trong làng đến xem và đặt mua. Sản phẩm mình bỏ bao tâm huyết cuối cùng được đông đảo người dân, khách du lịch đón nhận là điều mình thấy rất vui.
Hiện nay, giá của mỗi chiếc túi, gùi có giá từ 300 – 800 nghìn đồng. Nhờ đó mình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình”.
Theo bà Vo, vật liệu chính để trang trí là từ những cái chốt là nắp bật lon nước các loại. Để hoàn thành được một sản phẩm đòi hỏi người làm có bàn tay khỏe khoắn, khéo léo để đan các vật liệu với nhau.
Ngoài ra, cần phải có tư duy màu sắc tốt để sắp xếp những màu đan xen, hoặc có thể trang trí theo họa tiết của thổ cẩm, bông hoa, tam giác. Thông thường, để trang trí một chiếc gùi mất khoảng từ 4 - 5 ngày. Trung bình 1 tháng, bà làm được 4 - 5 cái, có tháng khách đặt nhiều thì làm gấp đôi, gấp ba.
Chị Trần Thị Liên, 39 tuổi, trú thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, một khách hàng mua sản phẩm tái chế của bà Vo cho biết: “Tôi rất thích các sản phẩm thủ công của người bản địa nơi đây. Tôi đã mua chiếc gùi và túi đeo để tặng người bạn ở tỉnh Bình Dương, họ khen rất đẹp.
Họ còn kinh ngạc khi biết những đồ này được làm từ chính bàn tay của người phụ nữ Ja Rai khuyết tật, nên họ rất trân trọng. Lần sau có cơ hội, tôi sẽ tiếp tục mua và quảng bá cho bạn bè ở những nơi khác biết tới để giúp đỡ bà có thêm tiền trang trải cuộc sống”.