Độc đáo xin lửa đêm Giao thừa thắp sáng 3 ngày Tết cầu may

Độc đáo xin lửa đêm Giao thừa thắp sáng 3 ngày Tết cầu may

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 6, 24/01/2020 07:00

Đêm 30 Tết hàng năm, đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân làng biển Cảnh Dương, sẽ rước ngọn lửa thiêng từ đình làng đưa về nhà mình thắp sáng trong suốt 3 ngày Tết. Người Cảnh Dương quan niệm, ngọn lửa mang ý nghĩa tượng trưng cho ánh sáng, sự may mắn và no ấm trong năm mới.

Gần 400 năm song hành cùng làng biển

Làng Cảnh Dương, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, vốn là một làng biển có truyền thống gần 400 năm. Người làng quanh năm đi biển nên cuộc sống lênh đênh khắp chốn. Tuy vậy, có một dịp mà cả làng tề tựu sum họp đó là lễ rước lửa đêm Giao thừa. Cho đến bây giờ, khi nói về tục xin lửa độc đáo của người dân làng biển Cảnh Dương, những người cao tuổi nhất trong làng cũng không nhớ rõ nó có từ bao giờ. Chỉ biết, từ thuở khai canh, ông cha họ đã đốt một đống lửa giữa làng để mọi người đến cung kính lấy về.

"Theo ghi chép làng biển Cảnh Dương được hình thành đến nay đã gần 400 năm. Chừng ấy năm, song hành cùng ngôi làng với bề dày lịch sử là sự trường tồn của các lễ hội văn hóa đặc sắc như: Lễ hội Cầu ngư, làn điệu hát ru... cùng tập tục rước lửa đêm 30 Tết. Đến nay, dù cuộc sống trải qua nhiều thăng trầm biến đổi, người dân làng biển Cảnh Dương chúng tôi vẫn gìn giữ, duy trì tập tục ấy như chính xương máu của mình vậy", một cao niên làng Cảnh Dương chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch hội Người cao tuổi xã Cảnh Dương cho biết, tục lấy lửa đêm cuối năm tại địa phương này bắt nguồn từ những ngày lênh đênh đánh bắt trên biển. Giữa những chuyến đi khơi xa dài ngày, các ngư dân rất khó giữ ngọn lửa, vì thế họ thường xuyên gọi bạn thuyền giữa sóng to, gió lớn để xin lửa.

Người Cảnh Dương quan niệm, ngọn lửa như vị thần mang lại ấm no hạnh phúc, nhất là trong những ngày đi biển. Tục lấy lửa chính là một tín ngưỡng tốt đẹp của bà con làng chài để kính nhớ tổ tiên, mang ánh sáng của những người đã khuất về độ trì cho con cháu trong năm mới.

Tục lấy lửa của bà con làng biển Cảnh Dương được thực hiện như sau: Vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, họ đốt một đống lửa to giữa làng rồi gọi mọi người đến lấy, xem như rước may mắn đầu năm về nhà. Cứ như vậy, tục xin lửa được thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau thực hiện.

Thực tế, trong hàng trăm năm qua, một số nghi lễ trong rước lửa đã được thay đổi theo hướng tinh giản cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, đến nay, tục lệ này vẫn giữ được những nét độc đáo đặc sắc riêng, không nơi nào có được. Trong ngày Tết, con em trong làng dù đi làm ăn xa, vẫn luôn đau đáu hướng về tục xin lửa đêm 30 Tết ở quê hương mình. Còn những người gốc làng biển, dù làm việc hay lập nghiệp cách đó hàng chục cây số vẫn sắp xếp thời gian trở về đoàn tụ cùng gia đình bên đống lửa thiêng của làng.

"Dù đi đâu, làm gì, thế hệ chúng tôi không ai bảo ai, cứ tối 30 Tết hàng năm, tất cả đều cố gắng sắp xếp thời gian về đoàn tụ bên đống lửa của làng mình. Cả năm tất bật với "cơm áo gạo tiền", đây là khoảng thời gian vui vẻ, ý nghĩa nhất của tất cả mọi người. Bên đống lửa bập bùng, gương mặt của tất cả mọi người đều ánh lên sự xúc động. Lúc đó, những người con xa quê, cả năm mới được gặp lại người làng, cứ quấn quýt, hỏi thăm về nhau không ngớt.

Giữa thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới ấy, ai ai cũng cầu mong cho gia đình, dân làng bước sang một năm mới đầy may mắn, sức khỏe và tài lộc; ngư dân có những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió, cá tôm luôn đầy khoang...", anh Nguyễn Hùng, một người con làng biển Cảnh Dương, hiện đang làm việc và sinh sống tại TP.Đồng Hới, xúc động chia sẻ.

Tin nhanh - Độc đáo xin lửa đêm Giao thừa thắp sáng 3 ngày Tết cầu may

Ngay khi chạm ngõ, ngọn lửa rước từ đình làng sẽ được người dân dùng để thắp những nén hương đầu tiên trong năm mới.

