Sự việc về bà Vũ Thu H., hiệu trưởng trường mầm non xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) dốc ngược bé trai 4 tuổi vào máy vặt lông gà và dọa cắm điện vừa qua đang khiến dư luận hết sức xôn xao.
Theo thông tin đã phản ánh trước đó, ngày 23/3, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh giáo viên trường mầm non xã Xuân Giao dốc ngược bé trai 4 tuổi vào máy vặt lông gà. Đoạn clip này được chính bố của bé trai âm thầm ghi lại. Hiện tại, sự việc đang được cơ quan chức năng tích cực vào cuộc làm rõ. Bản thân bà H. cũng đã bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Trao đổi với PV, luật sư Trần Huy Tuấn, đoàn Luật sư TP.HCM nêu quan điểm: “Mặc dù đã thanh minh với báo chí là chỉ dọa cháu bé do khóc nhiều và thời điểm đó máy vặt lông gà cũng không cắm điện nhưng hành vi của bà H. có dấu hiệu bạo hành trẻ em, dù dọa nạt cũng không được phép hành xử như vậy với một cháu bé 4 tuổi”.
Luật sư phân tích: “Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền trẻ em. Gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự của trẻ. Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật".
Theo đó, hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 6 Điều 7 luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định. Hành vi này được hướng dẫn tại Điều, 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP, trong đó bao gồm: Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, sao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần...
Theo quy định tại Điều 27, Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như trên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
“Như vậy, đối với trường hợp của bà H. việc dốc ngược cháu bé 4 tuổi vào máy vặt lông gà là sai phạm, có thể khiến cháu sợ hãi thêm chứ không thể ngưng khóc. Đồng thời, theo chia sẻ của bố cháu bé trên báo chí, sau khi bị đối xử như thế, cháu bé trở nên rụt rè hơn, ít nói và tối ngủ liên tục bị giật mình. Rõ ràng, tâm lý và tinh thần của bé đã bị ảnh hưởng một cách rõ rệt. Còn vấn đề về sức khỏe, nhà trường sẽ đưa cháu đi giám định để đưa ra kết luận chính xác”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, với vụ việc trên, bà H. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, mức phạt tù cao nhất là 3 năm theo điểm d, khoản 1, Điều 104 và Điều 105, Bộ luật Hình sự - Khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Đồng thời, bà H. còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của cháu bé để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế về sức khỏe và tinh thần do hành vi của mình đã gây ra.
P.V