Độc, lạ đốt gỗ tự nhiên vẽ tranh

Độc, lạ đốt gỗ tự nhiên vẽ tranh

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Vẽ trên gỗ không lạ nhưng đốt để thành nét vẽ thì lạ và độc.

Ngô Văn Sắc là một cái tên khá nổi tiếng trong giới hội họa về kỹ thuật đốt tạo thành tranh trên gỗ tự nhiên. Giải nhất cuộc thi vẽ chân dung tự họa trung tuần tháng 9 vừa qua là một mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Sắc. Phong cách vẽ tranh hiếm có khó tìm của Sắc không chỉ được biết đến trong giới hội họa mà còn là sự lạ của công chúng.

Lạ & Cười - Độc, lạ đốt gỗ tự nhiên vẽ tranh

Ngô Văn Sắc tại xưởng làm tranh của mình

Tìm nghệ thuật trong sự điêu tàn

Họa sĩ Ngô Văn Sắc bắt đầu làm tranh khắc trên gỗ từ năm 2007. Trong một lần đốt bỏ những bức tranh khắc gỗ chưa ưng ý như một cách phủ định chính mình, nhìn tác phẩm của mình bị cháy, Sắc nhận ra quá trình tiêu hủy đó là cả một sự biến đổi thú vị và hơn thế nữa ẩn chứa bên trong cái điêu tàn của một tác phẩm bị đốt bỏ đi đó có thể hồi sinh một tác phẩm nghệ thuật khác lạ và độc đáo hơn. Khi nhìn các khuôn mặt khắc cháy dần trong lửa, một ý tưởng bỗng lóe lên trong anh: "Sự thiêu hủy hình thành một cái mới, sự sống mới. Từ đó các bức tranh đốt trên gỗ tự nhiên được tạo tác".

Họa sĩ Ngô Văn Sắc chia sẻ: "Với tôi, tìm cái mới, cái lạ không phải để lấy danh tiếng. Bởi chất liệu mới hay cách thức mới đều không quan trọng bằng người nhìn ra giá trị nghệ thuật và tính tạo hình của tác phẩm đó. Nó đem lại giá trị thời đại như thế nào và câu chuyện đằng sau bức tranh đó là gì".

Nguyên lý dùng nhiệt đốt cháy bề mặt gỗ để tạo hình được nghệ sĩ Dzũ Kha biết đến và sử dụng để chuyển tải những tác phẩm thơ của Hàn Mạc Tử từ khá lâu. Cũng với nguyên lý này, nhưng Ngô Văn Sắc đã đưa kỹ thuật "đốt" lên một mức cao và tinh tế hơn trong tác phẩm của mình. Mặc dù, được nhiều người trong giới hội họa biết đến bởi sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật nhưng khi chia sẻ về mình anh thường khiêm tốn nói rằng đây là một nghệ thuật đơn giản và ít tốn kém.

Nguyên liệu tạo hình của những tác phẩm đốt cháy không phải là tuýp sơn dầu đắt tiền hay quỳ vàng, bạc tán lên tranh giá tiền triệu... mà chỉ đơn thuần là gỗ và lửa. Vì thế, ý tưởng vẽ tranh và giá trị nghệ thuật của câu chuyện mà người họa sĩ gửi gắm trong đó là quan trọng nhất. Có hai cách phác thảo, một là phác hình trên giấy rồi phóng lên gỗ hoặc anh phác hình trực tiếp bằng chì hoặc màu lên gỗ rồi dùng bình khò ga để đốt theo ý tưởng phác thảo. Công đoạn cuối cùng là dùng máy chà để chỉnh độ đậm nhạt...

Cái khó khi vẽ tranh kiểu này là ở chỗ khi đốt phải có sự chủ động tính toán đường đi của lửa theo đúng ý tưởng phác thảo. Nếu lửa đi quá tay, dẫn đến bức tranh bị cháy xém rất mất thẩm mỹ, còn nếu đường đi của lửa "non tay" thì lại không chuyển tải được hết ý tứ cũng như ý tưởng nghệ thuật của bức tranh. Đôi khi để tạo hiệu quả như mong muốn, Sắc còn chủ động đi những đường lửa táo bạo khiến gỗ nứt nẻ. Chính trong cái nứt nẻ điêu tàn đó, người ta đã tìm thấy vẻ đẹp của sự huyền bí.

Sắc chia sẻ, anh yêu chất liệu gỗ và say mê sáng tác trên đó bởi tính tự nhiên của nó mang lại. Cũng giống như những nguyên liệu dùng để vẽ tranh sơn mài cũng đều là màu tự nhiên mà thứ màu công nghiệp không thể mang lại được. Hiệu quả nghệ thuật mà gỗ mang lại còn ở chính vẻ đẹp tạo hình tự nhiên của những thớ gỗ, vân gỗ đã giúp Sắc khơi gợi ý tưởng để sáng tác ra những tác phẩm của mình và anh có sự chủ động tính toán nó. Cái kỳ công của người làm loại tranh này là không phải lúc nào cũng tìm được mảnh gỗ có kích thước chuẩn với ý tưởng sáng tác của người họa sĩ nên buộc phải gọt đẽo hoặc ghép các mảnh gỗ vào với nhau cũng khá mất thời gian.

Anh tâm sự: "Mình chỉ thích sáng tác những bức tranh khổ lớn bởi với anh "đất diễn" càng rộng sẽ càng kích thích sự sáng tạo. Đôi khi vì kích thước chưa đạt chuẩn thì ý tưởng sáng tác buộc phải thay đổi". Theo Sắc, lắm khi cưa, khoan, đục đẽo, mài... ồn ã quá, làm hàng xóm không chịu nổi. Đó là lý do mà anh phải chuyển studio về quê, trong không gian rộng, thoáng đãng...

Tiếng vang trong triển lãm Dogma

"Chân dung tự họa - Dogma Prize" là cuộc thi khởi động từ năm 2011 do công ty nghệ sỹ Mê Kông thực hiện dưới sự bảo trợ của tổ chức Dogma. Sắc cho biết, năm 2011 anh đã tham dự và giành giải nhì của cuộc thi này và đến năm nay bức chân dung tự họa anh mang đến cuộc thi đã vượt qua 45 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo để đoạt giải nhất. Bức chân dung tự họa này anh vẽ ở Sài Gòn, có kích thước 200 x 120 cm, nặng 50 kg. Trên khối gỗ tự nhiên hình chữ nhật được chia thành 16 ô, họa sĩ khắc họa ở mỗi ô những góc khuôn mặt của chính anh.

Tại triển lãm, tác phẩm của anh được ban giám khảo đánh giá cao bởi bố cục chặt chẽ, bút pháp vững vàng và làm chủ được chất liệu tạo hình. Đặc biệt đây là dịp để công chúng chiêm ngưỡng và ghi nhận họa sĩ Ngô Văn Sắc như một nghệ sỹ sáng tác đã vượt qua việc làm chủ chất liệu đơn thuần để tiến đến "chơi" chất liệu một cách nhuần nhuyễn. Sắc chia sẻ về ý tưởng của mình chuyển tải trong tác phẩm: "Màu nâu của gỗ hòa với màu đen của vết cháy và những đường vân tự nhiên tạo nên hiệu ứng thị giác đặc biệt cho bức chân dung. Tác phẩm vừa như sự tự bộc lộ trạng thái cảm xúc của người họa sĩ trong cuộc sống vừa như ẩn giấu góc khuất bên trong một con người".

Tuệ Linh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.