'Đọc vị' 3 tác nhân gây rối thị trường vàng

'Đọc vị' 3 tác nhân gây rối thị trường vàng

Thứ 5, 29/08/2013 14:07

Ở thời điểm đầu tuần, giá vàng SJC rơi vào tình trạng loạn giá khi các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giảm ngược chiều. Trong nửa buổi sáng 26/8, giá vàng trong nước biến động giảm giá bán ra khoảng 30.000 đồng/lượng, giá vàng mua vào được các công ty điều chỉnh tăng thêm 70.000 - 100.000 đồng/lượng.

Tăng, giảm ngược chiều

Cụ thể, theo báo giá của công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quý, giá vàng SJC tại Hà Nội phiên sáng 26/8 giao dịch ở mức 38,06 triệu đồng/lượng - 38,18 triệu đồng/lượng, chiều mua vào tăng 10.000 đồng/lượng còn chiều bán ra giảm 10.000 đồng/lượng. Còn theo công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC tại TP.HCM cùng thời điểm giao dịch ở mức 37,97 triệu đồng/lượng - 38,17 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều  lần lượt là 170.000 đồng/lượng và 70.000 đồng/lượng so với chốt phiên tuần trước đó.

Không giống động thái của hai công ty trên, ở cùng thời điểm, giá vàng SJC tại Hà Nội và TP.HCM được tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giao dịch ở mức 37,98 triệu đồng/lượng (mua vào) - 38,16 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 37,99 triệu đồng/lượng - 38,15 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn. So với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng SJC hiện được DOJI điều chỉnh giảm nhẹ  ở mỗi chiều lần lượt là 80.000 đồng/lượng và 20.000 đồng/lượng.

Phản ứng tăng giảm giá mua vào và bán ra của các doanh nghiệp kinh doanh vàng khiến giao dịch trên thị trường đầu tuần rơi vào tình trạng loạn giá.

Để lý giải về hiện tượng trên, PV đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ông Kiêm phân tích: Có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỗi doanh nghiệp có mức tăng giảm khác nhau cùng với mặt hàng vàng SJC. Thứ nhất, chất lượng kinh doanh và nội dung hoạt động của các đơn vị, chi phí đầu vào, đầu ra khác nhau nên họ có cách định giá không giống nhau. Thứ hai là mỗi cửa hàng có cách tiếp cận thông tin thị trường và phân tích thông tin đó khác nhau. Nhìn nhận toàn diện từ thị trường thế giới và thị trường trong nước, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tính toán quyết định và dự liệu của mình. Thứ ba là quản lý từ phía Ngân hàng Nhà nước. Những uốn nắn của đơn vị này có thể chưa kịp thời, thường xuyên nên làm cho tình hình thị trường hơi rối và không thống nhất cùng với một mặt hàng.

Bất động sản - 'Đọc vị' 3 tác nhân gây rối thị trường vàng

Giá vàng SJC có nhiều biến động trong phiên giao dịch đầu tuần.

Cũng theo ông Cao Sỹ Kiêm, giá vàng SJC cũng phải tuân theo thị trường về cung cầu, giá nguyên liệu... Doanh nghiệp sản xuất ra SJC cũng là một đơn vị kinh doanh nên họ phải có trách nhiệm về lỗ lãi của mình. Thế nên không có một mức giá trần hay cố định nào đó cho loại hàng này. Chỉ có điều, SJC được "tin" hơn nên được chọn là thương hiệu vàng quốc gia và được lựa chọn cho các giao dịch.

Nói về hiện tượng này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: "Hiện tượng loạn giá vàng thường rất ít khi xảy ra. Hiện nay, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tôi cũng đang nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân xem vì sao lại để xảy ra hiện tượng này".

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, giá vàng trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào giá vàng thế giới. Người ta tung tin đồn, suy đoán dựa vào những chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, Nhà nước cho phép miễn kiểm tra mặt hàng vàng nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước với lý do giúp bảo mật thông tin về vàng nhập khẩu, lịch trình, thời gian vận chuyển, nâng cao độ an toàn trong quá trình vận chuyển...

