Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, hiện, chính quyền tỉnh Quảng Nam đang tiến hành giải quyết ý kiến của khoảng 1.000 người dân mua đất ở các dự án bất động sản của công ty Bách Đạt An, nhưng vướng phải lình xình.
Theo đó, dù khách hàng đã góp vốn đến 95% nhưng Bách Đạt An đang có những dấu hiệu "bẻ kèo". Sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng. Vì sao lại có chuyện này? Một trong những nguyên nhân đó là việc chủ đầu tư cùng sàn phân phối đã bán dự án kiểu ... "lúa non", bán đất trên giấy.
"Anh cứ yên tâm..."
Theo chân những người đi mua đất, chúng tôi được các nhân viên môi giới dẫn vào các dự án đất ở, dự án đô thị mới tại khu đô thị Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam xem thực địa. Tuy nhiên, khác hẳn với những thông tin trên mạng, thông tin do người môi giới cung cấp, nhiều dự án nơi đây vẫn đang là "đất trống đồi trọc".
Tại dự án tên gọi là Riverside 2, nhưng trên thực địa lại cắm bảng hiệu là dự án khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng do Bách Đạt An làm chủ đầu tư, các nhân viên môi giới nói rằng, những lô đất ở đây có giá từ 1,3 tỷ đồng trở lên tùy theo bề rộng các tuyến đường, vị trí, hướng đất.
Hạ tầng khu dự án hầu như chưa có gì, các con đường được thi công sơ sài với lớp cấp phối mỏng. Bó vỉa đường được đặt trực tiếp trên lớp đất cát hết sức sơ sài. Tất cả các block của dự án đều không có hệ thống thoát nước, chưa có hệ thống điện nước. Hạ tầng chưa được đầu nối với các dự án liền kề. Thậm chí là vị trí nhiều lô đất, block trong dự án chưa có thực trên thực tế, mà chỉ là một khu đất trống, ngổn ngang mồ mả, nhưng các nhân viên cũng giới thiệu, ra giá với người mua.
Liền kề là dự án Riverside 2 là Bình An 2 do công ty TNHH Đại Việt là chủ đầu tư cũng được chào bán rầm rộ. Tất nhiên, nơi đây vẫn chưa hoàn thành hạ tầng. Dự án vẫn chưa được đấu nối với các dự án liền kề, nhiều khu vực vẫn đang trong quá trình giải phóng đền bù.
Càng bất ngờ hơn nữa, việc mua đất ở đây diễn ra theo kiểu mua "cọc". Nghĩa là, trên giấy tờ, các lô đất đã được bán theo kiểu đặt cọc từ lâu. Đồng nghĩa về lý thuyết, các lô đất này đã có chủ và muốn bán thì chuyển nhượng cọc qua lại. Còn trên thực tế, các dự án này chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước và chưa được cấp chính quyền giao quyền sở hữu.
"Hiện nay các lô đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng - PV), tuy nhiên chỉ trong vòng 6-7 tháng nữa sẽ ra sổ cho khách hàng thôi. Nếu anh đồng ý mua thì sẽ làm “đơn đề nghị chuyển cọc để nhận chuyển nhượng hợp đồng đặt cọc”. Mọi thủ tục chuyển nhượng, nhân viên chúng em sẽ đứng ra giải quyết nhanh, gọn. Anh cứ yên tâm...", nữ môi giới quả quyết với chúng tôi.
"Bánh vẽ" của "cò đất"
Ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn lắc đầu cho biết, cơ quan chức năng đã khảo sát tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc có 79 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại. Trong đó, chỉ có duy nhất có 2 dự án đã hoàn thành và 7 dự án cơ bản hoàn thành.
2 dự án hoàn thành gồm: Khu dân cư phố chợ Điện Ngọc và khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp – Khu 1. 7 dự án đã thi công cơ bản hoàn thành, gồm: Khu đô thị số 1A; khu đô thị số 1B; khu dân cư mới Thái Dương 1; khu đô thị DAT QUANG Green city; khu đô thị An Phú Quý; khu đô thị Ngân Câu – Ngân Giang.
Còn lại là 71 dự án đã được UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định giao chủ đầu tư, nhưng chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư. Trong đó, có 23 dự án chưa thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư và điều kiện khởi công xây dựng nhưng đã triển khai thi công xây dựng; và 48 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư xây dựng. Những khó khăn, vướng mắc cơ bản ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án là xuất phát từ nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng, công tác đền bù giải tỏa.
Những con số biết nói khiến nhiều người ngỡ ngàng. Rõ ràng, lâu nay hàng loạt dự án bất động sản ở tỉnh Quảng Nam đều có chung chiêu trò: Bán đất trên giấy. Thế nên mới có chuyện, những năm qua, hàng ngày, hàng giờ hàng loạt dự án mở bán ở các khách sạn, resort TP.Đà Nẵng quy tụ hàng ngàn người. Còn đất thật thì vẫn là khoảng ruộng, cái ao sình lầy, hoặc là đất của người dân chưa được thu hồi...
Ông Đạt thừa nhận rằng, đã có một thực trạng chung ở nhiều dự án là đã thực hiện huy động vốn theo kiểu “bán lúa non”. Việc thực hiện huy động vốn tại các dự án là quyền của các chủ đầu tư, tuy nhiên, quyền được huy động vốn chỉ mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thì các chủ đầu tư hoàn thành dự án và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước.
"Các chủ dự án chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi họ đã được cơ quan Nhà nước trao quyền. Tuy nhiên, vì áp lực về nguồn vốn thực hiện dự án nên chủ đầu tư thực hiện hợp đồng góp vốn mà ở đó doanh nghiệp, người dân không nắm rõ các cơ sở pháp lý", ông Đạt nói.
Rõ ràng những cảnh báo mà Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn đưa ra là hoàn toàn có cơ sở và thậm chí đã trở thành sự thật ở vụ lình xình giữa 1.000 khách hàng với Bách Đạt An. Khi không nắm được cơ sở pháp lý, người mua đất hoàn toàn chịu mọi rủi ro khi chủ đầu tư, sàn giao dịch "bẻ kèo".
Được biết, để tránh tình trạng này trong tương lai, UBND thị xã Điện Bàn, sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc huy động vốn đối với các dự án đầu tư nhà ở thương mại trên địa bàn thị xã Điện Bàn. Cùng với đó, đối với tỉnh Quảng Nam, sở Xây dựng cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc huy động vốn đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.