Rằng, người Kinh Bắc, người ta đang tìm cách để đưa quan họ đến với đông người nghe phổ thông, chỉ cần nhấc điện thoại "alô", người yêu quan họ sẽ được nghe chính liền anh, liền chị Mời trầu, Giã bạn.
Yêu nhau đứng ở đằng xa
Về thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), lòng vòng một hồi chúng tôi cũng tìm được Câu lạc bộ (CLB) văn hóa quan họ thôn Hòa Đình - nơi duy nhất hát quan họ qua di động. Tiếp chúng tôi trong một buổi chiều ngập nắng, ông Trần Văn Quyến- Chủ nhiệm CLB cười hồn hậu, trong một lần dẫn anh chị em trong CLB quan họ của làng đi biểu diễn ở trên tỉnh, ông gặp một người quen, làm công tác văn hóa ở một cơ quan Nhà nước. Sau một hồi nói chuyện, người này xin số điện thoại di động của ông rồi đặt vấn đề diễn xướng quan họ qua… điện thoại. Người này lý giải rằng đây là một cách để đưa quan họ về gần hơn với mọi người. Nhiều người dù rất yêu quan họ nhưng do ở quá xa, không có điều kiện về Kinh Bắc để nghe các liền anh, liền chị hát trực tiếp, do đó họ rất muốn nghe hát qua điện thoại. Nghe ra cũng có lý nên ông Quyến đồng ý đưa số điện thoại lên website cá nhân của người đó.
Các liền anh, liền chị đang hát quan họ
Chẳng phải chờ đợi lâu, đúng một tuần sau ông nhận được cú điện thoại đầu tiên của một người khách ở Bến Tre gọi ra xin được nghe liền anh, liền chị đất quan họ hát. Ông Quyến nhớ lại ngày có vị khách đầu tiên ấy và kể lại: "Đang ngủ trưa thì chuông điện thoại của tôi chợt reo, đầu dây bên kia xưng là một người ở Bến Tre, khi đọc thấy những dòng thông báo trên website nọ liền gọi điện đến để được nghe trực tiếp anh hai, chị hai hát. Tuy nhiên, vì lúc đó chưa chuẩn bị trước nên tôi đã hẹn người khách đến 20h hôm đó thì gọi lại. Cả buổi trưa hôm đó tôi mừng quá không ngủ nổi. Tôi liền dậy, đội nắng đi đến từng nhà hội viên trong câu lạc bộ để chia sẻ niềm vui.
Cũng từ đó, mỗi ngày ông tiếp không biết bao nhiêu cuộc điện thoại, gọi về từ khắp nơi, trong nước có, ngoài nước có chỉ để xin được nghe hát quan họ. Tuy nhiên, do ban ngày các liền anh, liền chị ở tản mát, mỗi người lo một công việc riêng, nên khách gọi điện đến nghe hát thường không thể phục vụ ngay được, mà phải hẹn đến tầm 20h trở đi của các ngày trong tuần, đó là thời điểm câu lạc bộ tập trung sinh hoạt và tập luyện. Các anh hai, chị hai sẵn sàng phục vụ bất cứ bài hát nào mà khách phương xa muốn nghe".
Lý giải cho một số điện thoại duy nhất được đưa lên mạng (0953296...), ông cười - cái gì đã thuộc về văn hóa thì phải quản lý, lỡ ai đó hát ngẫu hứng làm mất đi cái hồn cốt của quan họ. Hơn nữa, đã nghe quan họ phải là quan họ cổ do chính những anh hai, chị hai dân gian hát mộc - bằng không họ đã có thể bật băng Thúy Hường, Thúy Cải… Các bài hát thường được khán giả yêu cầu thường phổ biến, phần lớn là những bài thuộc giọng vặt như: Còn duyên, Giữa tối hôm rằm, Đêm qua nhớ bạn... hay những bài hát mang âm hưởng dân ca quan họ như: Tìm trong chiều hội Lim, Về quê, Gửi về quan họ...
An tình người quan họ
Ông Quyến cho biết, hát quan họ theo làn điệu cổ qua điện thoại chẳng phải là một dịch vụ thương mại hay dịch vụ văn hóa như một số lời đồn đại gần đây, bởi hát nhưng chưa thu tiền của ai bao giờ. Những người hát đều là những liền anh, liền chị nghiệp dư, thấy nhiều người yêu những làn điệu truyền thống của quê hương mình thì hát tặng, xem như tấm lòng người Kinh Bắc đáp trả ân tình đối với ai yêu quan họ. Vả lại, hát quan họ theo lối cổ là hát chay, không cần nhạc đệm nên mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều. Quan họ vốn là thú chơi tao nhã của người Kinh Bắc nên chẳng thể dễ dàng mang ra làm thương mại.
