Với đồng bào Dao, Tết không chỉ là dịp để gia đình quây quần, đoàn tụ sau một năm làm việc vất vả mà còn là dịp để mọi người thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính thông qua các tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên độc đáo.
Phong tục đón Tết sớm
Khác với người Kinh, Tết của người Dao Thanh Y tỉnh Lạng Sơn bắt đầu sơm hơn từ ngày 20 tháng Chạp. Các gia đình trưởng tộc tổ chức ăn Tết đầu tiên, sau đó mới đến các nhà thứ được ăn Tết.
Trong khoảng thời gian này, đồng bào khá bận rộn chuẩn bị mọi thứ cho năm mới như gạo, thịt, củi đóm… vệ sinh, trang trí nhà cửa ngăn nắp, may vá. Đặc biệt nhất là sắm quần áo mới để diện trong nghi lễ, đón xuân và du xuân trong những ngày Tết.
Người Dao Thanh Y quan niệm, Tết là sự khởi đầu, mừng cho một năm mới với nhiều may mắn, hạnh phúc và cũng là dịp để con cháu sum họp trở về ăn Tết. Với ý nghĩa tiễn năm cũ đón chào năm mới với nhiều điều ước sẽ đến trong năm mới. Những ngày này dù đi làm ăn xa hay con gái lấy chồng, người Dao Thanh Y đều trở về quê hương để đón ngày Tết. Họ quan niệm, ngày Tết là dịp để ông bà, tổ tiên được trở về gặp mặt các người thân trong gia đình…
Có lẽ, người Dao là dân tộc đón Tết sớm nhất trong các dân tộc ở Việt Nam. Việc đón Tết cũng là nét đẹp văn hóa mà hàng trăm năm nay, dân tộc Dao vẫn giữ được.
Những điều cấm kỵ trong ngày Tết
Trước khi Tết, người trưởng tộc sẽ đến báo các anh em trong họ đến nhà giúp để việc đón Tết cúng tổ tiên được thuận lợi. Bên cạnh đó, chủ nhà cũng phải nhắc nhở con cháu trước Tết không được vào rừng chặt cây hay săn thú vì đó là điều kị nhất ngày Tết. Đối với người Dao Thanh Y, Tết còn là ngày lễ quan trọng để nhớ ơn thần linh núi rừng.
Ngoài ra, người Dao Thanh Y còn quan niệm, vào sáng ngày Mùng 1 Tết, kiêng không ăn mặn, tháng Giêng kiêng không ăn trứng và vợ chồng không "gần nhau" vào ngày Mùng 1 và ngày Rằm.
Mâm cỗ cúng tổ tiên là thứ không thể thiếu trong ngày Tết của người Dao Thanh Y. Từ những nông phẩm gần gũi, thân thuộc như gà, lợn, ốc, gạo nếp và gạo tẻ…người Dao đã chế biến thành một mâm cỗ cúng rất giản dị mà lại ý nghĩa, là một cách để tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn.
Một điều đáng lưu ý, mâm cỗ của người Dao Thanh Y ở Lạng Sơn nhất thiết phải có gà luộc để nguyên không chặt, gan lợn, thịt lợn luộc, 1 bát ốc khe và 1 bát rượu. Gia đình nào khá giả có thể chuẩn bị thêm cá nướng. Thêm vào đó, 2 thứ bánh quen thuộc của người Dao trong ngày Tết này là bánh chưng gù và bánh tẻ. Gà, rượu thịt là những vật phẩm người Dao dâng lên tổ tiên bằng những con vật mà mình nuôi được, những vật mình làm được với ý nghĩa tổ tiên sẽ phù hộ những người trong nhà mạnh khỏe, mùa màng bội thu.
Người Dao Thanh Y rất coi trọng nghĩa nên trong mâm cỗ thường có thêm bát ốc khe luộc. Người Dao quan niệm, khi chủ nhà có cái ăn thì đầy tớ cũng được phần, và phần bát ốc khe giành cho đầy tớ, người giúp việc trong nhà. Bên cạnh mâm cỗ cúng là khay đựng tiền giấy tượng trưng cho thỏi vàng, thỏi bạc để cúng cho phúc lộc đủ đầy, gia chủ thịnh vượng.
Đặc biệt hơn, người Dao Thanh Y nơi đây còn quan niệm rằng, chỉ những người đã được làm lễ cấp sắc mới đủ tư cách làm chủ lễ cúng dịp Tết. Chủ lễ cầm kiếm và xin đài âm dương kính thỉnh tổ tiên về thụ hưởng cỗ tết, mong muốn tổ tiên phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, xua đuổi thói hư tật xấu. Khi tạ lễ, thụ lộc người Dao Thanh Y mời bà con họ hàng đến nhà nhau, cùng uống rượu và chúc tụng cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, chia sẻ những ước mong về một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Học chữ Nho đầu năm
Để giữ gìn văn hóa, mỗi dịp tết đến xuân về, các thầy cúng và các già làng thường tổ chức dạy chữ Nho đầu xuân cho con trẻ. Đây là nét văn hóa độc đáo, thể hiện truyền thống hiếu học, truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Dao.
Các thầy cúng và các già làng chia sẻ tới các học trò về nguồn gốc của chữ Nho, đây là chữ Hán được cải biên từ xa xưa. Bên cạnh đó, thầy sẽ kể câu chuyện nhân sinh giáo dục các học trò về đạo nghĩa làm người, chữ hiếu với cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng sắt son...
Song song việc chữ Nho, những người bà, người mẹ thì truyền dạy cho các bé gái kỹ thuật thêu trang phục truyền thống chuẩn bị cho hội làng. Nhờ đó khi lớn lên các thiếu nữ đều biết cách thêu những hoa văn trên yếm, đai lưng, mũ vải.
Trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y ngày thường cũng như ngày lễ, Tết đều rất bình dị với 2 màu đen, đỏ là chủ đạo. Riêng yếm trắng đeo trước ngực có hoa văn sặc sỡ được thêu tỉ mỉ. Họ gửi gắm vào từng đường kim mũi chỉ những khát vọng về đời sống ấm êm, hạnh phúc.
Các bản làng người Dao Thanh Y trong những ngày đầu xuân năm mới càng rộn ràng hơn bởi giọng hát giao duyên của trai gái. Lời ca tha thiết, tiếng hát trong trẻo hòa cùng hương sắc của đất trời sang xuân là bao tâm tình, nỗi niềm yêu thương của đôi lứa yêu nhau, là khúc ca lao động khỏe khoắn, là tình yêu quê hương làng bản. Trai gái diện những bộ váy áo truyền thống không chỉ gọi nhau đi chơi Tết, xuống hội làng mà còn cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian. Những trò chơi câu hát không chỉ làm cho ngày xuân thêm tươi vui mà còn mang biết bao ước vọng vào một cuộc sống tươi đẹp, niềm tự hào về nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Thủy Tiên