Không ai biết thú ngủ đò ở Huế có từ bao giờ. Có người lý giải, đây là nét văn hóa sinh ra từ thói quen dân dã của các cư dân sông nước, sinh sống trên những con sông của Huế. Hàng ngày họ vất vả mưu sinh cùng con nước, đến đêm lại thả hồn nằm ngủ trên những con đò, thảnh thơi với mây trời.
Cũng có người cho rằng, thú ngủ đò được giới nho sĩ khai sinh. Bởi, Huế xưa là đất kinh đô, là nơi gặp gỡ của bao mặc khách tao nhân trên mọi miền đất nước đổ về. Đó là những sĩ tử ngoài Bắc hay những vị công tử từ miền Nam, khăn gói về kinh mong muốn đổi đời bằng con đường hoan lộ qua nghiệp đèn sách. Đó là những quan lại tứ phương sống xa gia đình, về kinh tại chức. Đó cũng có thể là những cậu ấm, những bậc vương giả đất thần kinh mang tâm hồn lãng tử, thích phá bĩnh nhưng lại bức bối trong luân lý Nho gia... Tất cả họ tìm về thú ngủ đò như để tìm chút tự do, phóng khoáng cho thỏa nguyện chí tang bồng.
Thú ngủ đò trở thành một nét văn hóa của người dân đất kinh kỳ
Nghe nói, ngày xưa, nhà thơ Lưu Trọng Lư, thời trai trẻ vào kinh đèn sách, bỗng gặp rồi mê mẩn tiếng đàn nguyệt của người con gái Huế, thế là hai người rủ nhau xuống đò tâm sự thơ ca, đàn hát suốt mấy tháng trời.
Còn nhạc sĩ Văn Cao thì "ngủ đò" để đàn ca trong "một đêm đàn lạnh trên sông Huế":
Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi
Từng canh trời điểm một sao rơi
Tà tà trăng lặn hiu hiu gió
Ánh lửa chài xa thấp thoáng trôi...
Chính những đêm trên đò sông Hương ấy đã cho Văn Cao cảm hứng để viết nên những bản nhạc Sông Hương, Thiên Thai, Suối Mơ, Trương Chi...
Đò để ngủ ở Huế rất đặc biệt. Chúng được người Huế thiết kế tinh tế, tạo cho khách ngủ đò một thế giới riêng tư và kín đáo. Đò có