Để có được như ngày hôm nay Nguyễn Thế Vinh đã phải khổ luyện với niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng. Tuy nhiên, điều đáng quý nhất ở con người này không phải ở những ngón đàn tiếng nhạc mà chính là tâm niệm vì cuộc sống và sự phát triển của những trẻ mồ côi, khuyết tật.
"quái kiệt" một tay đánh đàn
Nhắc tới nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh (SN 1970, tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) hầu như giới nghệ sĩ TP.HCM ai cũng biết. Sự nổi tiếng của Nguyễn Thế Vinh không chỉ bởi ngón đàn độc chỉ đánh bằng tay trái. Hơn thế nữa, người ta còn khâm phục cái tài ấy là bởi Nguyễn Thế Vinh biết vươn lên số phận, làm được những điều hữu ích cho xã hội. Cách đây hai năm, người ta vẫn thường thấy đâu đó trong các khu du lịch hay những quán cà phê nhạc Trịnh ở TP.HCM, có bóng dáng một người nghệ sĩ không thể lẫn với ai. Người nghệ sĩ ấy với gương mặt hiền từ, dáng người nhỏ thó, đặc biệt cùng lúc anh biểu diễn hai nhạc cụ là cây ghita với thiết kế sáng tạo gắn thêm một chiếc kèn Harmonica nhỏ.
Một học viên đang tự làm xe cho người khuyết tật.
Một trong những nghệ sĩ lão làng đã từng nhận xét về tài nghệ của Thế Vinh rằng: "Đó là một tay đàn đặc biệt. Phải có trình độ cao người ta mới vừa bấm vừa móc bằng một tay (Coule') điêu luyện như thế bằng tay trái. Vừa chơi ghita vừa thổi Harmonica mà không cần người đệm, hai tuyến giai điệu độc lập sẽ rất khó vì đòi hỏi độ tập trung cao.
Thế Vinh chia sẻ: "Luyện tập lâu cộng với niềm đam mê và có lẽ là một chút năng khiếu bẩm sinh khiến tôi làm được như thế. Để có những giai điệu hay, tôi đánh và thổi bằng tâm hồn mình. Tất cả sự da diết và đồng điệu đều nằm ở đó mà sinh ra". Niền đam mê âm nhạc cháy bỏng thôi thúc Vinh luyện tập, vượt qua những rào cản tư duy của người bình thường. Một người khuyết dù không có cách tay phải vẫn có thể thành công với mục tiêu rõ ràng mà mình hướng tới.
Sinh thời Nguyễn Thế Vinh chịu nhiều bất hạnh, người thân trong gia đình mất sớm bỏ lại ba anh em Vinh sống với ông bà ngoại. Đã thế, thuở nhỏ trong một lần đi chăn bò anh bị ngã gãy cánh tay phải. Nhà nghèo lại xa bệnh viện, cực chẳng đã sau một thời gian khi cánh tay đã bị hoại tử Vinh mới được đưa đi viện. Các bác sĩ tại bệnh viện đành cắt cụt cánh tay phải của Vinh vì không thể cứu chữa được nữa. Từ đó, Nguyễn Thế Vinh sống đời khuyết tật nhưng ý chí của anh thì không. Thay vì oán trách hay than vãn cho sự kém may mắn của mình, anh Vinh lao tâm vào học hành. Ký ức tuổi thơ không may cứ vọng về trong Vinh tạo thêm cho anh động lực, sức mạnh để cố gắng vươn lên.
Từ một chàng trai khuyết tật, giờ đã trở thành người sáng lập một trường học từ thiện nhưng ít ai biết rằng Nguyễn Thế Vinh đã đối mặt với nhiều gian khổ. Những gian khổ ấy, có cái là đời mang lại cho Vinh, có cái tự anh đặt ra để thử thách chính bản thân mình.
Chân dung Nguyễn Thế Vinh.
Nhọc nhằn hành trình xuyên Việt tìm trò
Cứ hai lần đều đặn trong năm, chủ yếu dịp tết, anh Vinh dựa trên danh sách điện thoại bạn bè hay các tổ chức xã hội cung cấp hỏi thăm những em kém may mắn, nếu em nào có nguyện vọng vào trường học thì tiếp nhận. Chỉ cách đây vài năm anh thường đi xe bus từng trạm, ăn ngủ trên đường tìm những học trò đặc biệt. Nhận thấy em nào phù hợp thì hẹn ngày tiếp xúc trực tiếp tìm hiểu kỹ tâm tư nguyện vọng các em. Những trường hợp được chọn vào trường dựa trên sự tâm huyết, quyết tâm vượt lên số phận, mới được nhận về.
