Theo phong tục, khi bữa cơm được dọn ra, con, cháu lần lượt dành những lời cầu chúc cho bố mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi. Nếu ai phạm phải lầm lỗi thì đây cũng là dịp để nói lời sám hối.
Mâm cơm báo hiếu đấng sinh thành
Không biết tục giỗ sống có từ bao giờ, nhưng theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đinh Thanh Dự, hàng năm, cứ đến dịp trước Tết Nguyên đán (giữa tháng 11 âm lịch cho đến 25 tháng Chạp), người Nguồn lại rộn ràng chuẩn bị mâm cơm báo hiếu dâng lên cha mẹ. Đây là cái Tết đặc biệt được gọi là “Pơng cộ Tết” (bưng cỗ Tết) hay còn gọi là tục giỗ sống nhằm tỏ lòng hiếu thảo của con cháu đối với bậc sinh thành. Nói là con, cháu nhưng không riêng những người còn trẻ mà ngay cả những cụ già đã 60, 70 tuổi nếu còn bố mẹ thì vẫn làm tròn việc hiếu đạo là bưng cỗ Tết.
“Người Nguồn quan niệm rằng, cha mẹ mỗi năm mỗi tuổi, ngày càng già yếu. Khi cha mẹ còn sống thì phải chăm sóc ăn uống tươm tất, đến khi về với tổ tiên rồi thì có muốn báo hiếu cũng chẳng được nữa nên mới có tên gọi là giỗ sống. Hơn nữa, cuộc sống của người Nguồn trước đây vốn vô cùng cực khổ, quanh năm lấy bồi (bột ngô trộn với sắn rồi hấp lên) ăn thay cơm, thức ăn chính là ốc khe nên không thể phụng dưỡng đầy đủ cho cha mẹ. Có lẽ vì vậy, người Nguồn mỗi năm một lần, đều cố gắng làm một mâm cơm thật ngon để báo hiếu cho đấng sinh thành. Tục lệ này vừa thiết thực, vừa mang tính nhân văn sâu sắc”, ông Đinh Thanh Dự nói.
Trước đây, những người đông con thì nhận nhiều mâm cỗ báo hiếu; để không làm trùng nhau, các con phải họp bàn từ trước. Ngày nay, để tiện cho các con, bữa cơm báo hiếu thường được các gia đình làm chung một lần. Mâm cỗ có đầy đủ các món ăn của ngày Tết gồm: Một nồi cơm, 1 đĩa xôi, cặp bánh chưng, 4 hoặc 6 chiếc bánh giò (bánh nếp gói lá dong rừng, hình vuông, không có nhân), 10 chiếc bánh ít, con gà luộc, canh, thịt, cá kho.... Những món ăn ấy được sắp xếp thành một gánh, con, cháu trực tiếp gánh đến nhà mời ông bà, bố mẹ.
Nói về tục giỗ sống, ông Đinh Quý Hùng, một bậc cao niên ở huyện Minh Hóa giải thích: “Bất kể giàu, nghèo, nam, nữ, khi đã có gia đình thì người nguồn nào cũng tự giác thực hiện tục lệ này. Nếu không lo nổi bữa cơm tươm tất theo tục giỗ sống thì cả làng sẽ chê cười, năm mới sẽ không có tài lộc đến nhà. Thường thì mỗi dịp cuối năm, những người con trong gia đình sẽ tập trung tại nhà con trai trưởng, bàn chuyện mâm cơm báo hiếu đấng sinh thành, tổ chức làm sao để cha mẹ vui lòng”.
Bà Đinh Thị Hựu (SN 1953, ở tiểu khu 6, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa) có 7 người con đều đã lập gia đình. Hàng năm, cứ vào khoảng đầu tháng Chạp, các con của bà Hựu bắt đầu tụ họp đông đủ, làm cơm dâng lên cha mẹ và ông bà. Anh Đinh Xuân Vương (SN 1986, con trai bà Hựu) cho biết, ngoài những món ăn truyền thống của người Nguồn trong bữa cơm, các con còn làm các món mà cha mẹ thích ăn nhất.
Vì bà Hựu thích ăn món lóng truyền thống, nên từ sáng sớm, các con của bà đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu. Lóng được nấu từ cây chuối rừng băm nhỏ hầm với xương heo và các loại gia vị. Món này hầm lâu bao nhiêu thì hương vị ngon bấy nhiêu. “Thường ngày, mẹ tôi rất thích ăn món này nên các chị dâu phải đi chợ từ sáng sớm, tìm mua được cây chuối rừng ngon để nấu dâng lên mẹ. Sau khi mâm cỗ đã được chuẩn bị xong, các con sẽ bày riêng ra một mâm để mẹ bưng sang mời ông ngoại và một mâm đặt lên bàn thờ cho ba. Thắp hương cúng ba xong, con cháu mới bày mâm để mời mẹ và các bác”, anh Vương cho biết.
