Chile được cả thế giới biết đến là một trong số những quốc gia hàng đầu về sản xuất rượu vang, với kim ngạch xuất khẩu đứng thứ tư chỉ sau các nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Mỗi năm, trung bình quốc gia này sản xuất ra khoảng 1,3 tỷ lít rượu vang. Chile được mệnh danh là thiên đường du lịch ở Nam Mỹ với những cảnh đẹp và nhiều điều bất ngờ thú vị. Trong đó phải kể phong tục đón Tết có phần rùng rợn ở nước này, đó là ngủ ở nghĩa trang trong đêm Giao thừa.
Trang mạng xã hội Badoo từng kêu gọi cuộc bỏ phiếu để bầu ra những truyền thống đón năm mới kỳ lạ nhất và hài hước nhất thế giới. Theo đó, phong tục đón Tết ở Chile đã nằm ở vị trí đầu tiên bởi với truyền thống qua đêm trong nghĩa trang để đón năm mới với những người thân đã khuất.
Theo đó, người dân ở Talca, Chile dành đêm Giao thừa để tưởng nhớ những người đã khuất bằng cách đến nghĩa trang thăm người thân yêu của họ. Các gia đình thường mang theo đồ ăn thức uống để làm lễ tảo mộ, thắp nến và trang trí phần mộ của người thân.
Họ tin rằng những người thân đã khuất của mình mỗi năm đều chờ họ ở nghĩa trang và giao thừa chính là dịp để sưởi ấm cho những ngôi mộ lạnh lẽo và những người yêu thương nhau có thể cùng bắt đầu một năm mới hạnh phúc.
Không chỉ trò chuyện và trao đổi về một năm mới, họ còn trò chuyện cùng với người đã khuất. Họ luôn tin rằng linh hồn của những người yêu thương đã qua đời có thể lắng nghe và thấu hiểu tâm sự của họ.
Trang CBC cho biết, truyền thống kỳ lạ này bắt nguồn từ một câu chuyện xúc động vào cuối những năm 1980. Theo đó, một gia đình ở Talcan đã nhảy qua hàng rào nghĩa trang để vào đón năm mới cùng người cha quá cố. Sau này, phong tục ngày càng lan rộng trong cộng đồng Talca nên cứ vào mỗi đêm giao thừa là người dân tập trung tại nghĩa trang để đón tết cùng người thân đã mất.
Theo lệnh của thị trưởng thị trấn ở Talca, tất cả các nghĩa trang sẽ được mở vào đúng 23 giờ ngày 31/12 hàng năm để mọi người có cơ hội chào đón một năm mới cùng linh hồn những người thân yêu của họ ở bên kia thế giới. Người dân thường mang theo bên mình những bản nhạc cổ điển hay nến hoặc đèn nhấp nháy để thắp sáng nghĩa trang với mong muốn phần mộ người thân sẽ không phải lạnh lẽo trong đêm giao thừa.
Phong tục có phần “quái đản” nhưng mang đậm nghĩa nhân văn này đã thu hút được rất nhiều sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. Không ít người tỏ ra “lạnh sống lưng” trước tập tục có một không hai này. Tuy nhiên, hiện nay, mỗi năm có hàng nghìn người ghé thăm các nghĩa trang vào các dịp Giao thừa để đón nhận thời khắc quan trọng nhất của một năm.
Quốc Tiệp (t/h)