Tin nhắn gài bẫy
Mới đây nhiều người sử dụng điện thoại Smartphone còn phản ánh một chiêu lừa đảo mới, đó là chỉ đọc tin nhắn SMS cũng mất tiền. Cụ thể, những tin nhắn rác gửi tới những số thuê bao sử dụng Smartphone đều được gắn thêm đường link. Nội dung chủ yếu là mời mọc việc tải về mấy trang web sex, xem bói, game oline... qua đó nếu người nào khi đọc tin nhắn vô ý chạm vào đường link thì máy sẽ tự động tải dữ liệu, tất nhiên người dùng sẽ lại mất một khoản phí lớn trong tài quản.
Chị Hà (Đông Anh - Hà Nội) cho biết: Từ ngày lên đời chiếc Samsung galaxy, chị thường xuyên sử dụng mạng 3G để tiện cho công việc và giải trí. Cũng từ đó tin nhắn rác gửi về số máy của chị ngày một nhiều. Vì đã được người thân cảnh báo nên chị Hà không hề nhắn lại mà chỉ xem qua tin nhắn. Tuy nhiên cuối tháng khi kiểm tra tài khoản chị lại phát hiện mình mất hơn 300.000 đồng so với những tháng bình thường. Chị Hà đã nhiều lần thắc mắc với tổng đài nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông cho rằng, trường hợp của chị Hà đã nhận được tin nhắn dưới dạng Push hay còn gọi là WapPush. Đây là các tin thường có đường link truy cập.
Theo đó, ở các dòng Smartphone, tin nhắn dạng này giống như các SMS thông thường, khi mở tin thì máy sẽ tự động tải nội dung về. Thực tế, đây là phương thức tiện dụng dành cho các dòng điện thoại Smartphone, nhưng đang bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo qua tin nhắn điện thoại để kiếm tiền.
Trong trường hợp này, người dùng nhắn tin với cú pháp từ chối nhận quảng cáo gửi đến tổng đài cũng không có hiệu lực, bởi đây không phải nội dung cho nhà mạng cung cấp. Biện pháp ngăn chặn tin Push cũng khó thực hiện được, do việc phát tán được thực hiện thông qua phần mềm và máy tính, gửi đi trên diện rộng. Một số loại điện thoại thông minh có tính năng chặn push SMS nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả tuyệt đối.
Tinh vi nhất hiện nay là các đối tượng sử dụng phần mềm SMS Touch để lừa đảo tới hàng loạt người sử dụng điện thoại. Đây là phần mềm gửi tin nhắn qua hệ thống mạng Wifi hoặc 3G, hiện tại nó được viết cho hệ điều hành IOS trên Iphone và bán trên Apple Store. Chỉ với giá 2,99 USD, các đối tượng lừa đảo có thể gửi được 10 tin nhắn để lừa đảo một lúc. Nếu bỏ ra khoảng 100USD mua phần mềm này thì có thể gửi đến 1.000 tin nhắn.
Hiện nay phần mềm này được rao bán nhan nhản trên nhiều trang rao vặt ở Việt Nam với giá từ 250.000 đến 300.000 đồng, hoặc với 550.000 đồng thì có thể gửi được 2000 tin nhắn… Với phần mềm này, từ chiếc máy tính kết nối Internet, chúng có thể sử dụng bất kỳ đầu số nào của các nhà mạng, gửi tin nhắn đến người sử dụng. Điều này dẫn đến sự nhầm lẫn cho các chủ thuê bao, họ sẽ nhầm tưởng đó là tin nhắn tổng đài và mắc bẫy bọn lừa đảo.
Biện pháp phòng ngừa
Theo các chuyên gia, tình trạng lừa đảo trên điện thoại đã chuyển sang nhiều kiểu biến tướng khác nhau rất tinh vi và người dùng cần thận trọng tối đa để tránh bị lừa và mất tiền oan ức cho những việc này. Một đại diện của Viettel cho hay, khi nhận được những tin nhắn yêu cầu phải trả lời lại theo cấu trúc đã được “gài” sẵn, người dùng không nên làm theo vì 99,99% những tin nhắn như vậy sẽ khiến bạn mất tiền một cách oan ức bởi đó là lừa đảo. Thậm chí, nếu nhận được tin nhắn từ tổng đài (với các đầu số 090, 095, 099,…) thì tốt nhất nên gọi lên tổng đài để kiểm tra lại trước khi làm theo. Những số tổng đài mà bạn có thể liên lạc khi khẩn cấp là, Mobifone (18001090), Sfone (905), Vinaphone (18001091), Viettel (198), Vietnamobile (123 hoặc 456), Beeline (199),…
Để tránh bị lừa đảo, mất tiền ngoài ý muốn, các nhà đài cũng khuyến cáo người dùng khi sử dụng các dịch vụ qua tin nhắn SMS, mọi người cần tìm hiểu kỹ về “giá cước” và “dịch vụ”. người dân cần cảnh giác, không nhắn tin phản hồi hoặc làm theo hướng dẫn đối với các tin nhắn không rõ nguồn gốc, có nội dung quảng cáo, mời chào hoặc mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Sơn Tùng