Xin chào ông Hubert Petit, xin ông cho biết yếu tố nào đã giúp ông đạt được 33 bằng đại học?
Những yếu tố theo tôi là đã giúp tôi có được 33 bằng đại học: Điều thứ nhất, cần có một phương pháp học cho riêng mình; điều thứ hai cần chuẩn chỉnh trong việc xác định mục tiêu; điều thứ ba, sự đam mê thực sự; điều thứ tư, cần phải có một sự ham học hỏi, tò mò; điều thứ năm cần phải có kỷ luật.
Nhưng tất cả điều này chưa đủ, một yếu tố quan trọng khác, đó là sự may mắn. Trong một năm học, tôi học từ 3 đến 4 bằng đại học. Do đó, cần phải có một chút may mắn mới có thể học được nhiều trường song song như vậy.
Đi học các khóa học diễn ra song song như vậy, không phải là điều dễ dàng, tôi cần phải biết sắp xếp giờ. Trong quá trình học, tôi có nhiều môn trùng nhau, có những môn tôi không tham dự được từ đầu đến cuối khoa học. Có những bằng, tôi thấy mình toàn đi thi, thời gian học thì không được nhiều.
Tôi có một may mắn là chưa bao giờ trùng về ngày thi và lịch thi. Duy có một lần là giữa giờ đi thi và giờ đi học hai môn sát nhau. Cụ thể, lúc 9h tôi thi một môn hỏi đáp về chính trị, 11 giờ tôi lại phải học một môn về y học. Tôi đã phải sắp xếp với bạn bè bảo cho tôi thi ca lúc 9 giờ. Như vậy, tôi đã kịp thời gian 11 giờ đi học y.
Xin ông cho biết, để có được 33 bằng đại học, ông đã trải qua bao nhiêu năm tháng học tập?
Nhiều năm lắm. Khi mà đã thích, đã là đam mê của mình thì không bao giờ tính toán thời gian.
Ông có thể chia sẻ về bí quyết học của mình?
“Càng học càng ham” – đó là bí quyết của tôi. Ví như trong ẩm thực, khi chúng ta càng ăn thì càng thấy ngon miệng. Việc học cũng như trong ẩm thực, mỗi người có sở thích riêng, học như một món ăn, khi có công thức rồi thì chúng ta không nên ỷ lại mà cần sáng tạo. Khi các em học nhiều môn thì các em càng ham và muốn học nhiều hơn nữa.
Việc học tập diễn ra hàng ngày, học ngay từ thất bại. Bạn phải đặt ra các mục tiêu cụ thể, có thể đạt được, kết hợp với ghi nhớ, tái thiết và suy nghĩ. Tiếp theo, cần tìm kiếm thông tin, tìm nguồn, xác định mục tiêu, đặt câu hỏi về xu thế, phân biệt sự cần thiết của cái phụ ; rốt cuộc đó là tinh thần ham học hỏi trước mọi thử thách bởi lẽ kẻ chán chường dễ có nguy cơ thất vọng.
Ngoài ra, bạn phải biết tư duy lựa chọn phương pháp nào là phù hợp với mình nhất, có đầu óc tổng hợp những tri thức đã đạt được; huy động trí tưởng tượng, không ngần ngại vượt ra ngoài khuôn mẫu bằng cách xây dựng những mối liên hệ giữa các lĩnh vực hoàn toàn khác nhau; về bản chất của vấn đề, cần rút ra điều cốt yếu để làm cơ sở trung tâm cho suy luận.
Chắc hẳn nhiều độc giả sẽ thắc mắc về cuộc sống đời thường của một tiến sĩ có 33 bằng đại học, ông có thể bật mí được không?
Mọi người đừng nghĩ tôi chỉ có học không thôi. Tôi bắt đầu tự kiếm sống từ năm 22 tuổi, việc vừa học vừa làm không phải là đơn giản. Bạn phải biết cách sắp xếp thời gian sao cho phù hợp nhất.
