Anh Nguyễn Hữu Việt nói với phóng viên Người đưa tin chiều ngày 30/9, 'sau khi đọc các bài mà báo Người đưa tin nêu, tôi thấy cần phải đưa sự việc này đến những cơ quan pháp luật để xử lý, cần phải xử lý nghiêm minh những người làm công tác quản lý nơi đây.
Tôi hiện nay cũng đang sống trên địa bàn của thị xã Bỉm Sơn, nhưng không hiểu ở đây lại có cách quản lý lỏng lẻo dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng như vậy' – anh Việt bức xúc.
Môt độc giả khác là anh Nguyễn Văn Dương ở Nga Sơn (Thanh Hóa) nói với phóng viên, cần phải xem xét trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân, những người trực tiếp gây nên những mất mát và đau thương cho người dân địa phương ở sống tại khu phố 6, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
Hậu quả mà ngành điện ở địa phương nói trên gây ra cho người dân không thể xem nhẹ. Cần phải được đưa sự việc ra ánh sang, lấy lại sự bình yên cho nhân dân - anh Dương tiếp lời.
Điều đáng nói ở đây là, hàng chục hộ dân đang “oằn mình” sống dưới đường điện cao thế 35KV, bất chấp việc liên tục có người bị thương, thậm chí tử vong, cuộc sống của họ bị đe doạ hàng ngày.
Em Đỗ Ngọc Anh 14 tuổi đã trải qua 4 lần khoan sọ não, 1 lần cấy ghép da tại Viện bỏng Trung Ương sau khi bị đường điện cao thế 35KV giật (ngày 25/7/2013).
Trả lời báo chí bà Quách Thị Tâm, Phó chủ tịch UBND phường Bắc Sơn thừa nhận xẩy ra nhiều trường hợp điện giật chết người. Tuy nhiên, lãnh đạo phường không báo cáo hiện trạng gửi UBND thị xã Bỉm Sơn, mà cố tình cấp giấy phép cho người dân tự do xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện cao thế. Thậm chí lãnh đạo phường còn tìm cách hợp thức hóa những mảnh đất này bằng việc liên tục có văn bản đề xuất UBND thị xã Bỉm Sơn cấp sổ đỏ.
Trong khi đó điện lực Thị xã Bỉm Sơn: Dù biết rõ những hộ dân đang sống dưới đường điện cao thế là sai quy định, nhưng vẫn không báo cáo hiện trạng để UBND thị xã Bỉm Sơn có biện pháp xử lý là vi phạm quy định về “Bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp” (Khoản 1, Điều 10 của Nghị Định 106/2005/NĐ-CP (17/8/2005)). Là cơ quan quản lý điện trên địa bàn, việc ông Nguyễn Văn Thành, trả lời không biết thông tin về các vụ người dân bị điện giật là chối bỏ trách nhiệm bởi theo quy định, hàng năm ngành điện đều phải thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra an toàn lưới điện. Hơn nữa người dân sử dụng điện hàng ngày, mua điện và nộp tiền điện hàng tháng… Do vậy không thể nói ngành điện không biết là cố tình chối bỏ trách nhiệm. Mặt khác, công tác kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng đường dây theo quy định không được Điện lực Bỉm Sơn thực hiện triệt để (từ 2012 đến nay chỉ 1 lần đôn sắt, nâng cao đường dây 35KV).
Trong khi chúng tôi đang thực hiện những bài viết phản ánh về vụ việc nói trên thì vào lúc 16h ngày 24/9, trên địa bàn Thị xã Bỉm Sơn lại xảy ra trường hợp người dân tử vong do điện giật. Nạn nhân là anh Vũ Văn Bộ, sinh năm 1984, trú tại xóm Nghĩa Môn, phường Lam Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa).
Theo người nhà nạn nhân, nguyên nhân dẫn tới tử vong là do gia đình anh Bộ muốn chuyển công tơ về cột điện gần nhà, nhưng gọi điện thông báo cho Công ty Điện lực Bỉm Sơn thì không thấy nhân viên xuống xử lý, vì vậy nạn nhân đã tự mình đấu nối và bị điện giật chết tại chỗ.
P. Chính