Xin lửa về nhà cầu mong một năm may mắn

Để nghi lễ xin lửa được diễn ra thuận lợi, công tác chuẩn bị được người dân làng biển thực hiện từ nhiều ngày trước đó. Theo người xưa truyền lại, không phải ai cũng được tham gia vào việc chặt củi cho ngày 30 Tết. Theo đó, cứ đến những ngày giáp Tết thì làng sẽ chọn ra những chàng trai khỏe mạnh nhất, chưa có gia đình lên rừng, đốn những gốc gỗ to, cháy đượm, khi lửa tàn sẽ cho ra những lớp tro trắng mịn nhất để đem về, chất thành đống trước đình làng.

Vào chiều 30 Tết, ban tế lễ do làng cử ra, gồm những cụ già cao niên nhất, có uy tín nhất làng cho chuẩn bị sẵn hương án trong đình. Khoảng 20h đêm, người dân lại tập trung đông đủ tại sân đình, nhà ít nhất thì có 1 người đại diện, đông thì có khi đi cả nhà. Tất cả mọi người cùng vây tròn quanh đống củi. Từng gia đình trong làng đã chuẩn bị sẵn vật dụng để rước lửa từ đình tổ về nhà. Đó có thể là một cây đuốc, nắm bùi nhùi, hoặc một chiếc hộp bên trong có cuộn vải tẩm dầu hỏa.

Đúng 22h, những người già trong làng sẽ làm lễ cúng thần linh, cầu may mắn, cầu cho những chuyến đi biển của người dân trong năm mới thuận lợi và xin được rước ngọn lửa từ đình tổ ra thắp ở sân đình. Thời khắc ấy, tất cả mọi người đều nghiêm trang thành kính hướng về tổ tiên, ông bà.

Đến 23h, một bô lão được lựa chọn trước đó có đầy đủ các yếu tố như "kinh tế lưỡng vượng, phu thê thông toàn, con cái đủ cả trai cả gái" sẽ thắp lửa và rước ra trước sân đình nơi có đống củi xếp sẵn. Đúng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người dân dùng dụng cụ lấy lửa của mình đến bên đống lửa giữa sân đình để châm lửa rồi rước ngọn lửa thiêng đó về nhà mình.

Dưới đống lửa bập bùng, từng khuôn mặt người dân làng biển hiện lên rõ mồn một. Dù sân đình hôm ấy người chật "như nêm", nhưng không hề có sự lộn xộn, chen lấn xô đẩy. Thay vào đó, lần lượt từng gia đình, theo thứ tự, sẽ tiến đến đống lửa, dùng dụng cụ lấy lửa của gia đình để châm lửa rước về nhà mình.

Cứ như thế, tràn ngập trên khắp các con đường là những ánh sáng nhấp nhô theo tay người trở về từng gia đình. Lửa thiêng đình làng về đến từng hộ dân trở thành tài sản tâm linh hết sức quý báu. Ngọn lửa từ bùi nhùi được châm cháy để nhen bếp nấu bánh chưng, nấu lễ dâng cúng tổ tiên. Ngọn lửa ấy cũng được gìn giữ suốt 3 ngày Tết để thắp hương bàn thờ, để mưu cầu tài lộc trong năm mới.

Chị Nguyễn Thị Thủy (39 tuổi) vui vẻ cho biết, năm nào gia đình chị cũng chuẩn bị củi từ chiều 30 Tết, và đợi chồng rước lửa từ đình làng về thắp hương bàn thờ, nấu bánh chưng, nấu nước uống cho 3 ngày Tết. "Với người dân làng biển Cảnh Dương, từ bao đời nay, ngọn lửa luôn mang đến niềm vui, sự may mắn, ấm no trong những chuyến ra khơi bám biển cũng như cuộc sống trong đất liền.

Phong tục đẹp ấy luôn được chúng tôi trân trọng, giữ gìn như báu vật của làng; giúp thế hệ trẻ luôn hướng về cội nguồn và cũng chính là sợi dây để người dân chúng tôi ngày càng gắn kết, tương trợ lẫn nhau, nhất là với nghề biển vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro giữa trùng khơi. Với ngọn lửa thiêng đêm Giao thừa, người dân làng biển Cảnh Dương tin tưởng, kỳ vọng một năm trời yên biển lặng cho những chuyến đi biển bội thu tôm cá", ông Nguyễn Văn Biểu cho biết.

Người dân Cảnh Dương cho rằng đưa được ngọn lửa lấy từ đình tổ về nhà, gia đình sẽ gặp may mắn cho vụ mùa ra khơi năm tới, con cháu ăn ra làm nên, học hành tấn tới, hạnh phúc thành đạt. Chính vì vậy, rước lửa thiêng từ đình làng về nhà đã trở thành tài sản tâm linh hết sức quý báu của người dân làng biển Cảnh Dương. Ngọn lửa này được gìn giữ suốt 3 ngày Tết. Đây cũng là nét văn hóa độc đáo của người dân ngôi làng biển có lịch sử hình thành gần 400 năm và là một trong bát danh hương của tỉnh Quảng Bình.

Ngô Huyền

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.