Không sát sinh, không tiệc mặn
Theo tìm hiểu của PV, những nhà hàng cơm chay không quá xa lạ với thực khách Hà Nội và TP.HCM, nhưng tiệc cưới chay có lẽ vẫn còn khiến nhiều người ái ngại. Lý do mà người ta không tổ chức đám cưới tiệc chay bởi ăn chay trong gia đình đã khó huống hồ đãi tiệc cưới với số lượng khách mời lên đến vài trăm người quả thật không đơn giản. Các món ăn chay chế biến làm sao để hợp với tất cả khách mời cũng là điều khiến các chủ nhân bữa tiệc phải trăn trở.
Tiệc cưới chay đang được nhiều đôi uyên ương lựa chọn.
Tuy nhiên, mỗi ngày đâu đó các thông tin hàng trăm người dự tiệc đám cưới phải nhập viện do ngộ độc thức ăn hay nhà hàng đãi tiệc cưới bằng thịt thối, thịt thiu thực sự khiến nhiều người lo sợ. Giữa lúc nỗi lo thực phẩm bẩn tấn công bữa tiệc và giá cả không ngừng leo thang, tiệc cưới chay đang là "mốt" được nhiều cặp uyên ương ưu tiên lựa chọn.
Nhận được thiếp mời của một người bạn đại học hiện đang làm truyền thông cho một công ty dược phẩm tới dự tiệc tại nhà hàng cơm chay, anh Nguyễn Tuấn (Thái Hà, Hà Nội) và không ít bạn bè cùng lớp đều ngạc nhiên: "Tại sao lại tổ chức tiệc cưới chay?". Tuy nhiên, khi bước chân vào nhà hàng tổ chức tiệc cưới chay tại Ba Đình (Hà Nội), anh Tuấn và hầu hết những người tham dự bữa tiệc cưới không khỏi bất ngờ. Ngạc nhiên và hài lòng, xen lẫn hứng thú là cảm giác của tất cả khách mời.
Một không gian độc đáo mới lạ mang màu sắc Phật giáo, toàn bộ nhà hàng từ trong ra ngoài được trang trí bằng các bông hoa sen. Sen trên bàn ăn, sen trên bàn tiếp tân, sen trên các kệ trang trí, sen trên tay cô dâu chú rể.
"Không có những bản nhạc ầm ĩ, không có tiếng hô hào xen lẫn bia rượu thay vào đó là những lời răn dạy của Phật về tình yêu, nghĩa vợ chồng, đạo làm phu thê- có lẽ đó là nét độc đáo nhất của lễ cưới chay", anh Tuấn nói.
Không chỉ ở Hà Nội, tiệc cưới chay cũng được nhiều đôi uyên ương ở TP.HCM lựa chọn. Trên diễn đàn marry.com, chủ đề tiệc cưới chay được nhiều bạn trẻ chia sẻ. Những địa chỉ nhà hàng nấu các món chay như nhà hàng Việt Chay, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) hoặc địa chỉ các ngôi chùa tổ chức đám cưới, tiệc cưới chay được nhiều bạn trẻ chọn và giới thiệu với các thành viên khác.
Với những gia đình muốn tổ chức tiệc cưới chay tại nhà, các nhà hàng cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu.
Giữ hồn thanh tịnh, nuôi lớn "mầm yêu thương"
Không chỉ ngạc nhiên với không gian tĩnh lặng, thanh khiết của bữa tiệc, khi tìm hiểu PV cũng rất háo hức với các món ăn có tên gọi rất lạ, khơi gợi sự tò mò của thực khách như: soup Kiến tâm kiến Phật, gỏi Cửu niên diện bích, cơm Bạch ngọc long bửu, lẩu Dược sư hải hội, món tráng miệng Thưởng nguyệt luyến hoa... Những món ăn khiến cho khách mời đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với mỗi món đem ra.
Theo chia sẻ của Bảo Ngọc (cô dâu), chủ nhân của bữa tiệc, ngay lúc đầu nghe chồng nói ý định tổ chức tiệc cưới chay, cô đã không đồng ý. Tuy nhiên, khi được chồng dẫn đi thử các món chay và được nghe về ý tưởng, không gian tổ chức đám cưới cô đã bị thuyết phục.
Một đám cưới mang phong cách Phật giáo, không xô bồ huyên náo, không rượu bia thịt cá. Các món ăn chay thuần khiết trong một không gian yên tĩnh và thanh lịch đã hoàn toàn thuyết phục cô.
Bảo Ngọc cho biết: "Chồng tôi không theo đạo Phật nhưng lại có thói quen ăn chay. Biết và yêu nhau gần 3 năm, có nằm mơ tôi cũng không nghĩ là tiệc cưới của mình là cỗ chay. Tuy nhiên, nhà hàng cơm chay và chồng tôi đã thuyết phục được tôi bởi nó vừa lạ và độc. Tôi hiểu ra rằng cỗ cưới hoành tráng, tổ chức ở nhà hàng, khách sạn sang trọng với tôm hùm, gà đồi... chưa chắc đã mang lại hạnh phúc cho chúng tôi và nó có thể trở thành gánh nặng kinh tế cho gia đình mới".
Thành viên hachocolate chia sẻ tâm sự trên diễn đàn marry.com: "Cả hai vợ chồng tôi đều từ ngoài Bắc vào TP.HCM lập nghiệp. Chúng tôi đều làm lao động phổ thông, thu nhập của hai vợ chồng thực sự khó có thể tổ chức một tiệc mặn hoành tráng. Rất may, tôi được bạn bè gợi ý tìm đến tiệc cưới chay với chi phí phù hợp, tiết kiệm.
Đặc biệt là không phải lo người dự tiệc nhập viện, hai vợ chồng cũng không phải "kéo cày trả nợ" sau đám cưới. Đến giờ, đám cưới của hai vợ chồng chúng tôi vẫn thường xuyên được bạn bè nhắc đến bởi vừa lạ, vừa độc. Tất cả mọi người đến giờ vẫn đều chung cảm nhận thấy đám cưới "hay hay"".
Điều đọng lại sau bữa tiệc cưới với khách mời và chủ nhân bữa tiệc như lời Bảo Ngọc chia sẻ, quan trọng nhất là cô và chồng hiểu được cội rễ của tình yêu là phải hội tụ đủ "từ, bi, hỉ, xả". Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân.
Vợ chồng cần nhiều thời gian, để quan sát, để lắng nghe, để thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người mình yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc. Đó là những điều mà trong nhịp sống hối hả, xô bồ không phải ai cũng "cảm" và hiểu được những điều giản dị đó.
Hoàng Mai