Hiện mỗi ngày có khoảng 50 cuộc điện thoại gọi đến CLB mong muốn được nghe hát quan họ. Trong đó, có khoảng 60% khách hàng là người ở nước ngoài gọi về như Mỹ, Canada, Anh, Pháp... nhưng vì khả năng hiện nay còn hạn chế nên CLB chỉ đáp ứng được một phần nào các cuộc gọi đó. CLB của chúng tôi chỉ hoạt động từ 20h đến 22h các buổi tối trong tuần.
"Nhiều khi khách gọi đến muộn quá, nhưng thấy người ta thiết tha, tôi lại lên sân thượng ngồi hát cho họ nghe. Có một chị ở TP.Hồ Chí Minh, sau khi mải mê nghe hát Đêm qua nhớ bạn đến nỗi hết cả tiền điện thoại, một lúc sau lại thấy chị gọi lại nói: "Bác ơi cháu vừa mới nạp tiền rồi, các bác hát cho cháu nghe thêm một bài nữa được không?". Những lần như vậy chúng tôi vô cùng xúc động vì biết rằng vẫn còn rất nhiều người yêu quan họ quê mình", ông Quyến tâm sự.
Đặc biệt, sau khi quan họ được UNESSCO công nhận, các cuộc gọi về yêu cầu ngày càng nhiều. Có lần, các chiến sỹ ở đảo xa gọi về, họ đã nghe một bài lại yêu cầu thêm bài nữa với giọng rất tình cảm như đang ở rất gần. Rồi sau đó, ông nghe tiếng họ ồ lên, chào các liền anh liền chị để đi làm nhiệm vụ. Rồi nữa, nhiều khách phương xa nghe xong đều ngậm ngùi khóc. Đó là những Việt kiều người ở Anh, người ở Nga đều là người quê vùng Kinh Bắc. Họ đều đã xa quê chừng 20 năm nhưng họ chẳng thể quên những lễ hội mùa xuân, lễ hội quan họ, chơi quan họ trên quê hương mình. Đã ngần ấy năm không nghe những làn điệu quan họ cổ, ở nước ngoài chỉ cần nghe tiếng người Việt mình đã quý chứ chẳng nói tới những giai điệu trực tiếp từ các liền anh, liền chị.
Mãi đi tìm...
Thời trai trẻ, ông Quyến chơi nhạc (đàn tam - loại đàn của người quan họ) và là chủ nhiệm CLB thông tin của tỉnh nên có cơ hội đi khắp các vùng quê Kinh Bắc. Vì quá yêu các làn điệu quan họ nên ông đã dày công thu thập các lời ca, các làn điệu. Người chơi quan họ sành điệu không chỉ hát hay, hát được nhiều làn điệu mà phải hát được nhiều bài lời cổ. Riêng CLB đã sưu tầm được 300 lời ca cổ và 200 làn điệu. Ông cho biết, quan họ vốn là những làn điệu mà ngay cả những nghệ sỹ dân gian - liền anh, liền chị tìm kiếm, đi hết đời người cũng không ai dám nói rằng mình biết hết, hiểu hết các làn điệu. Do đó ngay như ở Hòa Đình, còn 7 cụ tuổi từ 70 trở lên nhưng mỗi cụ cũng chỉ lưu giữ được vài làn điệu cổ.
Trong số 200 làn điệu mà ông Quyết sưu tầm được cũng đã có tới 50- 60 bài không giống nhau. Tuy nhiên, vì quan họ có một sức sống bền bỉ trong lòng dân, người vùng Kinh Bắc, từ già đến trẻ ai cũng hát được một vài làn điệu quan họ, vả lại ở tất cả 49 làng quan họ cùng với không gian văn hóa quan họ, con cháu đều có ý thức lưu giữ, nên không dễ thất truyền hay mai một theo thời gian. Tôi hỏi ông, tại sao quan họ không lấy nhau? Ông cười hóm hỉnh, các làng khi đã kết chạ thì các liền anh, liền chị sẽ không được phép lấy nhau. Vì không lấy nhau nên luôn nhìn thấy cái đẹp, để thương để nhớ suốt cuộc đời.
Sau một thời gian ra đời tại Hòa Đình, phong trào hát quan họ qua điện thoại đã bắt đầu lan rộng sang các vùng lân cận như: Hòa Long, Phong Khê... Không chỉ các bạn trẻ mà cả những cụ già tóc đã muối sương, miệng móm mém vẫn tràn đầy nhiệt huyết phục vụ khách yêu quan họ. Cụ Nguyễn Thị Yên (làng Hòa Đình), năm nay đã 92 tuổi nhưng còn khá mẫn tiệp và nhanh nhẹn. Cụ bảo giờ sức khỏe yếu lắm rồi, không còn hát hay được như ngày xưa nữa, nhưng thỉnh thoảng có khách muốn nghe quan họ cổ nên gọi vào số điện thoại của các con của cụ, cụ đều cố gắng giúp họ thỏa mong ước. Nhìn cụ, tôi như thấy cả một không gian và vời vợi chiều sâu văn hóa quan họ và những lễ hội mùa xuân, các liền anh, liền chị - lúng la lúng liếng…
Ghi chép của Phương Uyên