Từ chuột nội đến chuột... ngoại
Ít ai biết, món chuột đồng khoái khẩu của các quý ông trên bàn nhậu lại đa phần là "chuột ngoại", nhập từ nước bạn Campuchia. Chuột sau khi "về nước" thông qua đường tiểu ngạch, hầu hết sẽ được đưa về xóm sơ chế thịt chuột nằm cạnh con sông Phù Dật thuộc xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Vì thế, nơi ấp nhỏ này từ nhiều năm về trước đã nổi danh là "xóm chuột" miền Tây.
Giờ cao điểm tại một cơ sở sơ chế thịt chuột.
Mà nổi danh nhất phải kể đến "đại gia thịt chuột" Lê Văn Số (sinh 1972), ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Long. Gắn bó với con chuột 20 năm nay nên anh Số nắm rất rõ quy trình "đi" của chuột. Theo anh Lê Văn Số, khoảng tháng 2 đến tháng 3 âm lịch, chuột rộ nhiều nhất ở vùng Vĩnh Điều - Cà Mau. Mùa này, mỗi ngày cơ sở của anh Số "diệt" khoảng hơn 1 tấn chuột các loại từ chuột cơm, chuột cống nhum, chuột dừa... Giá cả chuột "tiền chế" dao động theo từng mùa và chịu ảnh hưởng tùy theo con nước.
Vào đầu mùa vụ, giá 1 kg chuột "tiền chế" khoảng 30.000 đồng đến 35.000 đồng. Nhưng đến khoảng đầu tháng 4, đến tháng 5 âm lịch là thời điểm "chuột hội" ở khắp các vùng đồng lúa miền Tây. Thời điểm này cũng là mùa "trúng mánh" của những người làm nghề săn chuột. Thợ "săn chuột" chỉ cần giăng lưới, đắp ụ và chỉ chừa một đường thoát, sau đó dùng cây vừa đập vừa la cho lũ chuột hoảng vía chạy tháo thân, rồi sa vào miệng lồng. Mỗi ngày, "thợ săn chuột" thu hoạch hàng trăm kg chuột.
Bà Lê Thị Gấu, 61 tuổi cho biết: "Hiện nay, có khoảng phân nửa người dân sống bằng nghề chuột. Nhà nào cũng có lưới và lồng bẫy chuột. Đàn ông, đàn bà và cả con nít đều biết "dí" chuột và biết làm món chuột 7 món: “Chuột nướng trui, chuột xé phay, chuột um, chuột kho, chuột hầm xả, chuột khìa và chuột nướng muối ớt. Nhờ con chuột mà dân địa phương không sợ thất nghiệp". Người săn chuột giỏi nhất xóm có thể kể đến ông Út Giang, ông Lừng, ông Sơn, ông Bình, vợ chồng chị Mai và anh Lúa. Vào mùa chuột rộ, trung bình mỗi người có thể "thu hoạch" 30kg chuột/ngày. Những người săn chuột giỏi không chỉ quanh quẩn ở những cánh đồng nhà mà họ còn đi "lùng sục" ở khắp nơi từ các cánh đồng ở Đồng Tháp, Kiên Giang, Cần Thơ...
Kết thúc mùa săn chuột, những thợ săn chuột lại cất lồng, cất lưới để trở về nhà làm... thịt chuột mướn. Vì thời điểm các tháng 5, 6, 7, khi chuột ở Việt Nam "hút hàng" thì cũng là lúc chuột ở nước bạn Campuchia "nhập khẩu" qua Việt Nam bằng đường tiểu ngạch.
Mỗi ngày, hàng trăm tấn chuột từ Campuchia được thương lái Việt Nam ở Vĩnh Gia, Vĩnh Điều, Tri Tôn thu mua, rồi sau đó đem bỏ mối lại cho các cơ sở chế biến chuột ở xã Bình Long. Chính vì chuột của Campuchia lông vàng, không mượt lại có mùi hôi nên giá rẻ hơn chuột Việt Nam khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg. Vả lại, chuột ở Campuchia phần nhiều là chuột cống nhum, trong khi đó người tiêu dùng ở Việt Nam, nhất là các quý ông lại chuộng thịt chuột cơm hơn...
Nhân công "nhí" Lê Hiến Dương vui vẻ khoe thành tích đập chuột.
Cả làng sống khỏe nhờ... chuột
Chúng tôi đến "xóm chuột" đúng vào giờ cao điểm, người dân ở đây đang gấp rút hoàn thành các công đoạn sơ chế thịt chuột để kịp nghỉ ăn trưa. Thông thường, chợ chuột sẽ bắt đầu tấp nập từ khoảng 10h sáng rồi cứ thế hoạt động cho đến 8 - 9 giờ tối. Sau khi các xe tải chở chuột đến xóm, thanh niên trai tráng sẽ phụ trách việc dỡ các lồng chuột từ trên xe xuống chất vào chỗ mát. Lồng chuột được đan bằng lưới mắt cáo, mỗi lồng chứa được khoảng 20 - 30kg chuột sống. Người bắt chuột dùng chiếc chổi làm bằng cọng dừa cứng quét và chằm liên tục vào lồng chuột để chuột nhừ, yếu sức đi rồi bắt ra, cân kí để đem vào sơ chế.
