Khi được hỏi đến cửa hàng sửa hộp quẹt quý tộc Paul Sáng nhiều người đều biết đến nơi gốc vỉa hè số 88, đường Ngô Đức Kế (quận 1, TP.HCM). Nơi đây có một người đàn ông hơn nửa thế kỷ vẫn luôn ngồi cặm cụi để sửa những chiếc hộp quẹt quý tộc.
Cái nghề cần sự đam mê
Tôi tìm đến góc đường Ngô Đức Kế, nơi cửa hàng sửa hộp quẹt quý tộc độc nhất Sài Gòn. Nhưng theo chỉ dẫn của những người dân xung quanh thì cửa hàng đã được chuyển đến số 111, đường Trần Quang Khải (quận 1, TP.HCM) vì lí do mặt bằng.
Điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên là cái tên Paul Sáng đã được đổi thành GASTBY với dòng chữ nhỏ Paul Sáng since 1955. Nơi đây không chỉ sửa chữa mà còn mua bán các loại hộp quẹt Dupont, Cartier,… cùng các loại hộp quẹt khác.
Được biết chủ tiệm là ông Trần Văn Sáng (SN 1936) hay được giới dân chơi hộp quẹt gọi với cái tên Paul Sáng, năm nay đã ngoài 80 tuổi.
Lúc trước, ông Sáng làm thầy giáo dạy Pháp Văn nhưng có lẽ cũng vì cái tính tò mò và lanh lẹ nên cái nghề sửa hộp quẹt quý tộc nó đã gắn bó với ông như một người bạn không thể tách rời trong cuộc sống.
Năm 1955, với chính sự đam mê sửa chữa với những chiếc hộp quẹt, ông Sáng đã chọn góc đường số 88 Nguyễn Thiệp nay là đường Ngô Đức Kế (quận 1) cùng với một quầy nhỏ, một cái thùng chứa đồ nghề và 2 cái ghế để cho khách ngồi chờ khi đến sửa chữa hộp quẹt.
Những chiếc hộp quẹt Dupont mà được cho là quý tộc nhất trong số các hộp quẹt sành điệu từ thời trước tưởng chừng như không ai có thể sửa chữa chúng nhưng đối với ông Sáng thì có thể sửa được hết tất cả các loại hộp quẹt từ giá trung đến giá lên đến 1 cây vàng. Nhờ chính vào sự đam mê và uy tín trong nghề nên ông Sáng được nhiều người biết đến và tin tưởng những khi hộp quẹt mà bị hư đều tìm đến ông để sửa.
Đến giờ ông Sáng luôn nhớ mãi chính ông là người sửa hộp quẹt cho Tổng thống Ngô Đình Diệm của chế độ cũ. Nhờ vào chính tài năng của mình, ông đã được chính Tổng thống Diệm tặng cho một chiếc hộp quẹt Zippo có hình Tổng thống.
Cái nghề sửa hộp quẹt qúy tộc nhìn thì dễ nhưng khi làm thì rất khó bởi khi tháo ra những chi tiết của chiếc hộp quẹt đòi hỏi người sửa phải nhớ rõ từng bộ phận để có thể rắp thanh chiếc hộp quẹt giống như ban đầu.
Không những thế người sửa cần phải có đôi bàn tay thật khéo léo và nhanh nhẹn để đảm bảo các chi tiết hoàn toàn không bị móp méo. Kinh nghiệm cũng là một trong những điều quan trọng bởi có thế chỉ cần bật thử lửa của hộ quẹt thôi thì có thể đoán ra ngay được bệnh của nó.
Nghề cha truyền con nối
Cái nghề sửa chữa hộp quẹt của ông Sáng đã giúp ông nuôi được cả gia đình trong những năm trước, bởi thu nhập của nó mang lại khá cao.
Ngày nay, tuy quầy sửa chữa hộp quẹt Paul Sáng đã không còn nằm bên gốc vỉa hè đường Ngô Đức Kế (quận 1) mà thay vào đó là một của hàng đã được mở ra rộng rãi hơn trên đường Trần Quang Khải (quận 1) do người con trai của ông Sáng kế nghiệp lại - anh Phạm Thần Phong cùng với anh Mai Xuân Thắng (quê ở Hà Nội), một người cũng cùng đam mê với những chiếc hộp quẹt quí tộc.
Anh Phong cho biết, lúc trước khi anh bước vào nghề thì người anh trai của anh là Phạm Hoàng Long cũng nối nghiệp của cha mình. Nhưng sau đó do đi du học ở nước ngoài nên không thể tiếp tục gắn bó với nghề của gia đình.
Anh Phong cũng chia sẻ thêm về cái duyên đến với nghề sửa chữa hộp quẹt của cha mình: "Lúc trước hồi còn đi học phổ thông, anh thường hay ra phụ cha. Dần dần cũng thích tháo lắp nên cha anh cũng chỉ dạy lại cho anh.
Bắt đầu là các chi tiết nhỏ rồi dần dần anh cũng đam mê thật sự nên về nhà anh cũng luyện tập thêm cuối cùng anh cũng trở thành một tay sửa hộp quẹt quý tộc chuyên nghiệp kế nghiệp của cha để truyền lại".
"Mỗi chiếc hộp quẹt có cấu tạo và cái khó khác nhau nên thông thường 1 chiếc hộp quẹt được sửa nhanh nhất là mấy phút, lâu nhất là 2-3 tiếng đồng hồ. Và niềm vui của anh chính là khi sửa được những ‘bệnh mới’ của chiếc hộp quẹt, giúp cho anh trau dồi thêm kinh nghiệm cũng như tính tỉ mỉ, kiên nhẫn hơn khi làm nghề’.
Có thể thấy, những nghề xa xưa của Sài Gòn vẫn còn được gìn giữ đến tận bây giờ. Cái nghề mà những con người sống tại Sài Gòn xưa để mưa sinh như ông Sáng, mang đậm hình ảnh đầy thân thương và khâm phục về lòng đam mê cũng như yêu nghề thật sự.
Ngọc Nhiên