Theo phong tục, khi bữa cơm được dọn ra, con, cháu lần lượt dành những lời cầu chúc cho cha mẹ, ông bà sống lâu trăm tuổi. Nếu có ai phạm phải những điều làm ông bà cha mẹ buồn lòng trong năm qua thì đây cũng là dịp để nói lời sám hối. Xong phần nghi lễ trang trọng, con cháu sẽ xới cơm vào bát, lần lượt lấy thức ăn ngon gắp cho ông bà.
Tục lệ đẹp
Để lý giải về phong tục độc đáo này, người Nguồn ở huyện Minh Hóa, vẫn truyền tai nhau truyền thuyết về một người con trai nhất mực hiếu thuận với mẹ già. Theo những cao niên trong làng kể lại, xưa kia vùng đất của người Nguồn an cư rất nghèo. Có một người lên rừng đặt bẫy được con lợn to, đem về chọn những miếng thịt ngon nhất dâng mẹ già ăn với cơm thổi từ lúa rẫy mới.
Năm sau vào gần dịp Tết Nguyên đán, nhớ lại bữa cơm đầm ấm năm qua, mẹ già buột miệng thở dài: “Giá mà được ăn một bữa ngon như năm trước thì có nhắm mắt cũng thỏa lòng”. Vợ anh nghe được bèn kể lại cho chồng, vợ chồng thương mẹ nên lấy thóc giống còn lại đem giã gạo thổi cơm. Anh chồng đi câu cá ngoài suối, còn con gà cuối cùng đang đẻ cũng làm thịt nấu cho mẹ ăn. Lạ thay, mẹ anh dần dần khỏi bệnh và mạnh khỏe trở lại. Năm sau đó, cây lúa trên rẫy lại tốt tươi, mẹ anh lại vui vẻ bên đàn cháu. Dân làng nói, nhờ có sự hiếu thảo người con nên được trời đất phù hộ cho dân bản được mùa.
Tục ấy từ đó truyền lại đến ngày nay. Dù ông bà, cha mẹ không đòi hỏi, nhưng bổn phận con cái khi đã có nhà riêng, đã làm chủ được cuộc sống thì không thể bỏ qua lệ này. Nếu không lo nổi bữa cơm tươm tất theo tục giỗ sống thì cả làng sẽ chê cười, năm mới lộc tài sẽ chẳng ghé nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh truyền thuyết trên, trong một đợt điền dã nghiên cứu của mình, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ðinh Thanh Dự cũng được một cụ già địa phương kể rằng, ngày xưa có một gia đình tộc trưởng người Nguồn giàu có sinh được 2 người con trai. Người con trai út có tính tự lập cao nên khi lập gia đình, anh chỉ xin nhận tình thương yêu từ bố mẹ. Cảm kích trước nghị lực và tính tự lập của người con trai út, vợ chồng tộc trưởng đã cho gia đình anh lên núi cao để làm ăn.
Ở trên núi cao rừng thẳm, năm này qua tháng khác, vợ chồng người con trai út do bận làm ăn nên mối liên hệ giữa họ với gia đình cũng thưa dần rồi mất hẳn. Nhiều năm sau, khi đã ổn định cuộc sống, trong một lần gần Tết Nguyên đán, vợ chồng anh làm mâm cỗ mang về để giỗ bố mẹ vì nghĩ rằng họ đã khuất núi. Nhưng khi tìm về nhà thì vợ chồng người con mới ngỡ ngàng là bố mẹ của mình còn mạnh khỏe. Thế là mâm cỗ được bày ra, trước là để chúc thọ bố mẹ, sau là bữa cơm gặp mặt gia đình sau nhiều năm xa cách. Từ đó hằng năm, cứ gần đến Tết Nguyên đán, vợ chồng anh đều gánh cỗ về mời bố mẹ. Dân làng cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo ấy nên làm theo. Từ đó bưng cỗ Tết trở thành một phong tục truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng người Nguồn ở Minh Hóa.
Dù là cách giải thích như thế nào thì tục giỗ sống của người Nguồn vẫn có sức sống mãnh liệt. Các tộc người khác sinh sống trên địa bàn này và người dưới xuôi lên Minh Hóa làm ăn cũng học theo và về thực hiện với ông bà, cha mẹ của mình.
Ngô Huyền