Trong hai ngày 27 và 28/9, hàng ngàn người đã nô nức kéo về làng Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) để tham dự lễ hội đặc biệt nhân dịp hóa Thánh của Đức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (13/8 âm lịch). Tại lễ hội, trò chơi "ném bưởi, bắt vịt" trở thành điểm nhấn, thu hút hàng ngàn người khắp nơi.
Nôỉí bật nhất là trò chơi ném bưởi và thi bơi bắt vịt, thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là các nam thanh niên bơi giỏi. Địa điểm diễn ra ở ngay tại ao chùa. Ban tổ chức thả 20 con vịt xuống hồ để người bơi đuổi theo để bắt. Trên bờ, người dân thi nhau ném hàng trăm quả bưởi xuống ao để đuổi cho vịt bơi tứ tán, "làm khó" những người đang bơi để bắt vịt dưới hồ.
Phía bờ hồ bên kia, nhóm thanh niên to khỏe vừa bơi vừa đuổi theo hai chú vịt. Tiếng kêu quàng quạc, tiếng vỗ cánh nháo nhác của đàn vịt càng như khiêu khích các đội tham gia. Sau hơn tiếng đồng hồ quần nhau dưới nước, 20 chú vịt đã bị tóm gọn. Đội thắng thua đã được phân định nhưng niềm vui lớn nhất của những người tham gia cuộc thi có một không hai này chính là đã tạo ra một không gian lễ hội truyền thống hiếm có ở một làng quê ven đô như Triều Khúc.
Trước đó, mở màn cho chuỗi trò chơi của lễ hội là cuộc thi đi xe đạp chậm. Đây là một trò chơi khá thú vị, bởi nếu chỉ đứng ngoài thì ai cũng nghĩ đơn giản nhưng thực tế đây là trò chơi rèn luyện tính kiên nhẫn cho người chơi. Chiếc xe đạp được xì hơi lốp trước, người tham gia không được đạp hết vòng. Do đó, để về đích thành công, người chơi không được nóng vội và đòi hỏi tập trung cao độ để giữ thăng bằng cho xe. Phần thưởng cho người thắng cuộc này là số tiền nho nhỏ cùng với một chiếc chổi, một chiếc khăn và bao thuốc lá. Giải thích điều này, cụ Triệu Khắc Đương (65 tuổi) cho biết, chiếc khăn là biểu tượng của nghề dệt truyền thống của làng, còn chiếc chổi được bện từ lông gà, lông vịt cũng là một nét đặc trưng riêng có của nghề thu gom lông gà, lông vịt của làng.
Một trò chơi khá độc đáo là thi chạy hóa trang. Có ba loại quần áo được đưa ra dành cho nông dân, bộ đội và công nhân. Người tham gia sẽ chọn một bộ bất kỳ, sau đó vừa chạy vừa mặc. Đội nào về đích sớm sẽ thắng cuộc. Điểm thú vị là những trang phục dự thi này là những trang phục truyền thống nên khá nhiều chi tiết rườm rà đòi hỏi người tham gia phải rất nhanh tay, nhanh chân mới có thể theo kịp.
Nếu như trong lễ hội, bên cạnh những hình thức trang trọng của phần lễ được mọi người tham gia với lòng thành tâm vô bờ thì phần hội bao gồm các hoạt động biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian thường là màn thu hút giới trẻ.
Mỗi năm, làng Triều Khúc có tới 14 lễ liên quan đến thờ cúng Đức Thánh Phùng Hưng. Trong đó, có ba ngày quan trọng nhất là: Ngày mồng 10 tháng Giêng là ngày Ngài lên ngôi vua; ngày 25/11 là ngày sinh của Ngài và ngày 13/8 là ngày hóa Thánh của Ngài. Theo tích xưa, Phùng Hưng thắng giặc, lên ngôi vua, xưng là Bố Cái Đại Vương. Sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ và suy tôn làm Thành Hoàng. Cứ ba năm một lần, làng mới tổ chức lễ chính rước sắc Thành Hoàng. Lễ hội là dịp để người dân tạ ơn thánh thần đã mang lại cuộc sống no ấm, an bình cho dân làng. Sau lễ rước sắc là lễ nhập tịch, cuối cùng là lễ tế giã rước Thánh hoàn cung.
Khi chúng tôi đến làng Triều Khúc, buổi tế lễ đặc biệt đang diễn ra, với 3 tuần tế tửu. Cụ cai Triệu Khắc Đương (65 tuổi) cho biết: Lễ tế này diễn ra hằng năm, nhằm tưởng nhớ công ơn Đức Thánh, đồng thời cầu Thánh ban cho dân làng ấm no, hạnh phúc. Trong các lễ hội này, ban tổ chức cũng chú trọng khôi phục các trò chơi dân gian theo đặc trưng của lễ hội truyền thống mang đậm nét nguyên sơ nhất, gắn với đời sống của người dân.
Vào những dịp lễ hội trang trọng như thế này, lễ phục của các cụ mặc là trang phục truyền thống, tuân thủ theo quy chuẩn cụ thể. Các cụ có tuổi thọ từ 80 tuổi đến 100 tuổi mặc trang phục truyền thống quần áo khăn đỏ, còn các cụ có tuổi thọ từ 70 tuổi đến 80 tuổi sẽ mặc trang phục truyền thống quần áo khăn xanh. Theo tục lệ làng Triều Khúc, người được bầu làm cai sẽ phối hợp cùng ban khánh tiết chủ trì các khóa tế lễ. Được biết, Triều Khúc là một trong số ít làng ven đô Hà Nội còn giữ lại nhiều nét đặc trưng cổ xưa, từ kiến trúc, đến văn hóa tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng và các nghề truyền thống...”.
Đức Kế - Tuệ Linh