Hẳn tất cả những ai đã xem loạt bài "Vạch trần thủ đoạn móc túi của nhóm đối tượng khu vực bệnh viện Bạch Mai" của báo Người Đưa Tin đều có chung sự bức xúc khi tận mắt chứng kiến hàng chục nạn nhân mỗi ngày bị móc túi, họ đa phần là những người nghèo phải vay mượn, chắt chiu để có tiền lên viện chữa bệnh.
Để có những thước phim làm chứng cứ gửi cơ quan công an, nhóm PV Người Đưa Tin đã phải nhiều ngày mật phục ghi hình từ những nóc nhà hoặc các vị trí đặc biệt, phải đóng vai người đi xe buýt, đi xe ôm hay người đi khám bệnh.
Đầu tiên, khu vực các đối tượng hoạt động rất đông người qua lại, tầm nhìn hạn chế, nên nhóm phóng viên lúc đầu gặp khó khăn về vị trí đặt máy ghi hình.
Mặt khác, nhóm đối tượng hoạt động rất chuyên nghiệp, có sự cảnh giác cao độ, nên bất kỳ ai đến gần cũng khiến chúng cảnh giác, trừ những “con mồi” chúng nhắm đến, mà đa số là phụ nữ.
Theo thông tin PV tìm hiểu, băng nhóm móc túi này từng bị công an bắt giữ. Tuy nhiên, ít lâu sau chúng lại hoạt động trở lại, do phía công an gặp khó khăn trong thu thập chứng cứ, các đối tượng lại gian manh, xảo quyệt, nhiều chiêu trò chối cãi.
Chính vì vậy nhóm phóng viên báo Người Đưa Tin càng quyết tâm thu thập chứng cứ phạm tội, để các đối tượng không còn cơ hội “lọt lưới” pháp luật.
Sau thời gian dài lên kế hoạch, nhóm PV đã phân chia nhiều đội tác nghiệp. Đội thứ nhất, một nhóm phóng viên được bố trí trên một số nóc nhà cao tầng, sử dụng camera quay từ xa.
Đội thứ 2, để tránh bị nghi ngờ, chúng tôi không tung những phóng viên kỳ cựu hay có vóc dáng dễ khiến người khác nhận dạng là giống phóng viên hay công an, mà quyết định cử những phóng viên nhìn rất trẻ đóng vai sinh viên đợi xe buýt, hoặc lê la trà đá, hoặc ăn mặc như đi khám ở bệnh viện.
Để tránh bị lộ, các phóng viên trẻ liên tục đổi vai, để nhóm móc túi không thấy quen mặt, phát sinh nghi ngờ. Quá trình phục kích ghi hình diễn ra như vậy trong nhiều ngày, bất kể thời tiết. Bù lại, PV đã ghi hình được tất cả hành vi và nắm rất rõ “lịch săn mồi" của ổ nhóm này.
Chiêu trò của chúng cũng thể hiện rõ trong ống kính camera: Bốn người đàn ông và một phụ nữ có sự phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, kẻ đóng vai xe ôm sẵn sàng đưa đồng bọn tẩu thoát, kẻ lôi kéo, xô đẩy, còn người đàn bà thì ra tay.
Điều khiến chúng tôi bất ngờ là "kỹ thuật" ăn cắp điêu luyện của một người phụ nữ. Chỉ với chiếc áo luôn ở trên tay để che mắt các nạn nhân, ả có thể lấy cắp tài sản trót lọt trong vài giây đồng hồ.
Nhiều nạn nhân phát hiện ngay tức thời, nhưng cũng không thể làm gì bởi nhóm đối tượng rất manh động, sẵn sàng hỗ trợ cho nhau khi cần. Gặp trường hợp khó nhằn, các đối tượng nhanh tay ném luôn tài sản lấy cắp được ra xa và vờ như không biết.
Mỗi lần chứng kiến một nạn nhân bị mất tài sản, là mỗi lần nhóm phóng viên thấy nhói lòng. Bởi mỗi nạn nhân kia, đều là những người nghèo, tài sản họ mang theo cũng là những đồng tiền gom góp để đi khám chữa bệnh.
Mỗi ngày chứng kiến hành vi phạm tội của chúng là mỗi lần tăng thêm "độ nóng" trong đầu, trong tim mỗi phóng viên. Cái nóng hừng hực mỗi buổi trưa cũng chẳng nóng bằng sự bức xúc trong mỗi phóng viên. Nhưng nó làm càng quyết tâm của nhóm phóng viên kiên trì đội nắng ghi hình.
Công sức đã được đền đáp, lần lượt các đối tượng sa lưới. Những người dân bị móc túi có thể liên hệ với Công an để lấy lại tài sản của mình. Đó cũng là mục đích cuối cùng mà báo Người Đưa Tin muốn hướng tới, là sự bảo đảm an ninh trật tự lâu dài cho người dân.
Hiện tại, theo nguồn tin riêng của phóng viên, CQĐT đã tiến hành các biện pháp tố tụng để khởi tố vụ án hình sự cũng như tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Theo quan sát, ghi nhận của phóng viên trong những những ngày gần đây, tình trạng móc túi ở khu vực cổng bệnh viện Bạch Mai đã chấm dứt. Người dân đã có thể yên tâm qua lại mà không lo bị mất tài sản.