Bên cạnh đó những người tung tin cũng cho rằng kinh doanh vàng không phải là chức năng của Ngân hàng Nhà nước, nên trong tương lai sẽ chấm dứt đấu thầu vàng miếng?!. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng. Khi chấm dứt đấu thầu vàng, tức là cũng ngừng nhập khẩu vàng, để cung ứng ra thị trường, khi đó, nhu cầu vàng để dự trữ của người dân, nhu cầu vàng để chế tác... có xu hướng tăng lên. Và, theo quy luật, khi cung nhỏ hơn cầu, giá vàng trong nước sẽ tăng lên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới càng cao hơn. Họ dựa vào những suy đoán trên, nên cho rằng giá vàng trong nước sẽ tăng, ông Long phân tích.

Mức chênh lệch sẽ còn tiếp tục giảm?

Đánh giá về động thái của người dân, ông Kiêm cho rằng, trước tình trạng trên, người dân đương nhiên sẽ bị thu hút bởi những cửa hàng có mức giá hấp dẫn mình. Nếu họ muốn bán, cửa hàng nào mua vào cao thì họ sẽ bán; còn nếu họ muốn mua, hàng nào bán rẻ thì họ mua. Họ hầu như không quan tâm đến việc doanh nghiệp nào mạnh, yếu. Còn đối với doanh nghiệp, nếu đơn vị nào thông tin kịp thời, chất lượng tốt thì sẽ được lợi cao. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, mức chênh lệch giữa các cửa hàng sẽ không quá xa, bởi nếu đưa ra một mức giá cao quá hoặc thấp quá thì cũng đều có những ảnh hưởng và rủi ro.

Nhận định về xu hướng giá vàng thời gian tới, vị nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: Giá vàng luôn ở tình trạng lên xuống. Giá vàng thế giới, công tác quản lý của Nhà nước và trình độ của các đơn vị kinh doanh vàng là ba yếu tố quyết định mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Ngoài ra, đây cũng là những yếu tố có nảy sinh tình trạng đầu cơ hay không. Do những yếu tố về quản lý và tâm lý, thời gian gần đây, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm từ 6-7 triệu đồng/lượng xuống còn dưới 3 triệu đồng/lượng. Đây là biến chuyển rất tích cực và nếu giá vàng thế giới giảm, quản lý của chúng ta tốt thì mức này được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục đi xuống. Còn nếu giá vàng quay ngược tăng trở lại thì mọi chuyện sẽ không đơn giản và khi ấy, sẽ không đoán được là khoảng cách kia lại tiếp tục tăng lên bao nhiêu.

Nói về việc giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch, với mức chênh 2,6 triệu đồng/1lượng, ông Ngô Trí Long cho rằng: "Con số cách biệt như vậy vẫn chưa hợp lý vì Thống đốc ngân hàng Nguyễn Văn Bình nói là chỉ 400 nghìn đồng/lượng. Nhìn vào thực tế, có thể thấy, tùy từng thời kỳ mà giá vàng trong nước và thế giới có giá chênh lệch khác nhau. Từ vàng tài khoản chuyển sang vàng vật chất mất một phí nhất định đồng thời, nó cộng thêm những chí phí lưu thông, chênh lệch vào khoảng 45 - 50 đô la (khoảng 900.000 đến 1 triệu đồng) là hợp lý. Mức chênh lệch 2,6 triệu đồng/1lượng vẫn là mức cao".    

Chênh lệch giá vàng thấp nhất trong vòng 12 tháng

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới xuống quanh vùng 2-2,5 triệu đồng một lượng trong những ngày qua được coi là mức chênh thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái tới nay. Trước đây, giá vàng trong nước chỉ đắt hơn thế giới vài trăm nghìn đồng một lượng, thậm chí có nhiều thời điểm rẻ hơn. Tuy nhiên, từ đầu năm ngoái, khi mạng lưới kinh doanh vàng thu hẹp, nguồn cung cho thị trường hạn chế, cộng với nhu cầu mua dồn dập hàng chục tấn vàng để tất toán trạng thái của các ngân hàng, giá vàng trong nước bắt đầu bỏ xa thế giới.

T. Huế - P. Hạnh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.