Tôi có gia đình riêng của mình. Ngoài ra, tôi còn đi dạy nhảy điệu valse, chachacha, zumba, rock… và tôi còn dạy cả môn karatedo nữa.
Tôi kể với bạn về câu chuyện con gái của tôi. Khi mà con gái tôi còn bé, nó luôn hỏi “tại sao mẹ chỉ học mỗi ngành y”. Vợ tôi là tiến sĩ y khoa - chuyên phẫu thuật về mắt. Bạn đã hiểu rồi chứ?
Phương pháp dạy con cái học tập của ông là gì, thưa tiến sĩ?
Theo tôi mỗi người sẽ có một phương pháp khác nhau. Tôi chỉ xin đưa ra phương pháp của mình gồm điểm khởi đầu và kỹ năng sống. Điểm khởi đầu, tôi giúp chúng nhận ra rằng muốn đạt được điều gì cần sự nỗ lực của bản thân, cần là chính mình và biết lắng nghe người khác. Tiếp đó là kỹ năng sống, tôi dạy chúng cách thích nghi và không đánh mất tâm hồn.
Ông có 33 bằng đại học với những chuyên ngành khác nhau: Y học, kinh tế học, văn học, chính trị học… Tuy nhiên, tục ngữ Việt Nam có câu “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, ông nghĩ sao?
Cái đó cũng tùy thôi, với tư cách là một bác sĩ, một luật gia, một nhà kinh tế học và sau đó trong vòng 7 năm làm việc với tư cách là kiểm toán viên, là nhà ngoại giao, hiện nay là giảng viên tại trường đại học, tôi chưa bao giờ chết đói.
Tùy thuộc chúng ta ở trình độ nào, tôi đã trải qua 12 công việc. Tuy nhiên, tùy từng bối cảnh thôi chứ không phải cùng một lúc tôi làm 12 nghề.
Lúc 25 tuổi, tôi là bác sĩ, là nhà kinh tế. Lúc đó, bố mẹ hỏi tôi “con muốn làm gì sau này?”. Lúc đó, tôi không biết mình sẽ làm gì cho những ngày tháng tiếp theo cả. Sau này, tôi nhận ra chính cuộc sống sẽ mang đến cho chúng ta cơ hội. Mọi thứ đến với chúng ta là sự tình cờ mang tính bối cảnh. Chính vì vậy, khi chúng ta có đủ kỹ năng thì sẽ không thiếu cơ hội để chúng ta được thể hiện.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Tiến sĩ Hubert Petit là giảng viên trường đại học Strasbourg và nhiều trường đại học khác trên thế giới. Ông là đại sứ của Cộng đồng Pháp ngữ. Ông đã từng làm việc trong cơ quan ngoại giao của Pháp và Liên minh châu Âu, tại Trung Đông, Balkans, châu Á, châu Phi, Hội đồng châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và UNESCO. Ông cũng từng giữ các vị trí trong bộ Y tế Pháp, với cương vị bác sĩ ở Tây Nam nước Pháp. Ông được trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp, bác sĩ danh dự của đại học Tirana. Trong số các bài giảng của ông, có thể kể đến Các vấn đề châu Âu tại Albania (chương trình thạc sĩ), Nghiên cứu về châu Á hiện đại tại đại học New York, Ngoại giao châu Âu tại đại học Cairo, tại học viện ngoại giao của Kazakhstan và của Cộng hòa Dân chủ Congo. Ông là công dân Pháp, người giữ 33 bằng đại học và được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness thế giới là người có nhiều bằng đại học nhất, bao gồm y tế, luật, kinh tế, khoa học chính trị, quan hệ quốc tế, toán học, văn học, ngoại giao, dịch tễ học, xã hội học, dân tộc học, ngôn ngữ và văn minh phương Đông, v.v. Ông là cựu sinh viên và giảng viên tại trường Hành chính Quốc gia Pháp (ENA). |