Phiên chợ này là dự án cộng đồng của nhóm bạn trẻ tên Mẹt, được kết hợp với hội chợ thời trang Hanoi Square và các tổ chức tình nguyện sinh viên như Tình nguyện Niềm tin, 3R Hà Nội... Nhiều người cho biết, cuộc sống hiện đại dễ khiến họ quên đi phiên chợ quê với những lều lán lợp bằng rơm rạ, chõng tre, mà thay vào đó là những khu mua bán sầm uất được xây bằng bê tông, gạch ngói...
Phiên chợ... ký ức
Giữa phố phường náo nhiệt, phiên chợ này mang lại cảm giác thân thuộc cho nhiều người, toàn bộ các gian hàng đều gần gũi với thiên nhiên như các sản phẩm "quà quê": Nước chè, kẹo lạc, ổi, khoai, sắn; trên chõng tre là các cô thiếu nữ quần áo mớ bảy, mớ ba bán hàng...
Những hình ảnh này đã tái tạo phần nào không khí chợ quê truyền thống, giúp người xem sống lại những năm tháng đã qua, mang đến những trải nghiệm thú vị cho người đến tham quan. Các gian hàng được thiết kế như những chiếc hộp trên không, chợ chia làm hai khu vực rõ nét là phiên chợ truyền thống và phiên chợ thời đại, nhằm thể hiện sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại.
Quà quê được bày bán trong chợ phiên
Ban tổ chức cho biết, dự án "Chợ phiên" được bắt đầu "thai nghén" từ đầu tháng 8/2012 và đến tháng 2/2013 đã chính thức khởi động với sự kiện đầu tiên là "Chợ phiên trên không" bằng chủ đề: "Những mảnh ghép thời gian", nhằm đem lại cho người xem hình ảnh phiên chợ quê xưa với các gian hàng làm bằng tranh, tre, nứa, lá mang đậm dấu ấn văn hóa của làng quê Việt Nam. Đây sẽ là một cái nhìn rất khác dành cho các bạn trẻ và những người yêu văn hóa truyền thống Việt Nam trong một xã hội hiện đại.
Bắt đầu từ 9h sáng, chợ đã thu hút được nhiều người tham quan mua sắm, đặc biệt là các bạn trẻ, tạo không khí náo nhiệt cho chợ phiên. Các bạn trẻ đến đây thường đi theo nhóm với sự háo hức, tò mò về một buổi chợ mang đậm chất quê. Chợ xưa được tái hiện qua các gian hàng thiết kế bằng rơm rạ, mẹt, sạp hàng tre, qua quán nước bán chè xanh và chủ yếu bày bán các mặt hàng thủ công, đồ làm bằng tay như khăn, vòng, búp bê, đồ gốm... cùng đủ thứ quà, bánh ở chợ quê. Các mặt hàng được bày bán trên chiếu hoa, chõng tre, lều tranh, quang gánh, thúng hay sọt...
Anh Đặng Quốc Hoàn (phụ trách truyền thông của hội chợ) cho biết: "Chợ có tên là "Phiên chợ trên không" vì được tổ chức ở tầng 5 và 6 của trung tâm mua sắm Hanoi Square (52 Chùa Hà, Cầu Giấy). Chợ được hình thành từ ý tưởng muốn các bạn trẻ hiểu rõ hơn về các giá trị truyền thống như chợ phiên, văn hóa mua sắm "tự cung, tự cấp" của cha ông. Đây là lần đầu tiên phiên chợ được diễn ra tại Hà Nội nhưng chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ và những người thích nét văn hóa truyền thống. Trong một tháng, đã có gần 50 gian hàng đăng ký tham gia chợ phiên, đây là một động lực để chúng tôi tổ chức các phiên chợ khác".
Đang mua sắm trong "gian hàng 10K" , Trần Ngọc Bảo (sinh viên năm thứ ba, đại học Công đoàn Hà Nội) cho biết: "Lần đầu tiên, em và các bạn trong lớp được đến một phiên chợ độc đáo như thế này. Với thế hệ 9X như chúng em, khái niệm chợ quê, chợ phiên rất xa lạ, bởi những siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên quá nhiều đã làm mai một phiên chợ truyền thống ấy. Ở chợ có những gian hàng rất đặc biệt như "gian hàng 10K" này, tất cả sản phẩm trong gian hàng (quần áo, vòng đeo tay, túi xách…) đều có giá đồng hạng 10.000 đồng. Số tiền thu được sẽ góp vào chương trình từ thiện cho trẻ em ở trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội) và trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa...".
Trần Mai Linh, chủ gian hàng "Hoa giấy" bật mí: "Ngay từ khi biết thông tin có phiên chợ quê trong phố này, chúng em đã hào hứng tham gia, toàn bộ sản phẩm này là do chính các bạn trong nhóm tự thiết kế và thực hiện. Đây đúng là phiên chợ ký ức với những cảm xúc rất khác lạ. Vì được lớn lên ở phố nên những phiên chợ quê chỉ được chúng em hình dung theo lời kể của bà và mẹ nên những ký ức ấy rất xa, chưa đủ để bọn em có những kỷ niệm đáng nhớ. Tham gia "Phiên chợ trên không" này đúng là kỷ niệm đẹp khó quên...".
