Độc đáo phong tục thờ cột cái của người Mông xứ Nghệ

Độc đáo phong tục thờ cột cái của người Mông xứ Nghệ

Hồ Văn Ngọc

Hồ Văn Ngọc

Thứ 6, 16/02/2018 10:00

Mỗi khi có việc đại sự trong gia đình, chủ nhà người Mông ở huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An sẽ thắp hương xin phép chiếc cột cái ở vị trí trang trọng ngay giữa nhà. Chiếc cột này tượng trưng cho những người đàn ông, trụ cột trong gia đình và được đồng bào người Mông hết sức coi trọng.

Ở chính giữa ngôi nhà của người Mông huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đều có một chiếc cột cái. Đây chính là nơi quan trọng nhất, nơi chôn nhau, cắt rốn của những người đàn ông trong nhà. Nếu gia đình không có cột gỗ, cột cái sẽ được thay thế bằng chiếc cọc tre. Đồng bào người Mông rất coi trọng chiếc cột này, nên cứ mỗi dịp lễ, Tết hay nhà có việc đại sự, nó sẽ là nơi làm lễ của người Mông. Đối với khách đến nhà không được tựa vào, không được chạm và tối kỵ nhất là không được đá vào chiếc cột cái đó.

Văn hoá - Độc đáo phong tục thờ cột cái của người Mông xứ Nghệ

Một góc bản làng người Mông ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. 

Anh Lỳ Bá Rùa (SN 1983), Trưởng bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Ở bản này, hầu như nhà nào cũng đặt cột cái hoặc cọc tre ở giữa nhà để làm lễ xin phép thần linh, khi gia đình có việc hiếu hỉ. Nó đặc biệt quan trọng khi chuyển nhà mới, dân bản sẽ nhờ trưởng tộc hoặc già làng đến để làm lễ bên chiếc cột cái của gia đình. Trưởng tộc chính là người được đồng bào Mông rất kính trọng. Mọi việc từ nhỏ đến lớn của các gia đình, các thành viên đều phải báo cáo với tộc trưởng. Nhiều việc hệ trọng như làm nhà, tổ chức lễ ăn thề, cúng ma, cưới xin phải có tộc trưởng mới tiến hành làm lễ được. Điển hình như việc dựng nhà mới, riêng cây cột cái, nơi chôn rau, cắt rốn của đứa trẻ sơ sinh (con trai) và sau này là nơi hồn ma nhà trú ngụ cũng phải do trưởng tộc chọn và dựng”.

Vừa đi làm rẫy về, anh Lỳ Bá Và (SN 1985), trú tại bản Huồi Đun vội vã mời khách vào nhà thăm chiếc cột thiêng liêng nhất của gia đình. “Chiếc cột này có từ khi gia đình tôi chuyển sang nhà mới. Nó rất linh thiêng và quan trọng như chính Xử Ca (bàn thờ gia tiên) của mình. Mỗi khi có việc đại sự trong nhà như ma chay, cưới hỏi, người nhà đi lạc, mất tích, mất trâu, bò, tiền bạc… thì mình lấy giấy đốt và xin chiếc cột cái này hoặc Xử Ca để tìm lại tài sản đã mất. Nếu sau đó tìm lại được những thứ mình đã xin thì gia chủ phải làm thịt một con gà, cơm, rượu và đứng ra làm lễ tạ lại chiếc cột cái”.  

Văn hoá - Độc đáo phong tục thờ cột cái của người Mông xứ Nghệ (Hình 2).

Anh Lỳ Bá Rùa chia sẻ với PV về cây cột cái trong nhà mình.

Để tìm hiểu rõ hơn về chiếc cột bí ẩn này, chúng tôi tìm gặp già làng bản Huồi Đun, Lỳ Sông Giờ. Vừa rót ấm chè đặc cho những vị khách lạ, già Giờ (SN 1967) vui vẻ cho biết: “Đồng bào người Mông ta nhà nào cũng thờ một chiếc cột cái, ai không có cột gỗ thì có thể tìm một chiếc cọc tre để thay thế. Mỗi khi gia đình có việc thì người Mông sẽ thắp hương, đốt giấy để xin ở bàn thờ gia tiên và chiếc cột cái. Đó là nơi quan trọng bậc nhất trong ngôi nhà đồng bào người Mông chúng ta. Nó là nơi chôn nhau, cắt rốn của những người đàn ông trong gia đình. Dù có sinh ở đâu thì nhau thai con trai cũng phải đưa về đây chôn xuống, con gái thì mang về chôn ở chân giường trong buồng. Lớn lên có làm to, làm bé hay đi xa đâu nữa cũng nhớ đến cái cột tre đó mà về với gia đình ông bà”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.