Nghe nói chuyện tổ chức đám tang thời hiện đại lắm chuyện bi hài chúng tôi tìm đến địa chỉ 129 Phùng Hưng (Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vừa đến nơi, hỏi về các dịch vụ tang lễ, cô nhân viên ở đây mang ra một quyển hóa đơn kèm một loạt các “gói” cơ bản mà cửa hàng cung cấp. Mở cuốn sổ ra, từ xe hoa đến các đồ khâm liệm như tiền chinh, tổ tôm, gối đầu lưỡi…đều được cô chỉ tay giới thiệu cụ thể. Khi chúng tôi hỏi sâu hơn về những dịch vụ mới mẻ hơn thì nhận được cái nhìn dò xét cùng câu trả mang tính chất thăm dò của cô nhân viên tên Trang. Cô nói: “Hai chị muốn cụ thể như thế nào thì cứ mô tả ra rồi cửa hàng chúng em sẽ đáp ứng hết”.
Cận cảnh một đám tang được bài trí cầu kỳ
Đám tang không “đụng hàng”
Nhận thấy sự “cảnh giác cao độ” của cô nhân viên, người đồng nghiệp đi cùng tôi kể lể hoàn cảnh: “Thật ra, chúng em cũng không biết gì nên mới đến đây nhờ chị tư vấn. Chẳng là, mọi quyền quyết định tổ chức đám cho cụ cố ở nhà thế nào đều do bà thím dâu vốn có tính “đồng bóng” quyết hết. Bà quan niệm, đám ma cho cụ phải làm hoành tráng, khác người để cụ ở dưới âm sẽ “ấn tượng” với lòng thành của con cháu mà đi theo phù hộ”.
Tỏ vẻ thông cảm với “kịch bản” mà chúng tôi đang dựng lên, cô nhân viên có vẻ cởi mở hơn. Đầu tiên cô tư vấn về việc trang trí bàn thờ. Ngoài cách bài trí theo nghi lễ truyền thống với bát hương, hương, nến, hoa quả, chén nhỏ để đựng rượu và nước, nhân viên ở đây còn tư vấn những vật dụng cầu kỳ hơn.
Bán nhà cửa để lo tang ma cho hoành tráng Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Quý Đức, Viện Văn hóa Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Không phải cứ làm tang lễ hoành tráng thì con cháu được nhiều lộc. Đó là một tâm lý tín ngưỡng duy tâm chẳng ai chứng minh được. Đã đến lúc phải ngăn ngừa một xu hướng có thể lây lan ra toàn xã hội. Tôi được biết có không ít gia đình bán hết cửa nhà đi lo tang ma. Nhưng rồi kinh tế suy giảm chứ chẳng phát triển lên. Bây giờ, những lễ nghi mới xuất hiện, lễ nghi cũ trỗi dậy làm tang ma quá rườm rà. |
Trang bảo: Lớp trong phải là chiếc bàn thật lớn cao khoảng 1m, dài 2m và rộng 1m để bày đồ cúng, bài vị hay ảnh thờ. Trên bàn có hai chiếc mâm đặt phía trong. Mâm to đựng đồ cúng gọi là mâm cỗ, mâm nhỏ bày hương, hoa trong ngày cúng hay giỗ. Ngoài ra, có thể trang trí thêm đồ vật như hoành phi, câu đối... vào chính giữa bàn thờ hoặc hai bên. Lớp ngoài gọi là Hương án… Nhiều nhà cầu kỳ còn yêu cầu bàn hương án thay bằng tủ thờ đóng theo kiểu dáng tủ thờ Gò Công, chạm trổ công phu. Tuy nhiên, mức giá cũng khá cao, khoảng 12 – 17 triệu đồng/chiếc.