Tưởng chừng chuyện này rất đỗi đơn giản nhưng lại có lắm chuyện rắc rối xảy ra. Phải giải thích cho các em và gia đình hiểu được chương trình này đang làm gì, làm như thế nào. Có nhiều người nghi ngờ anh Vinh mua bán trẻ em, mua bán con gái... họ không nghĩ có chương trình tốt hỗ trợ cho người kém may mắn ăn học miễn phí tới đại học, thậm chí cho ra nước ngoài du học. "Có những nơi chính quyền không thích mình làm và họ không cho phép tiếp xúc trao đổi với các em. Chính quyền địa phương không đồng ý thì gia đình các em cũng không thể tin tưởng cho theo học", anh Vinh bộc bạch.
Sự minh bạch từ tâm thức Với mong muốn lập trường, thầy Vinh luôn tâm niệm: "Với tôi, sự minh bạch còn nằm ở trong tâm, tâm trong sáng thì mọi việc đều hướng đến sự trong sáng kể cả trong đào tạo. Chúng tôi tiếp nhận các em kém may mắn luyện cho các em ý chí vươn lên, truyền cho các em những ước mơ hoài bão của cuộc đời. Kết quả thành bại của một con người xuất phát từ ý chí nghị lực sống của chính bản thân người đó, những người xung quanh chỉ là đòn bẩy mà thôi". |
Có nhiều trường hợp khi anh Vinh tới nhà vận động người thân của những trẻ kém may mắn gặp phải người nhà tỏ ý nghi ngờ. Ngoài thuyết phục, anh Vinh còn phải đem tài liệu, hình ảnh cùng những bài báo viết về mình và trung tâm chứng minh. Một số người đã được anh thuyết phục, tuy nhiên có nhiều trường hợp không hợp tác.
Từ những kinh nghiệm của bản thân, anh Vinh nhận ra rằng tư duy tích cực có vai trò cộng hưởng, tạo nên sức mạnh giúp người khác vượt lên gian khó. Tại trường học Hướng Dương, yếu tố kỷ luật được đề cao. Anh Vinh tiết lộ: "Đối với những em ý thức chưa cao, chúng tôi giám sát từng người một, sửa từng hành vi. Người nào sai thì nhắc nhở, nếu sai nữa thì phạt tưới cây, đổ rác, rửa chén... thay vì đó là công việc của tập thể. Với môi trường sống hiện nay, khi tư tưởng các em chưa vững sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, có thể dẫn đến hành vi không tốt. Trong trường, chúng tôi cũng như các học viên luôn cố gắng hết mình trước khi yêu cầu sự giúp đỡ của người khác. Tại nơi này các em vẫn lao động nhẹ như trồng rau, nuôi cá....".
Đối với anh Vinh, tinh thần con người cũng cần phải được chăm sóc hằng ngày giống như ta chăm sóc cơ thể vậy. Những tấm gương người tốt việc tốt, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống được thầy trò phân tích rất tỉ mỉ, từ đó rút ra những bài học quý cho tinh thần. Anh Vinh cũng thường đưa học trò của mình giao lưu với những người có tư duy tích cực. Những chuyến đi giao lưu giúp cho anh và những học trò càng thêm tự tin phấn đấu hơn cho những ước mơ của mình. Anh chia sẻ những dự định trong tương lai: "Sang năm chúng tôi sẽ tiếp nhận nhiều học viên hơn, sẽ xây thêm phòng học, tuyển thêm giáo viên... tất cả đã được tính toán cẩn thận. Điều quan trọng nhất đối với tôi và ngôi trường này là xây dựng đội ngũ kế thừa. Khi chúng ta là một tập thể mạnh cùng chí hướng thì thành quả sẽ cao hơn. Những em có tâm tốt vì mọi người, có tài sẽ được chọn đi du học sau này trở lại phục vụ cộng đồng giúp đỡ người khác".
Cùng lúc chơi hai loại đàn Kiểu chơi nhạc này mới đầu làm anh Vinh đau tê tái các đầu ngón tay, nhưng anh không hề bỏ cuộc. Anh Vinh chia sẻ: "Cái gì khó mà mình bỏ qua là mình yếu đuối. Tôi luôn muốn thực hiện những cái mà người ta nghĩ đối với mình không làm được. Thật ra chỉ cần có đam mê và sự kiên trì mọi thứ đều có thể". Xong món đàn độc, anh Vinh lại đam mê cả Harmonica, nên anh chàng quyết định khổ luyện thêm lần nữa. Về sau này nhờ khổ luyện , anh đã có thể sử dụng cùng lúc hai nhạc cụ mà cái nào thể hiện cũng ngọt ngào, đằm thắm. |
Trung Nguyên - Hoàng Minh