Quy trình sơ chế chuột cũng đòi hỏi lắm công phu. Chuột được sơ chế theo dây chuyền, mỗi công đoạn sẽ có 2 - 3 người chuyên môn cùng làm. Bắt đầu là công đoạn đập chuột, việc này thường do các cậu bé hoặc nhân công nam làm. Kế tiếp sẽ có người sơ chế các bộ phận như móng chân, đuôi, miệng... Sau đó, chuyển sang rạch da rồi đến lột da. Chuột được lột da xong được chuyển sang công đoạn rạch bụng, rút ruột. Đến khi đã sơ chế sạch sẽ, thịt chuột được xếp cẩn thận vào túi có đá lạnh bào nhỏ để bảo quản. Thịt chuột thành phẩm được chuyển xuống thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang rồi từ đây tỏa đi khắp nơi như Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và đến cả Đồng Nai, TP.HCM...
Trên đoạn đường đất dẫn từ quốc lộ 91B vào xóm chuột ấp Bình Chánh dài chỉ khoảng mấy trăm mét mà chúng tôi đã thấy đến 4 - 5 cơ sở sơ chế thịt chuột. Theo người dân ở đây, chỉ riêng tại ấp Bình Chánh đã có đến mười mấy hộ thầu chuột sống về sơ chế. Còn toàn xã Bình Long có khoảng hơn 30 cơ sở sơ chế thịt chuột. Mỗi cơ sở như vậy thường thuê từ 10 - 20 nhân công để thực hiện các công đoạn sơ chế thịt chuột như đã nêu ở trên. Bất kể già trẻ lớn bé trong làng, không câu nệ tuổi tác, cứ ai lành nghề là sẽ được thuê làm việc.
Nhân công "nhí" Lê Hiến Dương (12 tuổi) chuyên đập chuột cho biết, từ rất nhỏ em đã theo cha đi "mần thịt chuột", hiện tại cha em cũng đang làm cho một cơ sở khác cách nơi Dương làm khoảng mấy căn nhà. Dương chia sẻ: "Mỗi ngày, em đi làm ở mỗi cơ sở được 40.000 đồng tiền công. Làm đến khi nào hết chuột thì thôi, thường thì nhà này khoảng 600 kg, làm khoảng 4 tiếng là xong. Em nghỉ ngơi rồi chạy đi làm ca khác cho nhà khác. Mỗi ngày kiếm được khoảng 80.000 - 100.000 đồng".
Cả nhà chị Võ Thị Bé Ba (sinh năm 1969) cũng sống nhờ vào nghề làm thịt chuột thuê. Cứ mỗi buổi sáng chị cùng con gái là Lê Thị Thúy An (18 tuổi) đến cơ sở nhà ông Lê Văn Số để làm việc. Còn chồng chị và đứa con trai cũng làm thuê ở cơ sở sơ chế thịt chuột khác. Làm xong việc tại nhà ông Lê Văn Số, cả nhà chị Bé Ba cùng về ăn cơm chiều rồi lại chia nhau đi làm ca mới. Mỗi ca như vậy, một người được trả 50.000 đồng. Cứ như thế tiền công một ngày của cả gia đình gộp lại theo chị Bé Ba là ... "dư sức sống khỏe".
Còn bà Nguyễn Thị Tư (sinh năm 1947) có thâm niên "mần chuột" hơn 30 năm nay cho biết: "Mần chuột riết thành quen, công việc cũng nhẹ nhàng, ngồi trong mát mà tiền công cũng kha khá nên hầu hết làng này ai rảnh rỗi là đi mần chuột hết. Làng tui mấy chục năm qua cũng nhờ con chuột mà dân trong xóm có công ăn việc làm, thu nhập và cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn hẳn".
Hàng ngày cặp theo con sông Phù Dật, khoảng 9h sáng, khi các xe tải chở chuột từ biên giới về, các công nhân ở các ấp trong xóm lại kéo đến chuẩn bị "trảm" chuột. Từ sáng đến tối, xóm chuột rộn ràng tiếng chuột kêu, tiếng người cười nói tạo thành một cái chợ chuột ồn ào thứ thanh âm sung túc. Nhớ lại cái thời cả xóm từ già đến trẻ dắt nhau ra đồng "đuổi chuột", "đại gia chuột" Lê Văn Số kể, lúc trước vợ chồng anh làm nghề thu mua cá đồng ở các tỉnh lân cận, nhưng một thời gian thấy làm cá không có ăn nên chuyển sang thu mua chuột lẻ từ những người săn chuột. Dần dà, thấy nghề thu mua chuột có ăn, lại nhàn hơn những công việc khác nên hai vợ chồng quyết định sống bám vào "con chuột". Đến giờ, gia đình anh Số đã có thâm niên hơn 20 năm hành nghề "buôn chuột". Và ngót nghét đã hơn 50 năm nay, không chỉ riêng "đai gia thịt chuột" Lê Văn Số, mà hầu hết người dân xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vẫn đang sống khỏe nhờ... chuột.
Ông Nguyễn Phước Hoàng Hồ - kỹ thuật viên thú y xã Bình Long cho biết: "Vì có yếu tố "chuột nước ngoài" được nhập về từ Campuchia theo đường tiểu gạch, tự phát nên chính quyền xã Bình Long rất chú trọng đến vấn đề dịch bệnh và vệ sinh giết mổ. Do đó, chúng tôi thường kiểm tra hàng tuần, hàng tháng những cơ sở kinh doanh chuột và đến nay vẫn chưa hề xảy ra trường hợp nào bị nhiễm bệnh từ chuột...". |
Hồ Huyền - Ngọc Giàu