Chúng tôi đến cửa hàng dịch vụ tang lễ ở Hà Nội tên Ngọc Thúy, chị giới thiệu: “Chúng tôi cung cấp kịch bản đám tang không “đụng hàng” với bất cứ đám nào”. Nói chuyện với PV, chị Thúy kể, càng ngày thân nhân người chết tìm đến dịch vụ đám tang càng có nhu cầu cao. Theo đó, kịch bản tổ chức tang lễ phải độc, lạ, không “đụng hàng”. Tháng trước, có một người đến cửa hàng đặt đồ tang cho người thân đã từng sống ba năm bên Hàn Quốc. Vì yêu văn hóa Hàn (theo lời kể người thân) nên đám tang nhất nhất phải tổ chức theo hơi hướng đó. Tông sân khấu là phải màu trắng và một chút đen, những nhân viên phục vụ, tiếp đón cũng phải vận bộ đồ tang lễ của người Hàn. Ngay cả đến đồ ăn cũng toàn là sushi, bánh kẹo có chữ Hàn. Hơn nữa, nhạc trong đám tang cũng phải là bài hát của xứ kim chi.
“Trước khi đặt hàng, gia chủ còn hỏi cửa hàng rằng, trước dây công ty đã tổ chức đám tang theo nghi lễ Hàn Quốc cho ai chưa? Nếu có rồi thì kịch bản lần này phải làm khác, tuyệt đối không được đụng hàng vì ông cụ quá cố khi còn sống rất khó tính. Lo hậu sự mà ẩu, cụ không phù hộ cho con cháu sau này thì nguy lắm!”, bà chủ cửa hàng Ngọc Thúy cười cho biết.
Khảo sát một vài địa chỉ cung cấp dịch vụ tang lễ tại Hà Nội, PV Người đưa tin được biết, hầu hết các địa chỉ này đều phục vụ từ A tới Z với những nghi thức tang lễ kiểu Tây, Tàu...Các công đoạn như tắm rửa, trang điểm tử thi, mặc quần áo cho tử thi, liệm, nhập quan, trống kèn…đều được phía dịch vụ tang lễ đảm nhiệm. Hiện nay, khi tìm đến các dịch vụ tang lễ, các gia đình còn tả về công việc thời trẻ của người quá cố, về những sở thích để phía dịch vụ tang lễ lên kịch bản cho khớp. Đôi khi, ngoài các dịch vụ sẵn có theo quy trình, họ còn cung cấp dịch vụ tang lễ còn sáng tạo thêm dịch vụ theo mong muốn của gia chủ.
Trao đổi với PV Người đưa tin, một nữ nhân viên tại cửa hàng dịch vụ tang lễ 129 Phùng Hưng cho biết, có nhiều gia đình muốn làm đám tang hoành tráng thì thuê cửa hàng thêu bốn cặp câu đối bàn thờ. Tuy nhiên, chỉ những gia đình đặt trước 4 – 5 ngày cửa hàng mới thêu kịp. Chênh nhau về giá tiền và độ sang trọng giữa các đám tang chủ yếu là về giá áo quan, xe tang và cách bài trí đám tang.
Dịch vụ tang lễ kiêm môi giới thầy bói
Tỏ ý thắc mắc về việc chưa biết nên chọn cử hành tang lễ cho người nhà sao cho sau này được phù hộ nhiều lộc, được ăn lên làm ra, anh T. tỏ ra hào hứng: Chuyện đó không thành vấn đề. Chỉ sợ gia đình không có nhu cầu chứ dịch vụ bây giờ không thiếu. Cửa hàng chúng tôi có hầu riêng “cậu” Bảy để xem việc này cho khách hàng. Các chị cứ yên tâm, “cậu” Bảy đã phán thì miễn bàn. Tháng trước có mấy gia đình tìm đến cảm ơn, biếu tiền vì được người âm phù hộ. Chi phí cứng cho mỗi một kịch bản đám tang là 5 triệu đồng còn phía gia đình muốn biếu “cậu” bao nhiêu cửa hàng không can thiệp.