Anh Đặng Quốc Hoàn, người phụ trách truyền thông của hội chợ
Đi chợ được tham gia các trò chơi dân gian
Bà Lê Thanh Loan (trưởng Ban tổ chức phiên chợ) cho biết: "Đến Chợ phiên trên không, người mua, người bán cam kết không sử dụng túi nilon. Tất cả những mặt hàng sẽ được đựng trong túi giấy, bị cói, hoặc được gói trong lá chuối, lá sen giản dị, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ sản phẩm bao bì nào có hại cho môi trường. Đặc biệt, phiên chợ còn có gian hàng "Đổi đồ cũ" với mục đích khuyến khích các bạn trẻ nên sử dụng đồ tái chế. Hy vọng rằng, với phiên chợ này, các bạn trẻ sẽ có được những cảm nhận tốt về văn hóa truyền thống của Việt Nam".
"Phiên chợ trên không" còn có những gian hàng mang đậm nét văn hóa của người Việt như gian hàng bán nước chè, nước vối được đặt trên các chõng tre; gian hàng bán bánh đa, bánh đúc và những gánh hàng hoa được đặt cạnh lối đi, khiến cho không khí càng náo nhiệt và mang đậm nét xuân. Đặc biệt, ở phiên chợ này, các trò chơi dân gian như ô ăn quan, chơi chuyền, nhảy dây, nặn tò he... được tái hiện, thu hút nhiều bạn trẻ. Nhiều em nhỏ 5 - 6 tuổi được mẹ dẫn đi chợ vô cùng thích thú khi nhìn những hình ảnh ấy. Nhiều em còn được mẹ, được bà hướng dẫn chơi các trò chơi này…
Bác Trần Thị Vân (60 tuổi, trú tại phố Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Lâu lắm rồi, tôi mới được sống lại với những kỷ niệm ấu thơ. Ngày ấy, ở quê chỉ có những trò chơi như ô ăn quan, chơi chuyền, đánh đáo... trẻ con không có những trò chơi hiện đại như bây giờ. Những phiên chợ như thế này sẽ giúp giới trẻ hiểu hơn về thế hệ cha ông và trân trọng những gì mình đang có. Tôi tin, nếu hiểu rõ, những người trẻ này sẽ nối tiếp văn hóa truyền thống rất tốt…".
Không chỉ có những gian hàng bán quà quê, nhiều gian hàng còn diễn ra các hoạt động, đổi đồ cũ lấy đồ mới, thu hút nhiều bạn trẻ và người lớn tuổi. Nhiều bạn mang quần áo cũ, không sử dụng được để đổi những sản phẩm còn mới, hợp thời trang. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích những người trẻ có ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh, không vứt rác thải bừa bãi, mang lại một môi trường trong lành.
Tại gian hàng viết chữ thư pháp, ông đồ Nguyễn Văn Hiệp (70 tuổi) cho biết, năm nay ông vẫn ra "phố ông đồ" Văn Miếu (Hà Nội) để cho chữ, nhưng ban tổ chức đã mời ông về đây để tham gia gian hàng truyền thống. Theo ông, phiên chợ là một hoạt động ý nghĩa, mang lại giá trị nhân văn tốt đẹp cho những người trẻ và là điểm nhấn cho các hoạt động văn hóa mùa xuân này. Đến tham gia "Phiên chợ trên không", các bạn trẻ còn được mua vé của chuyến tàu "Tìm về quá khứ". Với chiếc vé ấy, các bạn trẻ sẽ được tham quan tất cả các "ga" trên hành trình và được thu thập chữ ký của các chủ "ga", đồng thời được tham dự chương trình ca nhạc do sinh viên Nhạc viện Hà Nội và các nhóm nhảy đang được giới trẻ ưa thích.
Bùi Ngọc Liêm (sinh viên trường đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: "Mặc dù sống ở quê nhưng ký ức của em về những phiên chợ quê không còn nhiều. Đến đây, em mới thấy, chợ được tổ chức quy mô và khoa học, giống như phiên chợ quê. Là những người trẻ, em cũng mong muốn có những "phiên chợ văn hóa" như thế này để không quên quá khứ và khi đến đây, em có thể tìm được sự cân bằng trong vòng quay xô bồ của xã hội hiện đại".
Sẽ tổ chức mỗi tháng một phiên Theo ban tổ chức chương trình, sau thành công của "Phiên chợ trên không" này, những người thực hiện chương trình dự định sẽ tổ chức mỗi tháng một lần để đưa văn hóa chợ phiên đến gần hơn với giới trẻ Hà Nội. Mỗi tháng, chợ phiên sẽ có các chủ đề khác nhau để nhiều người hiểu rõ hơn về nét văn hóa độc đáo của những phiên chợ đông vui, họp sau lũy tre làng ấy… |
Lạc Thành