Để tìm hiểu về dịch vụ này, PV Người đưa tin liên lạc theo số điện thoại của “cậu” Bảy. Đầu dây bên kia vang lên một giọng đàn bà sắc lẹm: “Thế muốn sau này người âm phù hộ thế nào, giàu sang dư giả hay chỉ đủ xài?”.
Khi PV ngỏ ý nhờ vả "cậu” giúp đỡ để sau này con cháu được ăn lộc, người này nói liên hồi: “Trần muốn sao thì phải làm cho âm như vậy. Muốn giàu có thì đám tang phải được tổ chức theo nghi thức vua chúa hoặc theo kiểu của Tây. Quan tài ít nhất phải thuê loại gỗ Cẩm Lai. Khuôn hòm thì nhờ phía tang lễ tìm loại làm bằng gỗ Giáng Hương giá chừng hơn 100 triệu đồng. Xe hoa có thể thuê loại 5 tạ - 1,2 tấn cùng với đội bê quan tài, đội bê hoa đồng phục vest đen. Đó là những khoản lớn, còn kịch bản đám tang thì gửi cho “cậu” thông tin về người quá cố. “Cậu” sẽ xem và thảo cho phù hợp”.
Sau đó, “cậu” Bảy giới thiệu, các dịch vụ bên phía công ty của anh T. đủ cả. Khi nào gia đình tới trao đổi trực tiếp và thỏa thuận giá cả, “cậu” sẽ khấn vái và chốt nghi thức cử hành tang lễ.
Trao đổi với PV Người đưa tin về những dịch vụ mới lạ trong đám tang, Đại đức Thích Thanh Nguyện – sư chủ trì chùa Linh Ứng (Từ Liêm, Hà Nội) nêu quan điểm: Nhiều phong tục về tang lễ là nét truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc, chúng ta nên giữ. Tuy nhiên, theo quan điểm nhà Phật, đám tang nên làm nhanh, gọn và đơn giản, không nên chi cả mấy chục triệu đồng chỉ vì loại áo quan xịn, loại xe sang. Cốt là ở cái tâm của người còn sống.
Theo Đại đức Thanh Nguyện, hiện nay nhiều đám tang bị gia chủ cố tình kéo dài từ 3 – 5 ngày. Thậm chí có gia đình còn mời cả một đoàn các “thầy cúng” đến làm lễ mấy ngày đêm. Đây là việc không nên làm. Những tục lệ như để người mất ba ngày trong nhà, tổ chức ăn uống linh đình nên bỏ đi. Nhà Phật cũng không ủng hộ việc nhiều gia đình làm tang lễ cho người mất theo kiểu Tây, như thế e rằng cái văn hóa dân tộc, hồn dân tộc sẽ bị mai một.
Tổ chức đám tang bằng bàn thờ mạ vàng Tại một cửa hàng dịch vụ tang lễ trên phố Tôn Đức Thắng (Q.Đống Đa, Hà Nội), khi chúng tôi ngỏ ý muốn thuê dịch vụ trọn gói tổ chức tang lễ cho cụ cố một cách hoành tráng, chủ cửa hàng tên T. vồn vã: “Trọn gói dịch vụ căn bản là 50 triệu đồng theo barem, chưa tính đến các yêu cầu riêng của gia đình. Chúng tôi vừa mới tổ chức một đám tang theo nghi thức Tây cho một cụ bà từng sống tám năm ở Mỹ. Cửa hàng cung cấp dịch vụ làm bàn thờ ba tầng, mạ vàng lên mặt bàn. Kèn dùng trong đám ma là kèn đồng chứ không phải kèn sắt thông thường. Giá riêng cho dịch vụ kèn này từ 10 – 12 triệu đồng. Áo quan sau khi được gắn hoa tùy theo yêu cầu gia chủ thì chi phí chừng 18 triệu đồng. Cửa hàng cũng phục vụ những chiếc xe tang gắn hoa”. |
Tuệ Linh - Yến Dương